Giống lúa OM thích nghi vượt trội trên vùng hạn, mặn
09:30 - 29/07/2020
Hạn - mặn song hành khắc nghiệt đã kiểm chứng một số giống lúa OM có khả năng thích nghi và mang lại hiệu quả cao ở vùng ven biển ĐBSCL.
Nông dân thăm đồng giống lúa mới OM. Ảnh: Hữu Đức.


Giống chịu mặn vượt trội

Mùa khô năm 2020 ở vùng ĐBSCL chịu đựng tác động kép hạn - mặn khốc liệt nhất trong vòng 100 năm qua.

Trước đó, mùa khô hạn và mặn xâm nhập sâu năm 2015-2016, gồm 2 đợt nước mặn lấn sâu vào các tuyến kênh rạch nội đồng. Tuy vậy qua thực tế kiểm chứng nhờ có những giống lúa OM mới mà trên các cánh đồng lớn lúa đều tươi tốt, trĩu hạt, trúng mùa, trải rộng khắp vùng ven biển. Hàng ngàn hộ nông dân đã minh chứng suốt quá trình canh tác đã thực sự tin tưởng.

TS Đoàn Mạnh Tường, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp - Viện Lúa ĐBSCL, nhớ lại: Giữa mùa hạn - mặn đỉnh điểm năm 2015-2016, chúng tôi cùng đoàn công tác Cục Trồng trọt khảo sát lúa ở nhiều địa phương ven biển các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng. Thật ngạc nhiên trước 2 giống lúa OM11735 và OM429 vẫn xanh phơi phới. Trong khi các ruộng gần kề trồng giống OM5451, IR50404 cháy lá, xác xơ.

Giống lúa OM11735 có thời gian sinh trưởng 95-100 ngày (lúa cấy), 90-95 ngày (lúa sạ), chiều cao cây: 100-110 cm, khả năng đẻ nhánh khá, dạng hình đẹp, cứng cây. Năng suất vụ ĐX 6-8 tấn/ha và vụ HT 4-6 tấn/ha. Chiều dài hạt gạo 7,1-7,2 mm. Khả năng chịu mặn tới 3-4‰, hơi nhiễm với đạo ôn (cấp 4), rầy nâu (cấp 6).

Đây là giống lúa có tính thích nghi rộng, canh tác được các vụ trong năm, thích hợp cho các vùng sinh thái ở ĐBSCL và vùng nhiễm mặn.

Giống lúa OM429 có thời gian sinh trưởng 90-95 ngày (lúa sạ), 95-100 ngày (lúa cấy); chiều cao cây 95-105 cm, đẻ nhánh khỏe, dạng hình đẹp. Năng suất vụ ĐX 6-8 tấn/ha, vụ HT 5-6 tấn/ha. Về phẩm chất gạo, tỷ lệ gạo lức 79-81%, gạo trắng 70-72%, gạo nguyên 58-64%. Chiều dài hạt gạo 6,5-6,8 mm. Hạt gạo trong, thon dài, cơm mềm, ngon.

Giống chống chịu mặn với nồng độ 3-4‰, hơi nhiễm đạo ôn (cấp 4-5), hơi kháng với rầy nâu (cấp 3). OM429 thích nghi với vùng sinh thái mặn điển hình với độ mặn 2-3‰ cả vụ HT và ĐX ở vùng ĐBSCL.

5 giống lúa chịu mặn tốt

 
Nông dân tìm giống lúa mới OM trong mùa hạn, mặn. Ảnh: Hữu Đức.

Nông dân tìm giống lúa mới OM trong mùa hạn, mặn. Ảnh: Hữu Đức.

Trong vụ lúa ĐX 2019-2020 vừa qua có một số giống lúa mới nổi lên, nông dân cho biết canh tác rất phù hợp ở một số địa phương tỉnh Kiên Giang, như OM9921 có khả năng chịu mặn mà vẫn giữ được phẩm chất gạo ngon. 

Qua thăm dò thị trường, nhu cầu giống lúa mới theo xu hướng nâng cao chất lượng gạo: Mềm cơm, dẻo, thơm, như giống OM18. Còn các giống phẩm chất gạo trung bình, nở cơm, cơm xốp, thông dụng dành cho dân lao động, có OM380, OM99582.

Theo Trung tâm Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp - Viện Lúa ĐBSCL, trải qua thử thách khắc nghiệt hai mùa hạn mặn năm 2016 và 2020, nông dân đã lựa chọn gieo trồng 5 giống lúa với số lượng tăng sau mỗi vụ, gồm: OM18, OM380, OM429, OM11735, OM9921.

Với giống OM18, nhờ tính chống chịu hạn, mặn và sâu bệnh, gạo cơm thơm ngon, diện tích đang được mở rộng. Qua khảo sát các vùng sản xuất lúa hiệu quả cao ở khu vực hạn hạn-mặn ven biển ĐBSCL, Viện Lúa ĐBSCL khuyến cáo nông dân sử dụng giống OM429, OM11735 và OM9921.

Mỗi năm Viện Lúa ĐBSCL cung ứng lượng giống lúa cho trung tâm giống, doanh nghiệp, HTX và câu lạc bộ sản xuất lúa giống ở các tỉnh trong vùng: Từ 30-40 tấn giống siêu nguyên chủng, 300-500 tấn giống nguyên chủng và khoảng 3.000 tấn giống xác nhận.

Viện Lúa ĐBSCL hiện có bộ giống lúa chịu mặn, các nhóm: Chịu mặn trung bình: 2-3% như: OM7347, OM6976, OM6162, OM 380... Nhóm chịu mặn khá: 3-4%: OM2517, OM9921, OM 8959, OM11735, OM429…

Sắp tới Viện Lúa tiếp tục nghiên cứu các giống lúa chống chịu với điều kiện biến đổi khí hậu có phẩm chất cao nhưng tích hợp nhiều gen kháng hoặc chống chịu: Mặn, hạn, nóng và sâu bệnh.

 

Giống lúa triển vọng OM18. Ảnh: Hữu Đức.

Giống lúa triển vọng OM18. Ảnh: Hữu Đức.

Một số giống lúa phổ biến và triển vọng chống chịu mặn

Trong những năm qua Viện Lúa ĐBSCL đã nghiên cứu chọn tạo các giống lúa có khả năng chống chịu trong điều kiện BĐKH, hiện có một số giống lúa đã được Bộ NN-PTNT công nhận và chuyển giao canh tác trên diện rộng.

Giống lúa OM5451 thời gian sinh trưởng: 93-100 ngày (lúa cấy), 88-95 ngày (lúa sạ); chiều cao cây 85-95 cm; đẻ nhánh tốt, dạng hình đẹp; độ cứng cây: cấp 1. Năng suất vụ ĐX 6-8 tấn/ha, vụ HT 4-6 tấn/ha.

Phẩm chất gạo: Tỷ lệ gạo lức 80-82%, gạo trắng 73-75%, gạo nguyên: 45-50%. Tỷ lệ gạo bạc bụng (cấp 9) 3-4%; chiều dài hạt gạo 7,0-7,1 mm. Hạt gạo đẹp, cơm trắng, mềm, dẻo và ngon.

Tính chống chịu: Hơi nhiễm với đạo ôn (cấp 4), hơi kháng với rầy nâu (cấp 3). Thích nghi, canh tác được các vụ trong năm và thích hợp cho các vùng sinh thái phèn ở ĐBSCL.

Giống lúa OM6976 có thời gian sinh trưởng 100-105 ngày (lúa cấy), 95-97 ngày (lúa sạ). Chiều cao cây 100-110 cm, khả năng đẻ nhánh tốt, dạng hình đẹp, cứng cây cấp độ 1. Năng suất vụ ĐX 6-9 tấn/ha, vụ HT 4-6 tấn/ha.

Phẩm chất gạo: Tỷ lệ gạo lức 78-79%, gạo trắng 67-70%, gạo nguyên 45-58%. Tỷ lệ bạc bụng 10-12%, chiều dài hạt gạo 7,1 mm. Hàm lượng sắt trong gạo cao (7 mg/kg gạo trắng). Hạt gạo đẹp, thon dài, ít bạc bụng.

Tính chống chịu: Hơi kháng với đạo ôn (cấp 4), rầy nâu (cấp 3), ít bị bệnh vàng, lùn xoắn lá (VL-LXL), chịu mặn 2-3‰, chịu phèn khá tốt. Canh tác được các vụ trong năm và thích hợp cho các vùng sinh thái ở ĐBSCL.

Giống lúa OM7347 có thời gian sinh trưởng 95-100 ngày, chiều cao cây 100-105 cm, khả năng đẻ nhánh tốt, cứng cây. Tiềm năng năng suất: 6-8,5 tấn/ha.

Phẩm chất gạo: Tỷ lệ gạo lức 78-80%, tỷ lệ gạo trắng 70-76%, tỷ lệ gạo nguyên 47-50%, tỷ lệ bạc bụng 3-5%, chiều dài hạt gạo 6,9 mm. Hạt gạo đẹp, thon dài, thơm, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Tính chống chịu với đạo ôn (cấp 5) và rầy nâu (cấp 3) trong điều kiện thanh lọc nhân tạo, giống có khả năng chống chịu được bệnh VL-LXL và bạc lá. Khả năng thích nghi, canh tác được các vụ trong năm và thích hợp cho các vùng sinh thái ở ĐBSCL, giống có khả năng chống chịu khô hạn khá tốt ở giai đoạn đẻ nhánh và giai đoạn trổ.

Giống lúa OM6162 thời gian sinh trưởng 95-100 ngày, chiều cao cây: 110-115 cm, khả năng đẻ nhánh khá, dạng hình đẹp, cứng cây: cấp độ 1-3, số hạt chắc/bông: 168 hạt, khối lượng 1.000 hạt: 29,8 gram. Tiềm năng năng suất: 6-8 tấn/ha.

Phẩm chất gạo: Hạt gạo không bạc bụng, chiều dài hạt gạo 7,3 mm. Cơm dẻo và có mùi thơm nhẹ.

Tính chống chịu: Phản ứng với đạo ôn (cấp 3-5) và rầy nâu (cấp 4-6) trong điều kiện thanh lọc nhân tạo, chịu mặn 2-3%, giống có khả năng chống chịu khô hạn khá tốt ở giai đoạn đẻ nhánh và giai đoạn trổ. Khả năng thích nghi rộng, từ vùng phù sa đến vùng nhiễm phèn, mặn.

Giống lúa OM2517 thời gian sinh trưởng 90-95 ngày (lúa sạ), chiều cao cây: 90-100 cm. Khả năng đẻ nhánh khỏe, dạng hình đẹp, cứng cây cấp độ 1. Năng suất vụ ĐX 6-8 tấn/ha và vụ HT 4-6 tấn/ha.

Phẩm chất: Tỷ lệ bạc bụng 2-3%, chiều dài hạt gạo 7,0-7,1 mm. Tính chống chịu: Giống hơi nhiễm rầy nâu (cấp 3-5), đạo ôn (cấp 3-5), bạc lá (cấp 5), chống chịu mặn: 3-4‰. Khả năng thích nghi: Canh tác được các vụ trong năm và thích hợp cho các vùng sinh thái ở ĐBSCL, chịu mặn với nồng độ từ 3-4‰.

Giống lúa OM18 thời gian sinh trưởng: 95-100 ngày (lúa sạ), 100-105 ngày (lúa cấy), chiều cao cây 100-110 cm, cứng cây độ 1, đẻ nhánh khỏe. Năng suất vụ ĐX 7-8 tấn/ha, vụ HT 5-6 tấn/ha.

Tính kháng đạo ôn (cấp 2), hơi nhiễm rầy nâu (cấp 5), chống chịu mặn ở nồng độ 3-4‰. Canh tác được các vụ trong năm, thích hợp cho các vùng sinh thái ở ĐBSCL và vùng nhiễm mặn.

Giống lúa OM9582 thời gian sinh trưởng: 95- 100 ngày, chiều cao cây: 100-110 cm, đẻ nhánh khỏe, cứng cây, dạng hình đẹp, lá đòng thẳng, trổ bông tập trung. Tiềm năng năng suất: 5-9 tấn/ha.

Phẩm chất gạo: Tỷ lệ gạo lức 78-80%, tỷ lệ gạo trắng 68-70%. Chất lượng gạo khá, hạt gạo trong, cơm mềm.

Tính chống chịu: Phản ứng với bệnh vàng lùn trung bình, đạo ôn (cấp 6) và rầy nâu (cấp 3-5) trong điều kiện thanh lọc nhân tạo. Giống lúa nầy canh tác được các vụ trong năm, có khả năng chịu phèn và mặn (2-3‰).

Giống lúa OM9921 thời gian sinh trưởng: 100-105 ngày (lúa sạ), chiều cao cây 95-105 cm. Khả năng đẻ nhánh khỏe, dạng hình đẹp, cứng cây cấp độ 1. Năng suất vụ ĐX 6-8 tấn/ha và vụ HT 4-6 tấn/ha.

Phẩm chất gạo: Hạt gạo đẹp, thon dài, trắng hơi đục. Tính chống chịu: Phản ứng với đạo ôn (cấp 6), với rầy nâu (cấp 5), chống chịu mặn với nồng độ từ 3-4‰. Giống canh tác được các vụ trong năm và thích hợp cho các vùng sinh thái ở ĐBSCL, chịu mặn với nồng độ từ 3-4‰.

Sau khi đưa các giống lúa khảo nghiệm tại các tiểu vùng sinh thái, Viện Lúa ĐBSCL cho biết, các giống triển vọng canh tác thích nghi trên những vùng đất phù sa ngọt hoặc hơi nhiễm mặn như: OM8959, OM11735, OM9577, OM380, OM429, OM375, OM3673, OM20.


HỮU ĐỨC - TRỌNG LINH
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn