Vĩnh Phúc: Nhiều điểm sáng trong công tác bảo vệ môi trường nông thôn
(MTNT) – Những năm gần đây, cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, các cấp, các ngành trong tỉnh còn đặc biệt coi trọng công tác bảo vệ môi trường nói chung và môi trường khu vực nông thôn nói riêng.
|
Công tác bảo vệ môi trường nông thôn có được sự đồng thuận của người dân nên ngày càng phát huy hiệu quả tích cực |
Theo đó, các cấp chính quyền địa phương đã có sự chỉ đạo thường xuyên, đồng thời quan tâm, tập trung đầu tư nhiều nguồn lực hỗ trợ để triển khai thực hiện công tác này. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành trong tỉnh cũng chủ động nghiên cứu thực tiễn của từng địa phương để đề xuất và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực. Nhờ đó đã nhận được sự đồng thuận, chung sức, đồng lòng của đông đảo người dân nông thôn; mặt khác, giúp cho công tác quản lý, giám sát trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực.
Kết quả, trong năm 2020, qua đánh giá, hầu hết các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường của tỉnh đều đạt được mục tiêu của nghị quyết đề ra. Cụ thể: Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải sinh hoạt khu vực đô thị đạt 97%; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải khu vực nông thôn đạt 80%; tỷ lệ chất thải nguy hại và chất thải y tế được xử lý đạt 100%.
Đến nay, 100% các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh có bãi rác tập trung và có đội ngũ thu gom, xử lý rác thải- chính là mô hình các Hợp tác xã dịch vụ vệ sinh môi trường. Các đơn vị này đang triển khai thường xuyên hoạt động thu gom rác thải với tần suất từ 2 - 3 lần/tuần. Đồng thời, 100% xã, phường, thị trấn đã thành lập Ban chỉ đạo vệ sinh môi trường và quản lý chất thải rắn trên địa bàn.
Đáng chú ý, thực hiện cơ chế chính sách hỗ trợ bảo vệ môi trường nông thôn, giai đoạn 2016- 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh đã hỗ trợ xây dựng và cải tạo hơn 1.100 km2 cống, rãnh thoát nước thải tại các khu dân cư trong toàn tỉnh. Đồng thời, tiến hành đầu tư xây dựng 16 công trình xử lý nước thải sinh hoạt phân tán cho các cụm, tuyến dân cư; hỗ trợ xây dựng hơn 55 nghìn hầm khí biogas; đầu tư xây dựng 35 lò đốt rác thải sinh hoạt quy mô cấp xã...
Hiện, hầu hết các hộ gia đình đều đã có các công trình, hạng mục đảm bảo vệ sinh và đáp ứng nhu cầu cho cuộc sống như: Nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt. 100% cơ sở chăn nuôi gia súc tập trung đã xây dựng hệ thống hầm biogas và nhiều hộ chăn nuôi sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý chất thải chăn nuôi. Ngoài ra, đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, làng nghề tại các xã cũng đều đạt tiêu chuẩn về môi trường…
Tuy nhiên trên thực tế, hiện vẫn đang có nhiều tuyến kênh mương, hệ thống cống rãnh ở một số khu dân cư nông thôn còn bị ô nhiễm nặng vì các loại rác thải, nước thải của người dân thường xuyên xả thẳng ra môi trường mà không hề qua xử lý. Nguyên nhân chủ yếu được chỉ ra là do cơ sở hạ tầng ở nhiều nơi còn lạc hậu, lại chưa được đầu tư một cách đồng bộ.
Mặt khác, nhiều hộ dân cũng còn chưa nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường. Do đó, phần lớn các chất thải sinh hoạt của người, gia súc vẫn đang được thải trực tiếp ra cống rãnh, hoặc bị rửa trôi thấm xuống đất sau những đợt mưa lớn đã gây ảnh hưởng xấu tới nguồn nước ngầm…
Theo số liệu thống kê cho thấy, lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh hiện vào khoảng 830 tấn/ngày; trong đó, khu vực đô thị khoảng 180 tấn/ngày và khu vực nông thôn khoảng 650 tấn/ngày. Tuy nhiên, tỷ lệ thu gom rác ở đô thị đạt khoảng 92%; khu vực nông thôn mới đạt khoảng hơn 70%. Thêm vào đó, rác thải sinh hoạt vẫn đang được xử lý chủ yếu theo hình thức chôn lấp tại các bãi rác tạm ở khu vực nông thôn.
Ngoài ra, mặc dù toàn tỉnh đã có 87/137 xã, phường được hỗ trợ cải tạo, sửa chữa và xây mới rãnh thoát nước thải với tổng chiều dài trên 200 km2. Song từ thực tế cho thấy, việc đầu tư hạ tầng rãnh thoát nước thải ở khu vực nông thôn trong những năm qua chủ yếu vẫn là cải tạo, nâng cấp kết hợp với nạo vét, đổ nắp đan, khơi thông dòng chảy.
Bên cạnh đó, một số địa phương do không thường xuyên tiến hành việc cải tạo, duy tu, nạo vét cống rãnh nên đã gây ra tình trạng ứ đọng lượng nước thải. Tình trạng này đang làm gia tăng gánh nặng ô nhiễm môi trường cũng như ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân trong vùng.
Tất cả những vấn đề kể trên đều đã và đang khiến cho tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn ngày càng gia tăng.
Trước những khó khăn đặt ra trước mắt, các cấp lãnh đạo trong tỉnh đã tổ chức phát động “Cuộc vận động xây dựng, cải tạo hệ thống thu gom nước thải và hệ sinh thái môi trường ở khu dân cư – xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu” một cách rộng rãi trong mọi tầng lớp dân cư. Mục đích nhằm tuyên truyền, vận động cho người dân trên địa bàn hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng và lợi ích của công việc. Qua đó, góp phần nâng cao sức khỏe cho cộng đồng, thúc đẩy sản xuất, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân ở khu vực nông thôn.
Ngay sau khi tỉnh phát động phong trào, hầu hết ở các địa phương, ban ngành đoàn thể trong tỉnh đều đã trực tiếp bắt tay vào cuộc thông qua việc thành lập các Ban chỉ đạo và xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể. Đồng thời, Mặt trận tổ quốc các cấp trong tỉnh đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị- xã hội bám sát theo tinh thần chỉ đạo của tỉnh nhằm sớm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu dân cư. Cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Cuộc vận động trong mọi tầng lớp nhân dân.
Đi đầu trong việc triển khai có hiệu quả Cuộc vận động này là huyện Vĩnh Tường. Cụ thể, căn cứ theo chủ trương làm thí điểm của tỉnh ủy về việc huy động “Nhân dân tham gia xây dựng, cải tạo hệ thống cống, rãnh thoát nước khắc phục ô nhiễm môi trường tại một số xã trên địa bàn tỉnh”, cấp ủy và chính quyền địa phương trong huyện đã xây dựng kế hoạch và quyết tâm triển khai chương trình này. Theo đó, địa bàn 02 xã Nghĩa Hưng và Tam Phúc đã được huyện lựa chọn làm điểm để triển khai thực hiện.
Thống kê từ thực tế cho thấy, địa bàn xã Tam Phúc có tổng số 11,3 km2 rãnh; trong đó, 4,31 km2 rãnh đã cứng hóa và có nắp đậy, còn 6,99 km2 rãnh chưa được cứng hóa. Tại xã Nghĩa Hưng cũng có tới 23,9 km2 rãnh; tuy nhiên, cũng mới chỉ có 5,2 km2 rãnh đã cứng hóa và có nắp đậy, 13,3 km2 rãnh đã cứng hóa nhưng chưa có nắp đậy, còn 5,4 km2 rãnh vẫn chưa được cứng hóa.
Trước đây, cứ mỗi khi có mưa lớn, rất nhiều cống rãnh trên địa bàn xã thường bị tắc nghẽn, không đảm bảo cho việc tiêu thoát nước. Ngoài ra, nhiều nơi vẫn còn xảy ra tình trạng tồn đọng khá lớn lượng nước thải trong sinh hoạt và chăn nuôi thải ra. Do đó, gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường và sự bức xúc đối với người dân sinh sống trong vùng.
Để triển khai các mô hình điểm đạt hiệu quả, cấp ủy và chính quyền của 02 xã đã tổ chức hội nghị nhằm kịp thời quán triệt chủ trương của tỉnh đến các đoàn thể, bí thư chi bộ, trưởng thôn, cán bộ, đảng viên và nhân nhân trên địa bàn. Bên cạnh đó, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện; thành lập Ban chỉ đạo do đồng chí bí thư đảng ủy làm Trưởng ban, phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng đồng chí; thành lập các Tiểu ban ở các khu dân cư trên địa bàn xã do đồng chí bí thư chi bộ làm Trưởng Tiểu ban, thành viên là các ban, ngành, đoàn thể ở thôn và Tổ trưởng Tổ liên gia.
Để đảm bảo tính công khai, dân chủ, các chi bộ đều tổ chức họp để thống nhất trước. Sau đó, tiến hành tổ chức họp rộng rãi trong quần chúng nhân dân để cùng bàn bạc và xin ý kiến về cách làm rồi đi đến thống nhất. Đồng thời, các cấp chính quyền xã quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn và triển khai thực hiện bằng các hình thức đa dạng, phong phú để có sự đồng thuận, ủng hộ.
Cùng với việc thường xuyên phát sóng các tài liệu tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của xã, các cấp, các ngành cũng tổ chức nhiều đợt phát động ra quân tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm để tạo cảnh quan môi trường nông thôn luôn xanh- sạch- đẹp.
Ngoài ra, lãnh đạo hai xã còn tiến hành triển khai việc quét vôi ve, vẽ tranh trang trí trên tường tại 460 m2 tuyến đường làm điểm. Cụ thể: Có 27 bức tranh phong cảnh, cổ động; 14 thông điệp nhằm tuyên truyền về bảo vệ môi trường… Mặt khác, tăng cường chỉ đạo công tác tổ chức giám sát cộng đồng để thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm đối với việc triển khai thực hiện các mô hình thí điểm.
Theo đó, tại xã Nghĩa Hưng đã hoàn thành làm thí điểm 06 tuyến rãnh thuộc 2 thôn Chợ và thôn Nghĩa Lập. Tổng chiều dài công trình là 604 m2; trong đó, xây mới 484 m2, cải tạo được 120 m2.
Tại địa bàn xã Tam Phúc, chính quyền xã cũng đã xác định và lựa chọn thực hiện thí điểm xây dựng, cải tạo tuyến rãnh tại các thôn Phúc Lập Trong và Phù Cốc. Thông qua việc cải tạo hệ thống cống rãnh thoát nước thải nhằm đáp ứng các yêu cầu của xã nông thôn mới nâng cao.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên chính quyền thôn Phúc Lập Trong đã vận động 04 hộ dân hiến khoảng 100 m2 đất thổ cư để xây dựng, cải tạo hệ thống cống, rãnh tiêu thoát nước. Ngoài ra, nhiều hộ dân trong xã cũng đã tự nguyện tháo dỡ tường rào, công trình nằm trên đất mà không đòi hỏi bất cứ sự đền bù nào.
Kết quả, xã Tam Phúc cũng đã hoàn thành xong việc triển khai làm thí điểm 03 tuyến rãnh tại 02 thôn Phúc Lập Trong và Phù Cốc với tổng chiều dài xây mới 428 m2.
Qua đánh giá, hiện toàn bộ hệ thống cống, rãnh thu gom nước thải của khu dân cư tại các tuyến tham gia đăng ký làm điểm ở 02 xã đều đã đảm bảo tốt khả năng tiêu thoát nước thải, nước mặt. Từ đó, đã giúp triệt tiêu được mùi hôi thối bốc lên từ các cống rãnh lộ thiên, hạn chế tối đa ruồi, muỗi và nhiều loại côn trùng khác gây hại cho sức khỏe con người.
Đồng thời, cảnh quan môi trường ở những nơi đã triển khai thí điểm được cải tạo khang trang, sạch đẹp hơn trước. Thêm một lợi ích khác đó là mặt đường giao thông nông thôn cũng được mở rộng hơn; nhờ có các nắp rãnh bê tông được xây dựng và lắp đặt với kết cấu đảm bảo độ dày vững chắc đã giúp cho các phương tiên lưu thông qua lại an toàn.
Các mô hình triển khai thí điểm tại địa bàn 02 xã Nghĩa Hưng và Tam Phúc của huyện Vĩnh Tường đã đạt hiệu quả thiết thực và tạo được hiệu ứng lan tỏa tích cực. Đến nay, đã có 37 xã, phường, thị trấn tiếp tục đăng ký và triển khai thực hiện việc xây dựng, cải tạo hệ thống cống, rãnh, thoát nước thải ở khu dân cư với tổng chiều dài công trình đăng ký hoàn thiện lên tới gần 32 km2.
Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, lãnh đạo chính quyền tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Bên cạnh đó, cần có sự quan tâm, cùng vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương trong việc điều hành, hỗ trợ về kinh phí, cơ chế, nhân lực hoạt động để công tác bảo vệ môi trường nông thôn thực sự đạt hiệu quả.