'Nắng tốt dưa, mưa tốt lúa'. Anh Diệp đưa dưa lưới về trồng tại chảo lửa Hoài Ân, nhưng phải mất 4 năm anh mới hiểu 'tâm tính' và trồng thành công giống dưa này.
Chinh phục giống dưa khó tính
Anh Trần Bảo Diệp (SN 1988) ở Thị trấn Tăng Bạt Hổ (huyện Hoài Ân, Bình Định), sáng lập viên HTX Nông nghiệp Công nghệ cao La’sfarm Ân Phong (huyện Hoài Ân), hiện đang sở hữu 2.000m2 nhà màng trồng dưa lưới, dưa leo, cà chua…, trong đó chiếm nhiều nhất là dưa lưới với 1.500m2.
Theo anh Diệp, dưa lưới là cây trồng khá khó tính, chứ không dễ dàng như nhiều người nghĩ. Để thấu hiểu “tâm tính” của nó, anh phải mất đến 4 năm ròng “lên bờ xuống ruộng”, hết lần này đến lần khác thất bại.
“Lứa dưa nào tôi cũng ghi nhật ký, nên có số liệu đối chứng để tìm ra nguyên nhân thất bại, nhờ đó tôi mới thấu hiểu được đặc tính của nó, nên giờ mới trồng thành công giống dưa này”, Diệp bộc bạch.
Sau 4 năm theo dõi sát sao quá trình sinh trưởng của dưa lưới, Diệp rút ra được kinh nghiệm xương máu để có được thành công bây giờ.
Thời gian sinh trưởng của dưa lưới 65 ngày, trong đó, giai đoạn gieo hạt từ 7 - 10 ngày, khi cây nhú 2 lá thật là mang ra trồng. 12 ngày sau khi trồng là giai đoạn cây con, 7 ngày tiếp theo là giai đoạn sinh trưởng rồi đến giai đoạn thụ phấn.
19 ngày sau khi trồng, cây bắt đầu ra hoa đực, hoa cái. Từ ngày 22 đến ngày 27 sau khi trồng cây bắt đầu thụ phấn từ chéo. Từ ngày thứ 27 đến ngày thứ 30 sau khi trồng cây dưa bắt đầu đậu quả. Từ chèo 9 đến chèo 11, chủ nhà vườn sẽ chọn quả nào trội nhất để lại, số còn lại bỏ hết, mỗi dây chỉ để lại 1 quả, cắt bỏ hết ngọn, cắt cả chèo để cây dành sức nuôi quả.
Sau khi cây đậu quả, chủ nhà vườn bắt tay vào việc tuyển quả. 7 ngày sau khi dưa đậu quả là giai đoạn quả tăng trọng, khi ấy cần cho cây “ăn” đạm và kali để thúc quả dưa nhanh lớn. Từ ngày 37 sau khi trồng là giai đoạn dưa tạo lưới.
Đây là giai đoạn quả dưa tự làm đau mình, nứt ra để tạo lưới trên quả. Giai đoạn tạo lưới của dưa có 2 giai đoạn, lưới lớn tạo trước, đến 4 - 5 ngày sau dưa sẽ tạo lưới mịn. Đặc biệt, trong giai đoạn dưa tạo lưới phải cắt không cho cây “ăn” phân đạm nữa, nếu không dưa lớn quá khổ quả sẽ bị nứt toác.
"Trong giai đoạn dưa tạo lưới, cũng là thời điểm dưa tạo độ ngọt và trọng lượng, nên phải tích cực theo dõi. Khi quả phủ kín lưới là đã đến kỳ thu hoạch. Trước thời điểm thu hoạch 14 ngày, chủ nhà vườn phải cắt không cho cây “ăn” nitrat để bảo đảm an toàn thực phẩm. 6 ngày trước khi thu hoạch cần dừng tưới nước để quả tăng độ ngọt và tăng độ giòn”, Diệp chia sẻ bí quyết.
Ứng dụng công nghệ vào sản xuất
Sau 4 năm miệt mài trồng dưa lưới, hiện anh Diệp đã làm chủ được công nghệ sản xuất giống dưa khó tính này. Để đỡ đần công việc, Diệp thiết lập hệ thống tưới kết hợp bón phân điều khiển qua smartphone, nên anh có thể vắng vườn cả tuần nhưng vẫn có thể chăm sóc tốt vườn cây qua điện thoại.
Hệ thống tưới nhỏ giọt phải qua bộ điều khiển trung tâm gồm bộ lọc và hệ thống châm phân. Từng loại phân cần bón cho dưa lưới được pha sẵn theo từng loại trong từng bồn. Đến giờ tưới, hệ thống tưới tự bật, từng loại phân trong từng bồn sẽ chảy qua bồn mẹ tùy liều lượng đã được hệ thống mặc định.
Máy bơm chính sẽ hút tất cả những lượng phân và đưa ra tưới cây nên đỡ được việc pha chế phân hằng ngày. Nước tưới từ bồn mẹ đưa ra tưới cây phải đi qua bộ bù áp, tất cả các cây đều được hưởng cùng 1 lượng nước tưới, trong đó đã pha sẵn lượng phân như nhau.
Theo anh Diệp, trong quá trình sinh trưởng của dưa lưới, trong giai đoạn hoa thụ phấn mà phun thuốc BVTV hóa học thì hoa cái sẽ rụng hết, không đậu quả. Giai đoạn quả tăng trọng và tạo lưới cũng vậy, nếu phun thuốc BVTV hóa học trong giai đoạn này, thuốc sẽ đi theo các vết nứt trên quả thấm sâu vào, khi ấy dưa sẽ không giòn mà bị sượng, cứng, đó là chưa nói đến sản phẩm sẽ bị mất an toàn thực phẩm.
Trước khi thu hoạch dưa lưới 7 ngày, nếu dưa đạt độ ngọt 9 - 10% là ổn. 3 ngày sau, độ ngọt của dưa tăng đến 11 - 12% chứng tỏ chủ nhà vườn kiểm soát tốt độ ngọt của dưa. Khi thu hoạch, dưa đạt độ ngọt 13% là thành công, khi ấy quả dưa lưới sẽ đạt độ ngọt lý tưởng mà người tiêu dùng thích nhất.
Chủ động đầu ra trong mùa dịch
Những tháng đầu năm nay, anh Trần Bảo Diệp không trồng dưa lưới để “né” mùa trái cây. Bởi, theo kinh nghiệm của Diệp, khi mùa trái cây thu hoạch rộ là dưa lưới bị “thất sủng”, tiêu thụ chậm và giá cũng không tốt.
Anh cho biết: Dưa từ 1,2kg đến 2 kg/quả được thị trường xếp hạng loại 1, bình thường có giá bán lẻ tại nhà vườn dao động từ 50.000 - 65.000 đồng/kg; dưa dưới 1,2kg và dưa trên 2 kg/quả đều được thị trường xếp hạng là loại 2, thường có giá bán lẻ 40.000 - 50.000 đồng/kg. Nếu bán sỉ, dưa loại 1 thường có giá 30.000 - 40.000 đồng/kg, còn dưa loại 2 có giá 20.000 - 25.000 đồng/kg.
Hiện giống dưa được tiêu thụ mạnh nhất tại thị trường Bình Định là giống TL3, do trọng lượng quả vừa phải, vừa túi tiền của nhiều người tiêu dùng. Dưa TL3 hạt giống có giá chỉ 1.000 đ/hạt, còn những giống dưa có xuất xứ tử Nhật Bản hạt giống có giá đến 10.000 đ/hạt, mỗi hạt lên 1 cây cho 1 quả, do đó khi ra thị trường, giống dưa Nhật được bán giá đắt hơn nên rất kén người tiêu dùng.
Hiện, với 2.000m2 nhà màng đặt tại HTX Nông nghiệp Công nghệ cao La’sfarm Ân Phong, anh Trần Bảo Diệp chia thành nhiều gian, mỗi gian rộng 320m2 với chiều ngang 8m, dài 40m. Hiện nay, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên dưa lưới không thể xuất bán ra thị trường các tỉnh miền Bắc, chủ yếu chỉ tiêu thụ trong tỉnh. Do đó, để chủ động đầu ra, cứ cách 10 ngày Diệp xuống 1 lứa giống, mỗi lứa từ 600 - 1.000 gốc trong 1 - 2 gian nhà màng để vừa dễ kiểm soát cây sinh trưởng vừa không bị ứ hàng.
“Với 1.000 m2 nhà màng, tôi trồng được 2.700 - 3.000 gốc dưa lưới, sản lượng thu hoạch ít nhất 4 tấn. Nếu thị trường bình thường, sau khi trừ tất cả các khoản chi phí đầu vào, tôi lãi ròng 35 triệu đồng. Trong vòng 65 ngày mà kiếm được 35 triệu đồng, vị chi mỗi tháng tôi kiếm được hơn 10 triệu đồng từ dưa lưới, chưa kể các khoản thu khác từ dưa leo, cà chua…”, Diệp tính toán chi li.
Để tạo uy tín, Diệp tạo điều kiện cho người tiêu dùng nắm bắt chất lượng sản phẩm do HTX Nông nghiệp Công nghệ cao La’sfarm Ân Phong sản xuất bằng cách công bố nhật ký canh tác qua mã QR trên từng sản phẩm.
“Quét mã vạch, người tiêu dùng sẽ truy xuất được nguồn gốc của sản phẩm qua nhật ký canh tác từng giai đoạn. Khi ấy, người tiêu dùng sẽ nắm bắt được dưa thụ phấn khi nào, trong từng giai đoạn sinh trưởng cây dưa hấp thu lượng phân bao nhiêu, loại phân nào.
Thông tin minh bạch về thực trạng cây trồng sẽ tạo được lòng tin cho người tiêu dùng. Hiện nay không chỉ chủ nhà vườn kiểm soát quá trình sinh trưởng của cây mà cả người tiêu dùng cũng kiểm soát được chất lượng sản phẩm”, anh Trần Bảo Diệp cho biết thêm.