Xây dựng rãnh thoát nước thải ở các xã miền núi tỉnh Vĩnh Phúc
09:58 - 17/09/2021
Huy động được sức dân, các xã miền núi tỉnh Vĩnh Phúc đã đưa phong trào xây dựng, cải tạo cống, rãnh thoát nước thải trong khu dân cư đạt kết quả tích cực.

Với đặc điểm địa bàn rộng, dân cư sống không tập trung, địa hình chia cắt là một trong những yếu tố khiến đời sống người dân ở các xã miền núi gặp nhiều khó khăn. Việc xây dựng, cải tạo cống, rãnh thoát nước thải trong khu dân cư ở các địa phương này không mấy thuận lợi.

Nhưng với nhiều cách làm sáng tạo, linh hoạt, các địa phương đã tạo sự đồng thuận, huy động được sức dân, đưa phong trào đạt kết quả tích cực, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn.

Người dân xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo tích cực hiến đất, góp công xây dựng cống rãnh thoát nước thải. Ảnh: Hồng Yến.

Người dân xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo tích cực hiến đất, góp công xây dựng cống rãnh thoát nước thải. Ảnh: Hồng Yến.

Ông Lý Ngọc Một, Chủ tịch UBND xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo cho biết: “Sau khi có chủ trương của tỉnh về hỗ trợ xây dựng cải tạo cống, rãnh thoát nước thải, khắc phục ô nhiễm môi trường, Đảng ủy, chính quyền địa phương đã ban hành Nghị quyết, kế hoạch triển khai; giao các thôn tổ chức họp, xin ý kiến nhân dân và đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện.

Các thôn đã phát huy vai trò của người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số để tuyên truyền, vận động. Hiệu quả trông thấy từ một số thôn mạnh dạn đi đầu đã giúp phong trào nhanh chóng lan rộng. Đến nay, toàn xã có 164 hộ ở 6 thôn: Đồng Quạ, Tân Tiến, Phân Lân Hạ, Phân Lân Thượng, Gò, Đạo Trù Hạ hiến hơn 4.800m2 đất để xây dựng cống thoát nước thải. Xã đã hoàn thành trên 16.300 mét cống, đạt 94,2% tổng số đã đăng ký thực hiện."

Theo số liệu thống kê của Ủy ban MTTQ tỉnh, tổng kết phong trào “Toàn dân xây dựng, cải tạo cống, rãnh thoát nước khắc phục ô nhiễm môi trường tại các khu dân cư”, các địa phương trong tỉnh đã xây dựng được gần 170km cống rãnh thoát nước thải, hầu hết đều vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, huyện Sông Lô vượt gần 80%, Lập Thạch vượt gần 20% kế hoạch. Riêng huyện miền núi Tam Đảo cũng đạt 98,6%.

Trong quá trình triển khai, một số tuyến rãnh có kích thước nhỏ không đáp ứng được việc tiêu thoát nước tại các khu dân cư trong mùa mưa lũ, nhất là tại các khu dân cư ở các vị trí sườn đồi có lưu lượng nước chảy từ trên đồi xuống rất lớn. Do đó, người dân đã đề nghị được chuyển đổi loại rãnh đã đăng ký ban đầu thành rãnh có khẩu độ lớn hơn khiến nguồn kinh phí hỗ trợ vật liệu để xây dựng các loại rãnh tăng hơn so với thời điểm đăng ký năm 2019. Đó cũng là một trong những khó khăn khiến địa phương chưa hoàn thành 100% kế hoạch đề ra. Ông Một cho hay.

Xã Quang Yên, huyện Sông Lô với diện tích tự nhiên hơn 1.700 ha, gần 9.600 nhân khẩu, trong đó, đồng bào Cao Lan chiếm 20%, thu nhập chính của người dân chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp, khi bắt tay vào triển khai xây dựng rãnh thoát nước thải trong khu dân cư, chính quyền xã gặp không ít khó khăn.

Để vận động người dân thực hiện, Đảng ủy, chính quyền xã đã giao các thôn vận dụng sáng tạo, linh hoạt trong tuyên truyền; nêu gương các thành viên trong tổ liên gia, đảng viên mạnh dạn đi đầu để vận động người thân tích cực hưởng ứng.

Với phương châm “làm đến đâu lan tỏa đến đó”, từ thôn đầu tiên Đại Lương đã nhân rộng ra toàn xã, người dân đồng tình ủng hộ, tích cực tham gia chương trình. Đến nay, nhân dân trong xã đã đóng góp hơn 7.000 ngày công; hiến 1.500m2 đất vườn, phá dỡ hơn 250m tường gạch, ước tính hơn 4 tỷ đồng để xây dựng trên 23km rãnh thoát nước thải, đạt 100% kế hoạch đăng ký.

Cùng với hạ tầng giao thông được đầu tư ngày càng đồng bộ, công trình cống, rãnh thoát nước thải đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết tình trạng ô nhiễm nước thải, khích lệ người dân trên địa bàn các xã miền núi tiếp tục triển khai các phong trào bảo vệ môi trường, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, hướng đến xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Hồng Yến
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn