(MTNT) – Hiện, chất thải rắn sinh hoạt ngày càng tăng, trong khi việc thu gom, xử lý không đảm bảo gây ảnh hưởng đến môi trường nông thôn.
|
Tình trạng vứt rác thải bừa bãi gây ảnh hưởng đến môi trường |
Các địa phương vẫn chờ đợi sự định hướng về chính sách, công nghệ từ các cơ quan quản lý Trung ương để giải bài toán này. Việt Nam hiện có trên 62,6 triệu dân sống ở vùng nông thôn.
Mỗi năm khu vực nông thôn phát sinh trên 13 triệu tấn rác thải sinh hoạt, khoảng 1.300 triệu m3 nước thải sinh hoạt, 47 triệu tấn chất thải chăn nuôi và hơn 14 nghìn tấn bao bì hóa chất bảo vệ thực vật.
Tuy nhiên, chỉ khoảng 50% khối lượng rác thải trên được thu gom, xử lý, phần còn lại chủ yếu là chất thải rắn khó xử lý, tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho môi trường và sức khỏe người dân.
Lượng chất thải sinh hoạt nông thôn trong cả nước khoảng 32.000 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom còn thấp, trung bình đạt khoảng 40 - 50% so với lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại các vùng nông thôn ven đô hoặc các thị trấn, thị tứ cao hơn tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại các vùng sâu, vùng xa.
Hiện có khoảng 71% chất thải rắn sinh hoạt vẫn chủ yếu được xử lý theo hình thức chôn lấp, chỉ 16% được xử lý tại các nhà máy chế biến sản xuất phân compost và 13% được xử lý bằng phương pháp đốt.
Bằng sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp cùng sự nỗ lực của các địa phương, linh hoạt trong thực hiện Tiêu chí số 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới (NTM), công tác thu gom, xử lý chất thải rắn ở các vùng nông thôn tỉnh Điện Biên đang từng bước được cải thiện, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Theo ước tính, tổng số chất thải chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát thải khoảng 2.620.688 tấn/năm. Phần lớn chất thải chăn nuôi được sử dụng làm phân bón. Tuy vậy, trước khi đưa vào sử dụng, việc xử lý chất thải chăn nuôi có sự khác nhau theo quy mô. Với quy mô chăn nuôi trang trại, gia trại, việc xử lý chất thải chăn nuôi phần lớn áp dụng theo phương pháp sinh học.
Hiện tượng vứt vỏ bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi vẫn còn phổ biến, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường cũng như đến sức khỏe cộng đồng do các hóa chất còn sót lại trong các chai lọ và vỏ bao bì. Trung bình mỗi năm, tỉnh Điện Biên ước tính phát sinh khoảng 4,5 tấn vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật.
Hiện, toàn tỉnh Điện Biên có 119 bể thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật nhưng việc thu gom mới chỉ tập trung ở huyện Điện Biên và TP. Điện Biên Phủ.
Sở TN&MT Điện Biên đã chủ trì tiến hành 2 đợt thu gom vận chuyển xử lý hóa chất bảo vệ thực vật và vỏ bao bì hóa chất bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn tỉnh với tống khối lượng 3.450 kg (đợt 1 năm 2010 khối lượng 1.745 kg và đợt 2 năm 2018 khối lượng 1.705 kg), với tổng kinh phí vận chuyển xử lý 270 triệu từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường.
Mặc dù đến nay, đã có khoảng 50% các xã trong toàn quốc thành lập tổ thu gom chất thải sinh hoạt. Tuy nhiên, việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt một số ít do công ty dịch vụ môi trường thực hiện, còn lại phần lớn là do các hợp tác xã, tổ, đội tự quản thu gom đảm nhiệm với chi phí thu gom thỏa thuận với người dân với mức thu thấp chỉ chi trả được một phần cho hoạt động thu gom chất thải.
Bên cạnh đó, những bất cập trong vấn đề quy hoạch các địa điểm xử lý rác còn chưa hợp lý, dẫn đến tình trạng mỗi xã có một lò đốt chất thải, hay những bãi chôn lấp chất thải không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật vẫn phát sinh.
Các nghiên cứu cho thấy, việc xử lý chất thải rắn tại các địa phương hiện chưa được áp dụng các phương pháp và công nghệ đảm bảo, xảy ra tình trạng ở một số địa phương, mỗi xã có một lò đốt, các lò đốt chất thải rắn sinh hoạt này hầu hết là các lò đốt quy mô nhỏ với công suất dưới 300kg/h. Với những lò đốt công suất nhỏ cấp xã này, hệ thống xử lý khí thải không có hoặc có nhưng không đạt yêu cầu.
Mặt khác, các địa phương cũng gặp nhiều khó khăn về nguồn nhân lực, công nhân tham gia vận hành không đủ kiến thức chuyên môn để vận hành lò đốt, trình độ vận hành của công nhân còn hạn chế, không tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật nên chưa đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Công tác quản lý chất thải nói chung, trong đó có chất thải sinh hoạt nông thôn hiện chưa được quan tâm đúng mức; việc lựa chọn công nghệ xử lý phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội mỗi địa phương, từng vùng, miền còn chưa phù hợp.
Ngoài ra, hiện chưa có chính sách hỗ trợ cho các hoạt động quản lý chất thải nông thôn. Công tác xã hội hóa các hoạt động quản lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn gặp nhiều khó khăn do nhận thức của cộng đồng còn hạn chế. Cùng với đó, ý thức người dân về thu gom, phân loại rác thải chưa tốt cũng làm khó khăn thêm cho vấn đề về rác thải nông thôn hiện nay…
Để tăng cường công tác quản lý, đẩy mạnh xử lý chất thải rắn khu vực nông thôn trên địa bàn, Sở TN&MT đã chủ trì, phối hợp tổng hợp khối lượng, xây dựng nhu cầu kinh phí để thực hiện thu gom vận chuyển xử lý chất thải rắn gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt. Đồng thời, làm đầu mối hợp đồng với các đơn vị, doanh nghiệp được cấp giấy phép xử lý chất thải nguy hại để tiến hành vận chuyền, xử lý đúng theo quy định.
Đồng thời cần tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, rà soát các mô hình bảo vệ môi trường hiện có, nhân rộng các mô hình hiệu quả, triển khai xây dựng các mô hình mới, chú trọng lồng ghép mô hình phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Phát triển các dịch vụ thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải và các dịch vụ khác bảo vệ môi trường với sự tham gia của mọi thành phần kinh tế, đồng thời cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thay đổi nhận thức và hành vi.
Liên Chi
Nguồn:
https://baotainguyenmoitruong.vn/dien-bien-quyet-liet-xu-ly-rac-thai-nong-thon-295915.html
http://consosukien.vn/rac-tha-i-nong-thon-thu-c-tra-ng-va-di-nh-huong-qua-n-ly.htm