Nhiều diện tích đất dốc, bạc màu ở huyện Yên Châu (Sơn La) tưởng như khó có loại cây trồng nào sinh trưởng phát triển tốt được. Ấy vậy mà, khi người dân nơi đây đưa cây ăn quả vào trồng, thì những mảnh đất dốc đó đã “nhả” vàng.
Cây giảm nghèo bền vững
Trồng cây ăn quả trên đất dốc trở thành phong trào và phát triển mạnh ở Yên Châu từ năm 2016. Nhiều diện tích nương đồi trồng ngô, trồng sắn hiệu quả kinh tế thấp, đã được người dân trong huyện chuyển sang trồng cây ăn quả. Khi đó, ở Yên Châu, người người trồng cây ăn quả, nhà nhà trồng cây ăn quả. Màu xanh cây ăn quả nhanh chóng lan rộng, phủ kín đất dốc ở nơi "nắng như đổ lửa" này. Chả mấy chốc, cây ăn quả trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững ở Yên Châu. Các loại quả: Xoài, chuối... mang đậm hương vị đặc trưng của vùng đất này, được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.
|
Nhờ trồng cây ăn quả, nhiều hộ dân ở Yên Châu đã thoát nghèo |
Trước đây, gia đình bà Quàng Thị Vình, bản Tà Vài (xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu) thuộc diện hộ nghèo trong xã. Gia đình bà có 7 nhân khẩu, thu nhập chính là từ 7000m2 đất nương trồng 1 vụ ngô và ít ruộng cấy lúa nước.
"Những năm 2013, 2014, giá bán ngô xuống thấp. Không riêng gia đình tôi mà người trồng ngô trong xã, trong huyện lao đao. Lúc đó tôi tính, nếu tiếp tục trồng ngô thì không những không có công mà còn phải bù lỗ. Mà không trồng ngô, thì không biết trồng cây gì cho phù hợp với mảnh nương đã bạc màu này. Đúng thời điểm đó, cán bộ xã đến tận nhà vận động trồng cây xoài. Không đắn đó gì cả, gia đình tôi chuyển toàn bộ diện tích trồng ngô sang trồng xoài" – bà Vình nhớ lại.
Cũng như nhiều hộ dân khác trong xã, khi đưa cây xoài vào trồng trên đất dốc, bà Vình không mấy tin vào khả năng sinh trưởng và phát triển của giống cây này. Thế rồi, vườn xoài lớn dần theo năm tháng trước sự chăm bón của vợ chồng bà. Bước sang năm thứ 3, vườn xoài Đài Loan nhà bà Vình bắt đầu cho quả bói, quả nào, quả nấy cũng to như vốc tay. Lúc đó, bà Vình mới bớt lo, yên tâm chăm sóc vườn xoài của gia đình.
"Hai năm trở lại đây, năm nào gia đình tôi thu gần 10 tấn xoài tươi. Bán quả xoài tươi cho thương lái với giá dao động từ 7000 đồng đến 15.000 đồng/kg, gia đình tôi thu hơn 100 triệu đồng. Năm 2019, gia đình tôi đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo của xã. Nếu cứ trông chờ vào cây ngô, thì không biết bao giờ gia đình tôi mới khá lên được" – bà Vình vui vẻ nói.
Trao đổi với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt, bà Hà Thị Mai – Chủ tịch UBND xã Chiềng Hặc, cho biết: "Xã Chiềng Hặc hiện có hơn 630ha cây ăn quả, trong đó có hơn 300ha xoài, 156ha nhãn, hơn 80ha chuối và một số cây ăn quả khác. Nhờ trồng cây ăn quả, mà tỷ lệ hộ nghèo trong xã giảm mạnh, từ 49% (năm 2016) xuống còn 36% vào cuối năm 2019".
Thành triệu phú nhờ trồng cây ăn quả
Không thể phủ nhận giá trị kinh tế của cây ăn quả. Cây ăn quả đã mang lại cuộc sống mới cho người dân ở Yên Châu. Nhiều hộ dân trong huyện không chỉ thoát khỏi cái nghèo đeo bám, mà còn vươn lên làm giàu nhờ trồng cây ăn quả. Vài năm trở lại đây, ở Yên Châu xuất hiện ngày càng nhiều triệu phú từ trồng cây ăn quả.
Theo ông Hà Như Huệ - Chủ tịch UBND huyện Yên Châu, trồng 1ha cây ăn quả có thể cho thu nhập từ 200 – 300 triệu đồng mỗi vụ, thậm chí là cao hơn nữa nếu chăm bón tốt. Thực tế cho thấy, đã có không ít hộ dân ở vùng đất nắng như đổ lửa này, thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ trồng cây ăn quả.
Mấy năm gần đây, năm nào gia đình anh Trần Như Kiên, ở bản Pha Cúng (xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu) cũng thu vài chục tấn quả nhãn tươi mỗi vụ. Anh là một trong những người "giàu" diện tích nhãn nhất nhì bản Pha Cúng nói riêng, xã Lóng Phiêng nói chung. Với chừng 6ha nhãn trồng theo quy trình VietGap, cứ vào vụ thu hoạch nhãn là anh Kiên lại mỏi tay đếm tiền. Vì trồng không đồng loạt nên đồi nhãn nhà anh cho quả không đồng đều. Bình quân mỗi vụ, anh Kiên thu trên dưới 50 tấn quả nhãn tươi. Tính giá bán bình quân khoảng 10.000/kg, anh Kiên cũng có khoảng nửa tỷ đồng.
"Trồng nhãn tuy vất vả song bù lại cho giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với một số cây trồng khác. Nhãn là cây dễ tính song cũng rất khó tính, nếu chăm sóc không đúng quy trình kĩ thuật thì khó có "cái ăn". Ngoài làm sạch cỏ, bón phân đầy đủ cho vườn nhãn, thì phải năng cắt tỉa, tạo tán cho cây nhãn..." – anh Kiên chia sẻ.
Nói như ông Hà Văn Póng, dân bản Đông Khùa (xã Tú Nang, huyện Yên Châu), nếu cứ trông chờ vào trồng ngô trên đất dốc bạc màu, thì gia đình ông không có được cuộc sống dư giả như hiện nay. Năm 2015, ông Póng quyết định bỏ ngô, chuyển sang trồng xoài Đài Loan trên đất nương của gia đình. Nương xoài hơn 300 gốc của gia đình ông đã cho thu hoạch được 3 năm nay. Năm nào, ông Póng cũng thu cả trăm triệu đồng từ bán quả xoài tươi ra thị trường.
Được biết, tại nhiều cơ sở của huyện Yên Châu, còn nhiều hộ nông dân khác cũng giống như gia đình anh Kiên, ông Phóng khi chuyển đổi đất dốc sang trồng cây ăn quả. Bởi thực tế cho thấy nhiều hộ dân ở huyện Yên Châu đã "phất lên" thành triệu phú nhờ trồng cây ăn quả trên đất dốc.