Bắc Giang: Hội viên, nông dân tích cực bảo vệ môi trường nông thôn
14:00 - 28/09/2020
(MTNT) – Những năm qua, để công tác bảo vệ môi trường nông thôn đạt hiệu quả, Hội ND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp Hội ND cơ sở phối hợp cùng ngành chức năng trên địa bàn triển khai thực hiện nhiều hoạt động thiết thực để bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hội viên, nông dân được nâng cao về nhận thức, phát huy tốt vai trò làm chủ thể trong quá trình sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới

 
Theo đó, ngay từ đầu năm, Hội ND tỉnh chủ động phối hợp với Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh xây dựng các kế hoạch và triển khai thực hiện nhiều chương trình hành động cụ thể trong công tác bảo vệ môi trường, quản lý, sử dụng đất đai. Đồng thời, tỉnh Hội tập trung chỉ đạo Hội ND các huyện, thành phố phối hợp với phòng Tài nguyên & Môi trường cùng cấp xây dựng kế hoạch chi tiết và triển khai việc thực hiện tại các địa phương.
 

Để công tác phối hợp mang lại hiệu quả, các cấp Hội còn chủ động phân công cán bộ phụ trách theo địa bàn nhằm bám sát với cơ sở; nhất là tại những nơi có diễn ra điểm nóng về tình trạng ô nhiễm môi trường. Đồng thời, tỉnh Hội cũng tổ chức cho các chi, tổ Hội triển khai tới từng gia đình hội viên, nông dân tham gia việc ký cam kết thực hiện 6 nội dung "Gia đình đảm bảo vệ sinh môi trường"; đưa tiêu chí bảo vệ môi trường vào làm chỉ tiêu để xếp loại thi đua bình xét cuối năm.

 
Bên cạnh đó, hàng năm, Hội ND tỉnh còn chủ động phối hợp với Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh thường xuyên tổ chức các hoạt động mít tinh, ra quân cổ động và làm vệ sinh môi trường. Đây được xem là một trong những hình thức tuyên truyền, vận động có hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương.

 
Tại các buổi mít tinh, cổ động, Hội ND tỉnh đều tổ chức phát động các phong trào bảo vệ tài nguyên môi trường tới mỗi hội viên, nông dân ở cơ sở. Định kỳ hàng năm đều có đánh giá thi đua, tổng kết để kịp thời khen thưởng, biểu dương các cá nhân và tổ chức Hội đã làm tốt cũng như tiếp tục phát động và nhân ra diện rộng những mô hình, cách làm hay.

 
Việc vận động, hướng dẫn đều được triển khai bằng những nội dung phong phú, phù hợp với điều kiện thực tiễn và mang lại hiệu quả thiết thực. Tiêu biểu như: Trồng, gìn giữ và chăm sóc cây xanh trên đường làng, ngõ xóm; không xả rác bừa bãi và thực hiện đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định; hạn chế và nói không với việc sử dụng túi ni-lon; tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt và chất thải trong sản xuất, chăn nuôi; phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh…

 
Đến nay, các cấp Hội trong toàn tỉnh đã phối hợp cùng ngành chức năng tổ chức 9.136 buổi tuyên truyền cho cán bộ, hội viên, nông dân tham dự.

 
Đồng thời, vào những dịp cao điểm ra quân hàng năm, các cấp Hội phối hợp với ngành chức năng tiến hành treo 1.467 băng- rôn khẩu hiệu tuyên truyền và 8.208 panô, áp phích vận động tại những địa điểm đông dân cư hoặc các trục đường chính. Qua đó, thu hút sự quan tâm của hội viên, nông dân.

 
Để công tác bảo vệ môi trường ngày càng đi vào nề nếp, dần trở thành nếp nghĩ, thói quen hàng ngày của người dân, Hội tổ chức phát động rộng rãi phong trào “Ngày chủ nhật xanh”. Theo đó, định kỳ vào ngày 14 hàng tháng, hội viên, nông dân tích cực ra quân, tham gia tổng vệ sinh đường làng, ngõ, xóm, thu gom rác thải trên đồng ruộng... Các cấp Hội còn vận động hội viên, nông dân tích cực thực hiện phong trào 3 sạch, gồm “Ăn sạch- ở sạch- sản xuất sạch”.

 
Hiện, toàn tỉnh có 2.429 km2 đường được triển khai, với trên 140.000 lượt hội viên, nông dân tham gia dọn dẹp, vệ sinh thường xuyên. Các cấp Hội còn vận động hội viên, nông dân tích cực thu gom trên 11.000 tấn rác thải, bao bì thuốc bảo vệ thực vật; nạo vét trên 4800 km2 kênh mương nội đồng; khơi thông 6.629 km2 cống rãnh; chăm sóc và trồng mới trên 40.000 cây xanh, cây ăn quả...

 
Đặc biệt, toàn tỉnh đã có gần 20 sáng kiến, giải pháp về bảo vệ môi trường của cán bộ, hội viên, nông dân xây dựng và đề xuất; nhiều sáng kiến đạt được một số giải thưởng môi trường. Điển hình như giải pháp “Vệ sinh môi trường, thu gom xử lý rác thải, vỏ thuốc BVTV, xây hầm khí biogas xử lý chất thải trong chăn nuôi” của chi Hội thôn Hốt Hồ, xã Hương Vĩ- huyện Yên Thế đã đạt giải thưởng môi trường của cấp tỉnh và T.Ư.

 
Cùng với đó, các cấp Hội thường xuyên đẩy mạnh việc khuyến khích hội viên, nông dân tích cực ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới để nâng cao hiệu quả sản xuất; tích cực chuyển đổi cơ cấu, giống cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ thích ứng với hiện tượng biến đổi khí hậu; giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp.

 
Ngoài ra, Hội tăng cường sự phối hợp với các ngành chức năng trên địa bàn tổ chức hàng trăm lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất an toàn theo quy trình VietGAP; kỹ thuật nuôi thuỷ sản theo hướng thâm canh bền vững; ứng dụng các chế phẩm sinh học, vi sinh vào trồng trọt, chăn nuôi để thay thế các loại thuốc hoá học độc hại, sử dụng phân bón theo quy trình khép kín…

 
Mặt khác, để góp phần làm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường trong hoạt động trồng trọt, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh đã xây dựng mô hình thí điểm sử dụng nguyên liệu phân bón Sumitri trên diện tích 20 ha, được triển khai tại 6 xã của huyện Lạng Giang và thành phố Bắc Giang. Các cấp Hội cũng đã tổ chức tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ chế phẩm để xử lý rơm, rạ sau thu hoạch cho 1.180 hội viên, nông dân; xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học Biowish nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi lợn tại thôn Khánh- xã Lương Phong- Huyện Hiệp Hòa…

 
Trên cơ sở đó, Hội ND tỉnh đã chỉ đạo mỗi cơ sở Hội lên kế hoạch, triển khai xây dựng mô hình điểm Hội ND tham gia bảo vệ môi trường nông thôn phù hợp với điều kiện thực tế ở từng địa phương. Với tinh thần chủ động, trách nhiệm, sáng tạo, nhiều đơn vị Hội ở cấp cơ sở trong tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực.

 
Toàn tỉnh hiện có 226/226 cơ sở Hội tham gia hưởng ứng; xây dựng được 275 mô hình Hội ND tham gia bảo vệ môi trường nông thôn. Nhiều mô hình nhờ lấy hiệu quả từ thực tiễn nên đã vận động được đông đảo bà con nông dân trên địa bàn làm theo như: “Tuyến đường nông dân tự quản sáng - xanh - sạch - đẹp”; “chi Hội ND thu gom rác thải”; chi Hội ND “đẹp nhà, sạch đường, sạch đồng ruộng”; mô hình “Một hố rác - một cây xanh”…

 
Thời gian qua, Hội ND xã Hương Vĩ- huyện Yên Thế đã tích cực đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động để giúp nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của hội viên, nông dân trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Hội ND xã còn đăng ký với cấp ủy, chính quyền địa phương để xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch “Nông dân chung tay xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường”. 

 
Hội ND xã đã phối hợp với Ban công tác mặt trận ở 11 thôn trong việc thành lập 11 Tổ nông dân tự quản và bảo vệ môi trường. Theo đó, mỗi Tổ có từ 15 - 20 thành viên tham gia; xây dựng quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên.

 
Bên cạnh việc thường xuyên tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân và nhân dân trên địa bàn tự giác thu gom, phân loại rác thải tại gia đình; định kỳ vào mỗi cuối tuần, các loại rác thải vô cơ, nhất là túi nilon đều được các Tổ thu gom lại và đưa tới lò đốt rác để tập trung tiêu hủy, đảm bảo giữ gìn vệ sinh môi trường. Hội ND xã còn đăng ký thực hiện quản lý vệ sinh tốt các đoạn đường tự quản; hàng tháng ra quân tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm, phát quang hành lang, khơi thông cống rãnh... Qua đó, giúp các tuyến đường giao thông nông thôn đảm bảo thông thoáng, sạch sẽ.

 
Trước tình trạng vỏ bao bì các loại chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng xong thường bị vứt bỏ bừa bãi trên đồng ruộng, Hội ND xã đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân và nhân dân ủng hộ tiền cùng nhiều ngày công lao động để xây dựng các bể xi măng để tiến hành tập trung thu gom loại rác thải độc hại. Toàn xã đã tuyên truyền, vận động ủng hộ và xây dựng 6 lò xử lý rác thải trị giá hơn 130 triệu đồng; 15 bể xi măng xử lý vỏ thuốc bảo vệ thực vật trị giá hàng chục triệu đồng.

 
Ngoài ra, Hội ND xã còn vận động các cán bộ, hội viên, nông dân tham gia hưởng ứng và ủng hộ kinh phí để làm mới được hơn 2 km2 rãnh thoát nước thải; xây dựng hơn 100 hầm biogas để xử lý nước thải và bảo vệ môi trường trong chăn nuôi; phối hợp với ngân hàng CSXH huyện triển khai việc giúp đỡ hội viên, nông dân vay nguồn vốn ưu đãi để xây dựng các công trình vệ sinh đảm bảo sạch sẽ, nâng cao chất lượng cuộc sống…

 
Đến nay, các cấp Hội trong huyện Lạng Giang đã phát động và thành lập được 284 mô hình hội viên, nông dân xây dựng và tự quản các tuyến đường xanh- sạch- đẹp ở 23/23 xã, thị trấn trên địa bàn.

 
Để thực hiện có hiệu quả, Hội ND huyện xây dựng kế hoạch, hướng dẫn cụ thể để các cấp Hội ở cơ sở căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương và lựa chọn mô hình cho phù hợp.

 
Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc giữ gìn vệ sinh môi trường trên loa truyền thanh, tại các buổi sinh hoạt chuyên đề của các chi, tổ Hội, các cấp Hội còn phát tờ rơi hoặc cán bộ Hội sẽ trực tiếp đến từng hộ gia đình để tuyên truyền, vận động. Nhiều phong trào có sức lan tỏa rộng và được hội viên, nông dân tích cực hưởng ứng.

 
Tiêu biểu như tại chi Hội ND thôn 4, xã Nghĩa Hưng, sau khi các cấp Hội triển khai việc thành lập 5 Tổ tự quản, các tổ trưởng chịu trách nhiệm đôn đốc hội viên, nông dân thường xuyên tiến hành việc thu gom rác ở khu dân cư và đem tập kết đến nơi quy định. Bên cạnh đó, vào ngày 14 hàng tháng đều tổ chức ra quân, tổng vệ sinh toàn bộ các tuyến đường nông thôn. Các hội viên, nông dân còn tự nguyện góp tiền để mua bóng điện và lắp đặt tại những đoạn đường tự quản.

 
Tại chi Hội ND thôn 5, hội viên, nông dân lại triển khai mô hình ruộng đồng không có vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Thông qua các lớp tập huấn, tuyên truyền do các cấp Hội tổ chức, hội viên, nông dân nâng cao nhận thức về tác hại của việc vứt bừa bãi vỏ bao bì độc hại làm ảnh hưởng sức khỏe cũng như gây ô nhiễm môi trường sống; từ đó, hội viên, nông dân tự nhắc nhở nhau đem bỏ rác vào đúng nơi quy định. Bằng cách làm này, bà con nông dân vừa thay đổi nhận thức, hình thành hành vi và thói quen tốt trong lao động, sản xuất, vừa gắn với công tác bảo vệ môi trường giúp mang lại hiệu quả thiết thực.

 
Hay tại chi Hội ND thôn Toàn Mỹ- thị trấn Vôi, các cấp Hội lại phát động phong trào mỗi gia đình đều có xô đựng rác để tự giác tiến hành việc thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt ngay tại nguồn. Tiêu biểu như các xã: Đào Mỹ, Hương Sơn, Tân Thanh... hiện nhiều gia đình còn tự làm lò xử lý rác thải mini, không còn tình trạng vứt rác bừa bãi ra đường.

 
Đối với việc xử lý môi trường trong chăn nuôi tại các nông hộ, các cấp Hội trong huyện đã chủ động phối hợp thường xuyên với các ngành chức năng để tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao các kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi theo quy trình an toàn cho hội viên, nông dân tham gia. Huyện có hơn 1.000 hộ gia đình chăn nuôi áp dụng biện pháp xây dựng hầm khí biogas, vừa giúp tiết kiệm chi phí chất đốt lại vừa làm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường.

 
Thời gian tới, để phát huy vai trò của giai cấp nông dân làm chủ thể trong quá trình sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; vận động mỗi hộ sản xuất kinh doanh giỏi làm nòng cốt, đi đầu trong hoạt động sản xuất nông nghiệp bảo đảm an toàn chất lượng. Đồng thời, hướng dẫn hội viên, nông dân hạn chế dần việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích gây ô nhiễm môi trường; chủ động liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm an toàn giúp gia tăng giá trị sản xuất và thu nhập cho người nông dân.


 

Quý Lộc
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn