Cà Mau: Cả làng vứt đi thứ rác gì mà nông dân này nhặt về phơi phóng đem đi bán lại kiếm bộn tiền?
Trước đây, sau khi thu hoạch cây trúc, người trồng chủ yếu lấy thân cây trúc để bán cho các cơ sở đan lát, còn cành, ngọn trúc chỉ bỏ đi. Riêng đối với cô Mai Thị Thu Ba, ở Kênh 7, ấp Tấn Công, xã Tân Bằng, huyện Thới Bình (Cà Mau) thì đi thu mua những loại rác “phế phẩm” này về sơ chế lại để bán...
Cô Thu Ba bán cành, ngọn cây trúc cho các cơ sở xuất khẩu hoặc sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Nhờ nghề mua bán nhánh trúc cắt khúc mà cô Thu Ba đã góp phần tìm đầu ra cho nhánh trúc, tạo công ăn việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương. Đồng thời, tăng thu nhập và phát triển kinh tế gia đình.
Cô Thu Ba đang phơi cành trúc cắt
Cô Mai Thị Thu Ba sinh ra và lớn lên ở làng nghề đan đát truyền thống và có diện tích trồng trúc lớn ấp Nhà Lầu 2, xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu.
|
Cô Mai Thị Thu Ba, ấp Tấn Công, xã Tân Bằng, huyện Thới Bình (Cà Mau) |
Gần 20 năm qua, gia đình cô Mai Thị Thu Ba chủ yếu sống nhờ vào nghề thu mua, sơ chế, cắt khúc nhánh trúc bán cho doanh nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh để sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ và xuất khẩu ra nước ngoài để làm màn treo nhà.
Nhờ nghề thu mua nhánh trúc cắt mà mỗi năm cô Thu Ba có thu nhập vài trăm triệu đồng, kinh tế gia đình ngày một khấm khá, vươn lên.
Những năm gần đây, nguồn nhánh trúc bà con nông dân ở huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu bán ngày càng ít đi nên gia đình cô gặp khó khăn trong việc thu mua nguyên liệu.
Đầu năm 2015, vợ chồng cô Thu Ba quyết định xuống Kênh 7, ấp Tấn Công, xã Tân Bằng - một trong những địa hương có diện tích đất trồng trúc lớn của huyện Thới Bình – để lập nghiệp và tiếp tục nghề mua bán nhánh trúc cắt.
Cô Thu Ba cho biết: “Nhánh trúc khi thu mua đã được cắt sẵn có độ dài 6 cm. Nhánh trúc khi mua về được cho vào máy sàn để sàn phân cỡ, lóng trúc nhỏ lọt xuống dưới, lóng trúc lớn nằm ở phía trên. Khi phân cỡ xong, nhánh trúc được đánh vỏ, rửa sạch, phơi khô rồi mới xuất bán.
Hiện nay, một ngày gia đình tôi thu mua từ 700 đến 1.000 kg nhánh trúc cắt, với giá mua 10.000 đồng/kg. Mỗi kg nhánh trúc cắt làm thành phẩm, đạt chất lượng, tôi bán cho bạn hàng với giá 23.000 đồng/kg.
Cứ 20 đến 25 ngày, tôi bán 1 đợt từ 6 đến 8 tấn, trừ chi phí tôi còn lời trên 15 triệu đồng. Trong 1 năm, tôi thu nhập từ 180 đến 200 triệu đồng. Có năm nhánh trúc cắt hút hàng, gía cả tăng lên chút ít thì năm đó gia đình tôi thu nhập từ bán nhánh trúc cắt trên 250 triệu đồng.
Ngoài thu nhập kinh tế cho gia đình, những năm qua gia đình tôi còn tạo công ăn việc làm cho 2 đến 3 lao động nhàn rỗi ở địa phương. Mỗi người mỗi ngày tôi trả tiền công lao động từ 200.000 đến 250.000 đồng/người. Nhờ vậy, bà con cũng có nguồn thu nhập ổn định lo cho cuộc sống gia đình”.
Chú Nguyễn Văn Hây - chồng cô Thu Ba - cho biết: “Nghề thu mua nhánh trúc cắt là một công việc tương đối nhẹ nhàng, ai làm cũng được, chủ yếu bỏ công ra làm lấy lời.
Hiện nay, đầu ra của nhánh trúc cắt rất dễ tiêu thụ, giá cả trên thị trường ổn định, thu nhập cao so với một số nghề khác. Làm nghề buôn bán nhánh trúc cắt không khó, người làm trước hướng dẫn lại cho người làm sau một vài lần là làm được.
Nhưng muốn làm mang lại hiệu quả kinh tế cao, đòi hỏi người làm phải siêng năng, chăm chỉ, chịu khó”.
Nhờ có kinh nghiệm lâu năm trong nghề nên sản phẩm nhánh trúc cắt của gia đình cô Thu Ba sản xuất đạt chất lượng tốt, đúng kích cỡ, dễ tìm đầu ra, bán được giá.
Nhờ vậy, các loại “phế phẩm” của nhánh trúc trước đây chủ yếu vứt bỏ nay bà con nông dân trồng trúc ở xã Tân Bằng đã tìm được đầu ra, bán được giá, góp phần tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình và ổn định được diện tích trồng trúc trên địa bàn huyện.