Khắc phục yếu tố dinh dưỡng hạn chế tăng sức khỏe đất trồng
Đất khỏe cây trồng sẽ khỏe, cây trồng khỏe thì con người khỏe nên sức khỏe đất trồng ngày càng trở nên quan trọng.
Những yếu tố ảnh hưởng tới độ phì của đất
Cây trồng nông nghiệp muốn phát triển tốt, cho năng suất cao, chất lượng thì phụ thuộc vào mấy yếu tố chính, gồm: Giống, tính chất đất (thổ nhưỡng), điều kiện khí hậu, phân bón, sâu, bệnh hại thực vật và kỹ thuật canh tác của người trồng.
Trong đó, yếu tố thổ nhưỡng rất quan trọng mà yếu tố này lại phụ thuộc rất nhiều vào đá mẹ sinh ra nó (độ phì tiềm tàng), phụ thuộc vào lịch sử canh tác, thời gian và con người sử dụng đất đó (độ phì thực tế).
Tất cả những yếu tố trên sẽ kiến tạo nên độ phì của đất (độ màu mỡ). Chúng có thể làm giàu lên hoặc duy trì độ màu mỡ này hoặc cũng có thể làm cho đất trồng xấu đi, bạc màu, suy thoái và dẫn đến năng suất, chất lượng nông sản giảm sút.
Như vậy, muốn cây trồng cho năng suất, chất lượng cao, ít bị sấu bệnh phụ thuộc rất nhiều vào độ phì (độ màu mỡ) của đất hay có một khái niệm dễ hiểu là “Sức khỏe đất”. tức là đất có khỏe thì cây trồng khỏe, con người khỏe.
Nhiều tác giả thuộc Hội Khoa học Đất cho rằng, các yếu tố chi phối độ phì nhiêu của đất gồm: Dung tích hấp thu (CEC) của đất; Độc tố trong các loại đất đặc thù; Yếu tố hạn chế thừa (đất phèn, đất mặn); Phức hệ hữu cơ, vô cơ, tính chất vật lý; Tính chất Sinh học và tỷ lệ cân đối giữa 3 nhóm đa, trung, vi lượng.
Do vậy, muốn có năng suất cao và ổn định, bền vững phải quan tâm, chăm sóc “sức khỏe đất”, đặc biệt, phải chú ý đến việc xuất hiện các yếu tố dinh dưỡng hạn chế trong đất làm suy kiệt sức khỏe đất trồng. Vậy, chúng ta hiểu thế nào là “yếu tố dinh dưỡng hạn chế”?
Yếu tố dinh dưỡng hạn chế là gì?
Khái niệm yếu tố dinh dưỡng hạn chế độ phì nhiêu đất. Sức khỏe thực tế của đất có thể là do thiếu hụt hoăc dư thừa một chất dinh dưỡng này hay chất dinh dưỡng khác, nhưng cũng có thể xuất hiện khi nồng độ một chất hóa học nào đó vượt ngưỡng cho phép trở thành độc tố kìm hãm sự phát triển của cây trồng. Đó chính là yếu tố hạn chế. Ví dụ: Độ chua (pH) đất; chất hữu cơ trong đất; hàm lượng N, P, K; dung tích hấp thu; Độc tố trong đất như: Al, Fe, Na,….
Như vậy, yếu tố dinh dưỡng hạn chế độ phì nhiêu của đất sẽ biến động trong mối quan hệ với từng loại cây trồng và thay đổi liên tục theo thời gian. Khi xác định các yếu tố hạn chế dinh dưỡng đối với năng suất cây trồng, Liebig (1843) phát biểu như sau: “Năng suất cây trồng phụ thuộc vào nguyên tố phân bón có tỷ lệ thấp nhất so với yêu cầu của cây trồng”.
Theo định luật này, các yếu tố có tỷ lệ thấp nhất so với yêu cầu của cây trồng (yếu tố tối thiểu) cứ luân phiên nhau xuất hiện. Định luật của Liebig có thể mở rộng thành định luật về yếu tố hạn chế như sau: Đất thiếu hay thừa một nguyên tố dinh dưỡng dễ tiêu nào đó so với yêu cầu của cây cũng đều làm giảm hiệu quả của các nguyên tố khác và do đó làm giảm năng suất của cây.
Thế đâu là nguyên nhân xuất hiện yếu tố hạn chế làm sức khỏe đất suy giảm? Có thể tóm lược bởi các nguyên nhân chính như sau: Do hậu quả của quá trình thổ nhưỡng tự nhiên (đá Mẹ), địa hình, chế độ canh tác và tiểu khí hậu. Do xói mòn, rửa trôi, do chế độ bón phân, canh tác bất hợp lý dẫn đến thiếu hụt một yếu tố dinh dưỡng nào đó trong đất làm đất bị suy kiệt sức khỏe. Do ô nhiễm đất dẫn đến tích lũy độc tố mới xẩy ra trong đất,…
Tóm lại, yếu tố hạn chế sức khỏe đất trồng bao gồm các tính chất lý, hóa, sinh học đất, các yếu tố môi trường và hệ thống canh tác, người sử dụng đất.
Khi đất trồng xuất hiện yếu tố hạn chế sẽ làm đất yếu đi và làm sinh trưởng phát triển của cây trồng suy giảm dẫn đến năng suất, chất lượng nông sản dẫn đến người nông dân bị thất thu. Vì thế, bà con nông dân phải sử dụng giải pháp và kỹ thuật để làm giảm hay khắc phục yếu tố hạn chế làm suy kiệt sức khỏe, thoái hóa đất trồng nông nghiệp.
Cần chế độ dinh dưỡng hợp lý trên nền đất thoái hóa
Để hạn chế quá trình thoái hoá đất hay quá trình xuất hiện yếu tố hạn chế trong đất và phục hồi đất thoái hóa, trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu và đưa ra những biện pháp như: sinh học, hóa học, canh tác,… Trong đó, biện pháp hóa học là rất quan trọng.
Theo tính toán của IFPRI (1996), 80% sản lượng cây trồng tăng trên thế giới nhờ vào việc tăng năng suất, trong đó phần lớn do đóng góp của phân bón. Rõ ràng, nền nông nghiệp thâm canh đã chuyển hẳn từ sản xuất “dựa vào đất” sang sản xuất “dựa vào phân bón”.
Phân hóa học cung cấp cho cây trồng những chất dinh dưỡng cần thiết mà đất không đủ khả năng đáp ứng, đồng thời góp phần vào việc duy trì độ phì nhiêu đất trong quá trình canh tác. Do vậy, một chế độ cung cấp dinh dưỡng hợp lý cho cây trồng trên đất bị thoái hóa sẽ vừa làm tăng năng suất vừa duy trì và cải thiện tính chất đất.
Bón phân cân đối và hợp lý: Cân đối giữa các yếu tố của nhóm đa lượng NPK, nhóm trung lượng Ca, Mg, S, Si. Cân đối giữa các yếu tố của nhóm vi lượng Zn, Cu, Fe, B, Mn và Mo. Cân đối giữa nhóm đa lượng với nhóm trung lượng và nhóm vi lượng. Cân đối giữa phân vô cơ (phân hóa học) với phân hữu cơ. Cân đối giữa phân bón rễ và phân bón lá.
Cần thực hiện theo 10 nguyên tắc bón phân của Cục trồng trọt (Bộ NN-PTNT) và 4 Đúng khi sử dụng phân bón. Thực hiện ngay “Hữu cơ hóa” trong canh tác các loại cây trồng ngay từ bây giờ để góp phần khắc phục nguyên nhân làm yếu sức khỏe đất.