(MTNT) – Trong những năm gần đây, ngành chăn nuôi của nước ta đang được xem là lĩnh vực đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân nói chung.
Theo con số thống kê mới nhất cho thấy, xét trong cơ cấu chung của toàn ngành nông nghiệp thì chăn nuôi hiện chiếm 24,3%, còn thủy sản chiếm 25,1% (tổng hai lĩnh vực này chiếm trên 49%). Trong đó, bình quân tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực chăn nuôi đạt từ 5- 6%; thủy sản từ 4- 5%.
Theo Cục Chăn nuôi- Bộ Nông nghiệp & PTNT đánh giá, năm 2020, nhiều địa phương trong cả nước đã gặp rất nhiều khó khăn như: Dịch bệnh Covid-19; dịch tả lợn Châu Phi; bão, lũ lịch sử tại các tỉnh khu vực miền Trung; tình trạng biến đổi cực đoan của thời tiết… Tuy nhiên, giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi ước tính mức tăng trưởng vẫn đạt 5,5%, hầu hết các đàn vật nuôi đều phát triển tốt.
Hiện, tổng đàn lợn cả nước đạt 26,17 triệu con (tăng 5%); tổng đàn bò 5,87 triệu con (tăng 4,2%); tổng số trâu đạt 2,41 triệu con (giảm 2,6%); tổng đàn gia cầm khoảng 496 triệu con (tăng 6,2%).
Trước sự phát triển nhanh chóng của ngành chăn nuôi nói chung, tại các tỉnh, thành phố trong cả nước đang xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình gia trại, trang trại có qui mô lớn, ngành chăn nuôi cũng đang được người dân tập trung đầu tư mọi nguồn lực để phát triển. Không chỉ giúp tăng năng suất và lợi nhuận cho người chăn nuôi, các mô hình kinh tế này còn góp phần cải tạo diện mạo địa bàn nông thôn tại nhiều địa phương ngày càng trở nên khang trang, trù phú hơn.
Thế nhưng, bên cạnh những giá trị về kinh tế do chăn nuôi đem lại, sự phát triển với tốc độ nhanh và mạnh của lĩnh vực này cũng đã và đang gây ra những áp lực nặng nề lên các yếu tố môi trường. Cụ thể, do số lượng đàn vật nuôi lớn, mật độ cao và thực trạng chăn nuôi của các hộ hiện nay vẫn đang nằm xen kẽ trong các khu dân cư đã trở nên một gánh nặng đối với môi trường nông thôn.
Thực trạng ô nhiễm môi trường chăn nuôi đã và đang trở thành vấn đề lớn gây nên những bức xúc tại nhiều vùng nông thôn của nước ta. Thậm chí, ở nhiều địa phương, nguồn nước ngầm xung quanh các khu vực dân cư có tập trung các trang trại chăn nuôi đã và đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, làm ảnh hưởng tới sức khỏe và môi trường sống của người dân. Tình trạng này ngày càng trở nên bức xúc và khá nghiêm trọng ở một số địa phương.
Chất thải chăn nuôi là loại chất hữu cơ quý, có thành phần dinh dưỡng rất cao. Vì thế, nếu được thu gom và xử lý hiệu quả sẽ trở thành nguồn phân hữu cơ rất có giá trị phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Cụ thể, nếu tận dụng được nguồn chất thải chăn nuôi để sản xuất phân bón hữu cơ thì hàng năm, cả nước có thể sản xuất ra khoảng 17 triệu tấn phân bón hữu cơ. Từ đó, giúp thay thế cho khoảng 0,3 triệu tấn phân đạm, 0,19 triệu tấn phân lân và 0,58 triệu tấn phân kali nhập khẩu.
|
Theo các chuyên gia phân tích và đã chỉ ra nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường là do lượng chất thải, nước thải từ hoạt động chăn nuôi nhỏ lẻ của các hộ gia đình không được kiểm soát và xử lý tốt. Tuy nhiên, ngay cả đối với hoạt động chăn nuôi được đầu tư theo qui mô trang trại lớn, dù đã có áp dụng nhiều biện pháp để xử lý song lại chưa triệt để nên vẫn gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường. Vấn đề chủ yếu được chỉ rõ là do còn có những bất cập trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường; đồng thời, các hộ chăn nuôi đang áp dụng những công nghệ xử lý chưa phù hợp.
Vì thế, những năm gần đây, việc khuyến khích người dân mạnh dạn ứng dụng công nghệ sinh học mới vào sản xuất và chăn nuôi đang được nhiều địa phương xem là một trong những giải pháp an toàn, có tính bền vững. Qua đó, vận động, hướng dẫn người dân tích cực chuyển đổi sang quá trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ để dần thay thế cho nền nông nghiệp vô cơ đang tiềm ẩn nhiều tác hại; góp phần đem lại nhiều lợi ích hơn cho cả người trực tiếp sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp cũng như đối với người tiêu dùng và môi trường sinh thái.
Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Bến Tre hiện có tổng đàn vật nuôi cũng như số lượng hộ dân chăn nuôi lợn theo qui mô nông hộ khá cao. Theo thống kê, tổng đàn gia súc, gia cầm trong tỉnh vào khoảng 560.000 con. Điều này đồng nghĩa với khối lượng chất thải từ phân và nước thải của đàn vật nuôi xả thải ra mỗi ngày là rất lớn, dễ gây nguy cơ làm ô nhiễm môi trường.
Địa bàn chăn nuôi hiện cũng được phân bổ đồng đều tại khắp các địa phương trong tỉnh. Cụ thể: Mô hình chăn nuôi bò tập trung ở huyện Ba Tri; chăn nuôi gia cầm tập trung ở các huyện Mỏ Cày Bắc, Giồng Trôm, Châu Thành; chăn nuôi lợn tập trung ở các huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Giồng Trôm, Châu Thành...
Bên cạnh đó, việc phát triển mạnh ngành chăn nuôi theo qui mô nông hộ sẽ có hệ lụy tất yếu xảy ra đó là nguy cơ ngày càng gia tăng tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn. Do đó, nếu các chất thải, nước thải không được xử lý triệt để sẽ gây ô nhiễm môi trường (đất, nước, không khí…). Đồng thời, còn làm ảnh hưởng đến tính bền vững của nghề chăn nuôi cũng như đe dọa trực tiếp đến môi trường sống và sức khoẻ của cộng đồng dân cư.
Do đó, để kiểm soát tình trạng ô nhiễm môi trường, các cấp các ngành trong tỉnh đã tập trung hỗ trợ, hướng dẫn các hộ dân đầu tư xây dựng một số mô hình sinh học xử lý chất thải chăn nuôi ở qui mô nông hộ. Bước đầu, các mô hình cho thấy đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Một trong số những trang trại tổ chức chăn nuôi theo qui mô tập trung lớn mà vẫn giữ gìn tốt vấn đề vệ sinh môi trường là mô hình trang trại nuôi chim cút của hộ gia đình ông Nguyễn Hoài Vũ ở ấp 3, xã Sơn Đông- thành phố Bến Tre. Hiện, với qui mô bình quân nuôi 5 ngàn con chim cút bố mẹ, gia đình ông đang sản xuất ra khoảng 15 ngàn con giống/tháng nhằm đáp ứng và phục vụ các nhu cầu của thị trường.
Để duy trì môi trường luôn được đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, ngoài việc lắp đặt và xây dựng hầm bể khí sinh học biogas, ông Vũ còn sử dụng kỹ thuật tạo đệm lót sinh học trong chăn nuôi. Nhờ đó, mùi hôi trong toàn bộ khu trang trại của gia đình ông được xử lý triệt để, giúp đàn gia cầm khỏe mạnh và nhanh lớn.
Đối với lượng phân chuồng được thu dọn từ phần đệm lót sinh học, ông đem gom vào bể riêng, trộn thêm nấm Tricoderma để ủ hoai trước khi mang ra dùng làm phân bón cho cây bưởi và dừa. Việc làm này giúp cho vườn cây ăn quả của gia đình ông phát triển xanh tốt, cho tỷ lệ đậu quả cao giúp mang lại hiệu quả kinh tế. Ngoài ra, tại một số dãy nuôi chim cút thịt các lứa thì ông không làm đệm lót sinh học mà sử dụng hầm bể khí sinh học biogas nhằm tận dụng chất thải, tạo ra nhiên liệu gas vừa giúp tiết kiệm chi phí về chất đốt lại giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Toàn tỉnh Hưng Yên hiện đang có đàn trâu, bò khoảng 40.000 con, đàn lợn khoảng 500.000 con nên lượng chất thải hàng ngày từ các trang trại, hộ chăn nuôi của tỉnh là rất lớn. Trong khi đó, việc xử lý chất thải bằng hầm biogas của nhiều hộ dân lại chưa hiệu quả, chất thải vẫn làm ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, một bộ phận các hộ chăn nuôi khác lại đang không có những biện pháp xử lý chất thải đảm bảo, nghĩa là chỉ sử dụng một phần cho trồng trọt còn phần lớn xả thải trực tiếp ra cống rãnh, sông, hồ… Trước thực trạng trên, việc hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường đang được các ngành chuyên môn và đông đảo hộ chăn nuôi trong tỉnh quan tâm.
Trang trại chăn nuôi tổng hợp của gia đình bà Võ Thị Phương ở xã Hồng Tiến (huyện Khoái Châu) với qui mô vài trăm con bò và lợn là một điển hình trong việc vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế vừa giữ vệ sinh môi trường nông thôn. Khoảng ba năm gần đây, gia đình bà đã đầu tư hơn 100 triệu đồng lắp đặt và đưa vào sử dụng hệ thống máy thu, ép chất thải gia súc nhằm bảo vệ môi trường.
Theo đó, 100% chất thải của đàn gia súc nuôi trong trang trại được bà cho thu gom hết vào bể chứa sau mỗi lần rửa chuồng rồi đưa lên máy ép. Tiếp đó, phân ép khô được đem đóng vào bao và bán cho các hộ trồng trọt có nhu cầu trên địa bàn. Ngoài ra, nước thải đem ủ hoai trở thành lượng phân bón và được tái sử dụng để bón cho hơn 18.000m2 trồng cỏ nuôi bò của gia đình bà.
Từ khi áp dụng hệ thống này, trang trại chăn nuôi tổng hợp của gia đình bà không có chất thải dư thừa thải ra ngoài môi trường. Với hoạt động chăn nuôi khép kín, an toàn sinh học còn giúp giảm thiểu các nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Ngoài ra, mỗi lần bán phân ép khô, trang trại của gia đình bà Phương lại có thêm nguồn kinh phí để đầu tư tái sản xuất.
Vừa bảo vệ môi trường, vừa chăn nuôi bền vững là mô hình nuôi gà trên nền đệm lót sinh học của gia đình anh Đỗ Trọng Toán ở xã Đông Kết (huyện Khoái Châu). Theo đó, anh đã sử dụng trấu, mùn cưa, một phần bột ngô hoặc cám gạo, trộn với men vi sinh để tạo thành hỗn hợp đệm lót trải xuống nền chuồng nuôi. Khi gà thải phân xuống, lượng vi sinh vật trong đệm lót sẽ tự động phân hủy toàn bộ số phân gà.
Hiện anh đang nuôi khoảng 2.000 con gà Đông Tảo lai/lứa. Ngoài ra, để tăng thêm thu nhập, anh còn kết hợp với việc vận hành máy ấp trứng, bán gà giống, trứng giống… cho các hộ dân xung quanh. Trong các dãy chuồng gà khép kín của gia đình anh, đàn gà phát triển khỏe mạnh, đẻ trứng to và đều, không khí trong khu chuồng trại luôn thoáng sạch. Nhờ đó, đã nhiều năm liền trang trại chăn nuôi không có tình trạng dịch bệnh xảy ra, mang lại nguồn lợi nhuận ổn định cho gia đình anh Toán.
Từ những kết quả đạt được, thời gian tới, để giúp cho hoạt động chăn nuôi của bà con nông dân trong cả nước thực sự phát huy hiệu quả, mang lại giá trị về kinh tế thì cần đòi hỏi chính quyền các cấp và ngành chức năng các địa phương phải có hướng đi đúng đắn cùng những giải pháp đồng bộ trong việc xử lý môi trường chăn nuôi. Qua đó, vừa góp phần giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, vừa giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất, gia tăng thu nhập để nâng cao đời sống.