(MTNT) – Thời gian qua, tại các tỉnh, thành phố trong cả nước đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều những mô hình gia trại, trang trại chăn nuôi lớn, được người dân tập trung đầu tư phát triển khá nhanh và mạnh. Bên cạnh việc tăng năng suất và lợi nhuận của người chăn nuôi, các mô hình còn giúp cho diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, trở nên khang trang, trù phú.
|
Các trang trại cần phải áp dụng công nghệ kỹ thuật mới để giúp giảm thiểu những nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ lượng chất thải, nước thải phát sinh trong hoạt động chăn nuôi |
Tuy nhiên, mặt trái của việc gia tăng nhanh về số lượng và qui mô của các trang trại chăn nuôi chính là nguy cơ gây ô nhiễm môi trường do những chất thải, nước thải phát sinh từ các trang trại này. Ô nhiễm môi trường chăn nuôi hiện đang là vấn đề bức xúc ở nhiều vùng nông thôn của nước ta. Thậm chí, ở nhiều địa phương, nguồn nước xung quanh các khu vực dân cư có các trang trại chăn nuôi đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường sống của người dân. Thực trạng đó cũng đang ngày càng trở nên bức xúc và khá nghiêm trọng ở nhiều địa phương.
Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp & PTNT, cả nước ta đang có khoảng 12 triệu hộ gia đình có hoạt động chăn nuôi và 23.500 trang trại chăn nuôi tập trung. Trong đó, phổ biến nhất là các mô hình chăn nuôi lợn và gia cầm. Hàng năm, từ hoạt động chăn nuôi, ước tính sẽ làm phát sinh khoảng 64 triệu tấn chất thải rắn và trên 70 tỷ lít chất thải lỏng. Tuy nhiên, có một lượng lớn các chất thải, nước thải này hiện đang bị lãng phí mà không được tận dụng trở lại để sử dụng cho hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Các chuyên gia đã phân tích và chỉ ra nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường là do lượng chất thải, nước thải từ hoạt động chăn nuôi nhỏ lẻ của các hộ gia đình không được kiểm soát và xử lý tốt. Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy, ngay kể cả đối với hoạt động chăn nuôi có hình thức và quy mô trang trại lớn mặc dù đã áp dụng nhiều biện pháp xử lý môi trường song vẫn gây ra tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Đó là do những vấn đề còn bất cập trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường và việc người dân áp dụng các công nghệ xử lý chưa phù hợp.
Vì thế, việc khuyến khích người dân mạnh dạn ứng dụng công nghệ sinh học mới vào sản xuất và chăn nuôi trong những năm gần đây đang được nhiều địa phương xem là một trong những giải pháp an toàn, có tính bền vững. Qua đó, vận động, hướng dẫn người dân tích cực chuyển đổi sang quá trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ để dần thay thế cho nền nông nghiệp vô cơ đang tiềm ẩn nhiều tác hại; góp phần đem lại nhiều lợi ích hơn cho cả người trực tiếp sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp cũng như đối với người tiêu dùng và môi trường sinh thái.
Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Bến Tre là địa phương hiện có tổng đàn vật nuôi cũng như số lượng hộ dân chăn nuôi lợn theo quy mô nông hộ khá cao. Theo số liệu của Sở Nông nghiệp & PTNT, tổng đàn gia súc, gia cầm trong tỉnh vào khoảng 560.000 con. Như vậy, đồng nghĩa với việc lượng chất thải từ phân, nước thải của vật nuôi thải ra là rất lớn, dễ gây nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Hiện, địa bàn chăn nuôi được phân bổ đồng đều tại khắp các địa phương trong tỉnh gồm: Mô hình chăn nuôi bò tập trung ở huyện Ba Tri; chăn nuôi gia cầm tập trung ở các huyện Mỏ Cày Bắc, Giồng Trôm, Châu Thành, thành phố Bến Tre; chăn nuôi lợn tập trung ở các huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Giồng Trôm, Châu Thành...
Một trong số những trang trại chăn nuôi có qui mô lớn mà vẫn giữ gìn tốt vấn đề vệ sinh môi trường là mô hình trang trại nuôi chim cút của hộ gia đình ông Nguyễn Hoài Vũ ở Ấp 3, xã Sơn Đông- thành phố Bến Tre. Hiện nay, với quy mô bình quân nuôi 5 ngàn con chim cút bố mẹ, hàng tháng, gia đình ông đang sản xuất ra khoảng 15 ngàn con giống nhằm đáp ứng các nhu cầu phục vụ thị trường.
Để duy trì môi trường chăn nuôi luôn được đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, ngoài việc lắp đặt và xây dựng bể khí sinh học biogas, ông còn sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi. Nhờ đó, mùi hôi trong toàn bộ khu trang trại được xử lý triệt để, giúp đàn gia cầm khỏe mạnh và nhanh lớn.
Ngoài ra, đối với phân chuồng dọn từ phần đệm lót sinh học, ông đem thu gom và cho vào bể riêng, trộn thêm nấm Tricoderma để ủ hoai trước khi mang ra dùng làm phân bón cho cây bưởi và dừa giúp vườn cây ăn quả của gia đình đạt hiệu quả kinh tế cao. Còn tại một số dãy nuôi chim cút thịt các lứa thì ông không lót đệm sinh học mà sử dụng chất thải khi dọn chuồng. Sau đó, đem dọn sạch để cho vào bể khí sinh học biogas nhằm tạo ra nhiên liệu gas được dùng làm chất đốt phục vụ trong sinh hoạt giúp tiết kiệm chi phí.
Theo thống kê trên địa bàn tỉnh Nam Định, hiện đàn gia súc được nuôi trong toàn tỉnh có khoảng gần 800.000 con lợn (không kể lợn sữa); trong đó có 130.000 con lợn nái. Như vậy, hàng ngày cũng sẽ làm phát sinh khoảng gần 2.000 tấn chất thải- là một khối lượng rất lớn. Vấn đề phải làm như thế nào để xử lý lượng chất thải nói trên mà vẫn đảm bảo vệ sinh môi trường luôn là bài toán đau đầu không chỉ đối với các hộ chăn nuôi mà còn cả đối với các ngành chức năng trong tỉnh.
Từ nhiều năm nay, công nghệ làm hầm biogas vẫn được xem là giải pháp tốt nhất và được hầu hết các hộ chăn nuôi trên địa bàn áp dụng. Tuy nhiên, đối với các trang trại chăn nuôi có quy mô lớn, việc xử lý khối lượng chất thải bằng mô hình hầm biogas đang gặp phải khá nhiều khó khăn như: Việc xây dựng hầm biogas sẽ đòi hỏi chiếm một diện tích rất lớn; hiệu quả xử lý chất thải trong chăn nuôi đạt được lại không cao…
Cụ thể: Nước thải sau lắng đọng tại các hầm biogas vẫn còn đậm đặc, không thể dùng để tưới cây được; thậm chí, nếu đem thải ra môi trường vẫn còn gây ô nhiễm. Các trang trại chăn nuôi cũng thường sử dụng quá nhiều nước để làm vệ sinh chuồng trại và làm mát cho đàn lợn. Điều này sẽ dẫn đến hiện tượng phân lợn bị làm lỏng, không thể thu gom, chỉ còn cách xả thải trực tiếp ra nguồn nước hoặc gián tiếp thông qua các hầm biogas và sẽ rất nhanh chóng gây nên tình trạng quá tải cho hầm biogas.
Trước thực trạng trên, Ban Quản lý dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp (dự án LCASP) đã nghiên cứu và hiện đang triển khai một số mô hình xử lý chất thải ở các địa phương trong tỉnh. Theo đó, đối với trang trại chăn nuôi lợn có quy mô từ 100- 1.000 con, dự án sẽ hỗ trợ xây dựng hệ thống bể lắng xử lý chất thải chăn nuôi.
Hộ gia đình anh Vũ Văn Liên ở xóm Tây Cát, xã Hải Đông- huyện Hải Hậu, là chủ trang trại chăn nuôi có 500 con lợn, sau khi được lựa chọn tham gia mô hình đã cho thấy tính hiệu quả rõ rệt. Nếu như trước đây, đối với một hộ chăn nuôi khoảng 500 con lợn như gia đình anh sẽ cần xây bể biogas có thể tích từ 300- 500 m3 để xử lý chất thải. Tuy nhiên, sau khi áp dụng mô hình với bể lắng 4 ngăn thì thể tích có thể giảm xuống 10 lần (chỉ còn khoảng 30- 50 m3). Nhờ đó, góp phần giảm được diện tích xây dựng bể biogas cũng như các chi phí đầu tư khác, lại giúp giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường.
Mô hình cũng đang được áp dụng tại trang trại chăn nuôi của hộ ông Nguyễn Văn Thục ở xã Trực Thái- huyện Trực Ninh và cho thấy tính hiệu quả tích cực. Trên diện tích 0,6 ha, ông xây dựng 2 dãy chuồng lợn rộng khoảng 600 m2, đào 01 ao cá rộng 3.000 m2, số còn lại ông trồng một số cây ăn quả hàng năm như: Bưởi Diễn, cam, đinh lăng, cau… Hiện, trang trại của gia đình ông luôn duy trì ở quy mô chăn nuôi từ 400- 500 con lợn thịt.
Cũng giống như các trang trại khác, trước đây ông Thục gặp khá nhiều khó khăn trong việc xử lý chất thải chăn nuôi. Kể từ khi tham gia dự án, trang trại của ông được hỗ trợ xây dựng nhà ủ phân. Nhà ủ phân gồm 2 ngăn, trong đó 1 ngăn để tách bớt nước và 1 ngăn để ủ bã thành phân hữu cơ. Nhà ủ phân có tác dụng chuyển chất cặn sau hầm biogas trở thành phân bón, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường.
Qua đánh giá của ngành chức năng trên địa bàn, việc xây nhà ủ phân để giúp người chăn nuôi dễ dàng tách một phần chất cặn (phân) có độ ẩm 95- 100%. Trên cơ sở tách được nước ra khỏi chất thải đặc trong bể lắng sau hầm biogas sẽ tạo thuận lợi cho quá trình ủ để sản xuất ra phân bón hữu cơ. Từ đó, giúp người chăn nuôi tăng thêm thu nhập từ việc bán sản phẩm phân bón hữu cơ cho những người trồng trọt khác. Đáng chú ý, mô hình nhà ủ phân được xây dựng đơn giản và có chi phí thấp, vì thế rất dễ để nhân rộng trong thực tiễn.
Thời gian tới, để hoạt động chăn nuôi của bà con nông dân tại các tỉnh, thành phố trong cả nước phát huy hiệu quả và thực sự mang lại giá trị về kinh tế, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống thì cần đòi hỏi các ngành chức năng phải có hướng đi đúng đắn cùng những giải pháp đồng bộ trong việc xử lý môi trường chăn nuôi. Qua đó, vừa góp phần giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, vừa giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất, gia tăng thu nhập để nâng cao đời sống.
Chất thải chăn nuôi là loại chất hữu cơ quý, có thành phần dinh dưỡng rất cao. Vì thế, nếu được thu gom và xử lý hiệu quả sẽ trở thành nguồn phân hữu cơ rất có giá trị phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu như tận dụng được nguồn chất thải chăn nuôi để sản xuất phân bón hữu cơ thì hàng năm, cả nước có thể sản xuất được khoảng 17 triệu tấn phân bón hữu cơ, được dùng để thay thế cho khoảng 0,3 triệu tấn phân đạm, 0,19 triệu tấn phân lân và 0,58 triệu tấn phân Kali nhập khẩu.
Mặt khác, việc tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ cũng sẽ giúp nâng cao được hiệu quả sử dụng phân bón vô cơ; qua đó, góp phần giảm thiểu hơn nữa lượng phân bón hữu cơ cần phải nhập khẩu. Như vậy, cứ tính giá trị nguyên liệu phân bón hữu cơ truyền thống ở mức 1 triệu đồng/tấn thì nếu chúng ta biết tận dụng được nguồn chất thải chăn nuôi dùng làm nguyên liệu sản xuất ra phân bón hữu cơ sẽ có thể có nguồn thu nhập khoảng 17 ngàn tỷ đồng/năm cho GDP của ngành chăn nuôi. |