Giải pháp phát triển rừng bền vững khu vực Tây Nguyên
17:46 - 23/06/2020
Đã có rất nhiều kiến nghị, giải pháp được đưa ra nhằm tháo gỡ khó khăn giúp rừng khu vực Tây Nguyên phát triển bền vững. 
Các đại biểu họp bàn đưa ra các giải pháp phát triển rừng bền vững khu vực Tây Nguyên. Ảnh: Tuấn Anh


Ngày 22/6, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì hội nghị “Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất lâm nghiệp các tỉnh Tây Nguyên” diễn ra tại Đăk Lăk.
 

Tây Nguyên giảm gần 16.000 ha rừng tự nhiên trong năm 2019

Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN-PTNT, năm 2019, tổng diện tích có rừng của các tỉnh Tây Nguyên gần 2.560.000 ha, chiến 17,5% diện tích có rừng của cả nước. Tỉ lệ che phủ rừng toàn khu vực Tây Nguyên đạt trên 45,90%, trong đó rừng tự nhiên hơn 2.191.000 ha, rừng trồng hơn 368.700 ha; rừng đặc dụng gần 480.000 ha; rừng phòng hộ hơn 547.800 ha; rừng sản xuất gần 1.533.000 ha.
 

Năm 2029, diện tích rừng trồng tăng 18.387 ha so với năm 2018. Tuy nhiên, diện tích rừng tự nhiên của khu vực Tây Nguyên vẫn tiếp tục bị suy giảm hơn 15.700 ha. Trong đó, 3 tỉnh có diện tích rừng tự nhiên giảm mạnh là Đăk Lăk 11.419 ha, Đăk Nông 7.156 ha, Gia Lai 494 ha.
 

Về công tác bảo vệ rừng trong năm 2019 và 5 tháng đầu năm 2020, khu vực Tây Nguyên đã phát hiện hơn 4.800 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp. Trong đó, đã xử lý hơn 4.400 vụ vi phạm, xử phạt hành chính hơn 4.000 vụ, xử lý hình sự 314 vụ, tịch thu 9.898 m3. Tổng số tiền thu nộp 56 tỷ đồng.
 

Theo đánh giá của Tổng cục Lâm nghiệp, khu vực Tây Nguyên vẫn là trọng điểm phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển, chế biến lâm sản trái pháp luật. Hành vi chống người thi hành công vụ vẫn diễn ra, tình trạng tranh chấp về đất rừng kéo dài nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.
 

Nguyên nhân khách quan là do sức ép về kinh tế, xã hội ngày càng tăng do dân số các vùng có rừng tăng nhanh. Đặc biệt, tình trạng dân di cư tự do dẫn đến nhu cầu về đất ở và đất canh tác gây sức ép rất lớn đến rừng tự nhiên.
 

Còn về chủ quan, chính quyền cơ sở ở một số nơi chưa thực hiện hết trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ rừng. Một số bộ phận chủ rừng chưa đủ năng lực, nhân lực và kinh phí để bảo vệ rừng trên lâm phần được giao; có biểu hiện buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, để người dân phá rừng, xâm canh, lấn chiếm kéo dài, khó xử lý. Sự phối hợp giữa các cấp, ngành trong công tác quản lý, bảo vệ rừng ở một số nơi thiếu chặt chẽ, chưa đồng bộ.
 

Trong khi đó, công tác rà soát, điều chỉnh 3 loại rừng ở các địa phương chưa bám sát quy hoạch sử dụng đất, chưa xử lý tình trạng chồng lấn ranh giới và diện tích quản lý giữa các địa phương.
 

Hướng đến mục tiêu phát triển rừng bền vững

Ông Bùi Văn Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đăk Lăk, kiến nghị Bộ NN-PTNT cần quan tâm xây dựng lực lượng kiểm lâm ngày càng vững mạnh. Cùng với đó, cần tăng cường nguồn lực cho công tác phát triển, trồng và khoanh nuôi bảo vệ rừng.
 

Ngoài ra, Bộ NN-PTNT cần bổ sung quy định sử dụng thiết bị bay không người lái trong công tác quản lý bảo vệ rừng. “Có phương tiện bay không người lái trên bầu trời sẽ dễ dàng phát hiện được lâm tặc phá rừng”, ông Cường chia sẻ.
 

Cũng theo ông Cường, cần tăng cường hơn nữa biện pháp chế tài với các chủ rừng, chính quyền địa phương làm mất rừng.
 

Trong khi đó, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, hiện độ che phủ của rừng Tây Nguyên mới chỉ có 46% và đến năm 2030 sẽ ước đạt 49,2%. Vậy tại sao chúng ta không đặt mục tiêu dài hơi đến năm 2050 độ che phủ của rừng phải đạt 55%?
 

Cũng theo ông S, Tây Nguyên hiện có 253.000 ha diện tích quy hoạch lâm nghiệp nhưng đã bị người dân khai phá trồng cây nông nghiệp. Vấn đề này đã kéo dài hơn chục năm nay nếu không giải quyết các địa phương sẽ khó thực hiện độ che phủ rừng như kế hoạch đã đề ra.
 

Ngoài ra, Tây Nguyên đang thực hiện rất tốt vấn đề trồng rừng thay thế nhưng chỉ áp dụng cho rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Bộ NN-PTNT nên điều chỉnh cho phép các tỉnh được trồng rừng thay thế trên đất rừng sản xuất và đất lâm nghiệp.
 

Ở khía cạnh khác, ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, cho biết, để bảo vệ rừng hiệu quả, nên giao một số diện tích rừng giáp biên giới cho lực lượng biên phòng. Cần tăng cường hơn nữa lực lượng chức năng của địa phương với các nước giáp ranh nhằm nâng cao công tác quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả.
 

Bên cạnh đó, ông Tháp cũng cho rằng, cần có cơ chế chính sách đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trong ngành lâm nghiệp để người dân và cộng đồng thu nhập ổn định từ rừng. Trong đó, nghiên cứu hỗ trợ người dân tham gia khoanh nuôi tái sinh rừng với thu nhập tương đương với sản xuất lương thực (khoảng 5- 7 triệu đồng/ha).
 

Cũng theo ông Tháp, hiện nay các vụ vi phạm rừng chủ yếu xử phát hành chính, cần có chế tài mạnh hơn nữa để đủ sức răn đe.
 

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đồng tình với những kiến nghị của các tỉnh Tây Nguyên vì đã đưa những giải pháp sát với thực tế. Bộ NN-PTNT sẽ tiếp thu, tổng hợp để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo.
 

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết thêm, việc di dân tự do là vấn đề rất lớn không chỉ liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng mà còn ảnh hưởng đến đời sống xã hội, an ninh quốc phòng. Hiện các tỉnh Tây Nguyên có 40.416 hộ dân di cư tự do, đã giải quyết công ăn việc làm và ổn định cuộc sống hơn 22.000 hộ. Mục tiêu chậm nhất đến năm 2025 phải giải quyết xong cho những hộ còn lại.
 

Bộ trưởng cũng đồng tình với ý kiến của Bí thư Tỉnh ủy Đăk Lăk, cần xác định rõ trách nhiệm không chỉ chủ rừng mà cả ở các cấp chính quyền. Hiện tỉnh Đăk Nông đã thực hiện vấn đề này, hy vọng các tỉnh khác sớm thông qua chủ trương thực hiện.
 

Cũng theo Bộ trưởng, Tây Nguyên hiện có 55 công ty lâm nghiệp với diện tích rừng rất lớn. Vấn đề cần phải rà soát lại để làm sao đưa được nguồn tài nguyên này vào việc sản xuất kinh doanh hiệu quả, tránh gây lãng phí.
 

Về việc quy hoạch 3 loại rừng, Bộ trưởng thống nhất sớm hoàn chỉnh để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Xây dựng giá trị rừng để làm cơ sở xử lý chủ rừng khi để xảy ra phá rừng, mất rừng.

Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn