Mô hình canh tác mới dùng ít nước hơn 250 lần bình thường
16:47 - 09/10/2021
Thoạt nhìn mô hình canh tác này trông giống như trong phim khoa học viễn tưởng, nhưng trên thực tế nó chỉ là một trang trại thẳng đứng sử dụng các công cụ khác thường.
Mô hình canh tác của Nordic Harvest ở ngoại ô thủ đô Copenhagen, Đan Mạch. Ảnh: Newscientist


Bức ảnh ấn tượng này do nhiếp ảnh gia Alastair Philip Wiper chụp được, cho thấy một sảnh trồng trọt tại khởi nghiệp Nordic Harvest - một trang trại thẳng đứng 14 tầng ở ngoại ô thủ đô Copenhagen, Đan Mạch.

Thay vì dựa vào ánh sáng mặt trời và đất để trồng trọt, Nordic Harvest đã sử dụng một cách tiếp cận khác thường: sử dụng robot để gieo hạt giống rau, chủ yếu là các loại rau ăn lá và rau thơm.

Điểm khác biệt lớn nhất chính là việc sử dụng một chất nền dạng gel chứa đầy đủ các thành phần dinh dưỡng có thể hòa tan trong nước để giúp cho cây phát triển. Trong khi đó, hệ thống đèn LED chiếu sáng và carbon dioxide được bổ sung cùng với nguồn năng lượng tái tạo từ các tuabin gió, giúp cung cấp năng lượng cho toàn bộ quá trình trồng trọt.

Mô hình canh tác này không cần sử dụng thuốc trừ sâu vì môi trường không có sinh vật gây hại, và đặc biệt chỉ tận dụng một nguồn nước duy nhất đã được kiểm soát theo mô hình quay vòng tuần hoàn để phục vụ cây trồng.

Đại diện khởi nghiệp Nordic Harvest cho biết, điều này có nghĩa là trang trại tiêu thụ một lượng nước ít hơn 250 lần so với các trang trại nông nghiệp truyền thống và ít hơn 80 lần so với mô hình trồng trọt trong nhà kính. Ngoài ra, mô hình canh tác mới mẻ này cũng chỉ yêu cầu không gian ít hơn tới 250 lần so với mô hình nông nghiệp truyền thống.

Theo các chuyên gia, xu hướng chuyển đổi sản xuất tiết kiệm năng lượng hay canh tác thay thế có thể sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc hạn chế một số áp lực gây ra từ biến đổi khí hậu do nhu cầu lương thực, thực phẩm ngày càng tăng dẫn đến phát thải carbon lớn cũng như nạn phá rừng.

Kim Long (Newscientist)
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn