Một mô hình VAC vừa cho thu tiền tỷ, vừa bảo vệ môi trường ở Tuyên Quang
10:51 - 01/12/2020
Những năm gần đây, người tiêu dùng quan tâm đến sản xuất sạch, sản xuất hữu cơ gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tại Tuyên Quang có mô hình như vậy, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa là hình mẫu để nhân rộng.
Trồng cỏ lạc dưới vườn bưởi góp phần chống xói mòn đất, chống cỏ dại, cố định lượng đạm trong đất, giữ độ ẩm cho đất


Nhạy bén với thời cuộc

Những ngày đầu tháng 11, tôi có dịp thăm mô hình và trao đổi với ông Nông Văn Thắng, thôn Đồng Danh, xã Đức Ninh (Hàm Yên - Tuyên Quang) về mô hình phát triển kinh tế VAC theo hướng sản xuất sạch, tuần hoàn khép kín, bảo vệ môi trường mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Những năm 1990, gia đình ông Thắng trồng gần 4.000 cây đu đủ trên diện tích 3ha. Thời gian này, do ít người trồng nên đu đủ tiêu thụ thuận lợi, mỗi năm 1 cây cho thu hoạch tới 50kg quả, giá bán 1.700 - 2.000 đồng/kg. Trong khi giá vàng lúc đó chỉ 300.000 đồng/chỉ, bán gần 2 tạ quả là mua được 1 chỉ vàng. Khi có tiền, ông Thắng đã xây dựng nhà cửa, mua đất, mua xe.

Sau khoảng 5 năm (năm 1995), khi cây đu đủ đã ăn hết lớp chất dinh dưỡng của đất, ông  chuyển sang trồng hồng Lục Yên (Yên Bái). Theo ông Thắng, tại thời điểm đấy, trung bình mỗi  cây hồng cho thu  200-300kg quả, giá bán 15.000 đồng/kg. Hồng được giá, được mùa, nhiều năm liền gia đình ông thu tới 500 triệu đồng/năm.

Trong thời gian trồng hồng, ông Thắng bắt đầu trồng xen 100 cây bưởi. Do hồng bị nhiễm bệnh thán thư khó chữa, năm 2003, ông chuyển toàn bộ 3ha sang trồng bưởi (600 cây).

Qua báo, đài, ông biết cây gỗ sưa mang lại giá trị kinh tế cao, năm 2006, ông trồng xen sưa vào diện tích trồng bưởi, vừa để lấy bóng mát, vừa để lấy gỗ.

Thành công từ mô hình khép kín

Do vườn bưởi trồng gần nhà, ông Thắng đặt câu hỏi: Làm thế nào để không phải phun các loại thuốc trừ sâu? Vì phun thuốc sâu sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người chăm sóc và ảnh hưởng đến chất lượng quả bưởi. Qua tìm hiểu, thấy một số địa phương nuôi thành công mô hình kiến vàng, ông Thắng quyết định nuôi trên cây bưởi để kiến bắt các loại côn trùng đến phá hoại cây, quả bưởi như: bướm, rệp, bọ xít… Nhờ nuôi kiến vàng mà gia đình ông không phải dùng đến thuốc hóa học để trị côn trùng.

Không dừng lại ở đó, để chống xói mòn đất, cỏ dại, cố định lượng đạm trong đất, giữ độ ẩm cho đất, dưới tán gốc bưởi, ông Thắng trồng cây cỏ lạc. Từ trồng cây cỏ lạc mà hàng năm gia đình ông không phải bón phân đạm cho cây mà chỉ bón một số loại phân hữu cơ khác khi cần thiết.

Để giữ nước tưới, tận dụng phụ phẩm trong gia đình, ông Thắng  đào 2 sào ao thả cá, trên vườn bưởi kết hợp nuôi gà, tổng đàn luôn dao động  200-300 con (gà đen hay còn gọi là gà H'Mông).

Để xử lý phân gà và các phế phẩm từ rau củ quả thừa thải ra môi trường, ông Thắng đã tìm hiểu và nuôi ruồi lính đen. Ông  tâm sự, ruồi lính đen phân hủy rác thải hữu cơ, hoa quả thối, phân gà, bột sắn, bã đậu rất tốt, chỉ khoảng 10 ngày sẽ dùng phế phẩm (phân ruồi) bón cho bưởi.

Ngoài phế phẩm bón cây, ông dùng con sâu canxi (ấu trùng của ruồi lính đen) để nuôi cá, nuôi gà tạo mô hình VAC tuần hoàn khép kín. Theo ông Thắng, nuôi gà, nuôi cá bằng sâu canxi mang lại hiệu quả rất cao. Để sản xuất ra 1kg gà thịt nếu nuôi bằng cám công nghiệp sẽ hết 50.000 đồng, trong khi nuôi bằng sâu canxi chỉ hết 10.000 đồng mà thịt gà lại thơm ngon.

Năm 2017, gia đình ông Thắng chuyển sang trồng bưởi theo quy trình VietGAP, nhờ đó, chất lượng quả bưởi tiếp tục được nâng lên, giá bán tương đối ổn định. Sản phẩm được Hợp tác xã Sản xuất Rau quả an toàn Đức Ninh thu mua, tiêu thụ. Bình quân mỗi năm gia đình ông Thắng có thu khoảng 1 tỷ đồng.

Cần nhân rộng

Trao đổi với phóng viên, ông Thắng tâm sự, có được thành công như hôm nay, tôi nghĩ người làm vườn phải có kiến thức, lao động thực thụ bằng trí tuệ, đam mê, thường xuyên trao đổi, giao lưu để nâng cao kiến thức. Đã đam mê phải làm bằng được.

"Nước mình còn nghèo, nhiều người đến đây học hỏi cách làm của tôi và cũng đã thành công. Tuy nhiên, tôi vẫn mong làm sao để chuyển giao, nhân rộng nhiều mô hình ở các địa phương trong cả nước", ông Thắng tâm sự.

Theo ông Đỗ Văn Hòa, Phó chủ tịch UBND huyện Hàm Yên, mô hình phát triển kinh tế VAC của gia đình ông Thắng ngoài mang lại hiệu quả về kinh tế còn có ý nghĩa rất lớn về bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái, đồng thời sản xuất theo hướng hữu cơ. Tới đây, huyện sẽ khuyến khích phát triển, nhân rộng mô hình. 

Cũng theo ông Hòa, Hàm Yên đang chuẩn bị một chuyên đề về phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa bền vững và sẽ giới thiệu rộng rãi mô hình của gia đình ông Thắng.

Mô hình phát triển kinh tế trồng cây lấy gỗ, trồng bưởi, nuôi gà, thả cá không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nguồn: KTNT
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn