Nông dân tích cực chuyển đổi sản xuất để thích ứng với biến đổi khí hậu
14:00 - 21/07/2020
(MTNT) – Trước diễn biến phức tạp của tình trạng biến đổi khí hậu, các địa phương đã có nhiều giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp tương ứng với sự thay đổi của thời tiết nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất gắn với bảo vệ môi trường.
|
Từ việc bà con nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã giúp cải thiện môi trường canh tác, tiết kiệm và bảo vệ tài nguyên nước |
Tại tỉnh Ninh Thuận, những năm qua, hiện tượng thời tiết thường xuyên diễn ra với những yếu tố hết sức cực đoan, khô hạn gây khó khăn trong sản xuất cũng như làm sụt giảm năng suất cây trồng và thu nhập của người nông dân. Để giải quyết và tháo gỡ dần những vướng mắc này, chính quyền và các ngành chức năng trong tỉnh đã và đang khuyến khích bà con nông dân tại các địa phương tích cực thực hiện việc chuyển đổi và tập trung đầu tư phát triển những loại cây trồng có khả năng chịu hạn giúp nâng cao hiệu quả kinh tế.
Theo đó, vụ đông xuân 2018 - 2019, toàn tỉnh đã tiến hành chuyển đổi trên 582 ha; tiếp theo tới các vụ hè thu và vụ mùa năm 2019, tiếp tục chuyển đổi xong trên 970 ha diện tích đất trồng lúa năng suất kém, đất thường xuyên thiếu nước tưới. Hiện, bà con nông dân trên địa bàn các huyện gồm: Bác Ái, Thuận Bắc, Ninh Hải, Ninh Phước, Thuận Nam đã chủ động chuyển đổi sang trồng các loại cây ngắn ngày có lợi thế và giá trị kinh tế (ngô; kiệu; dưa; rau đậu…) hoặc các loại cây trồng dài ngày (nho; táo; măng tây xanh; bưởi; dừa...) cho thấy bước đầu đạt được nhiều kết quả thiết thực và khả quan.
Qua khảo sát thực tế, chính nhờ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang những loại cây tiêu tốn ít nước, dễ thích ứng và phát triển tốt trong điều kiện hạn hán đã giúp người sản xuất tiết kiệm đáng kể lượng nước tưới từ 25 - 30%; góp phần hạn chế dần việc khai thác bừa bãi nguồn nước ngầm đang dần cạn kiệt.
Bên cạnh đó, để chủ động trong công tác ứng phó với mùa hạn kéo dài, năm 2019, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp & PTNT phối hợp cùng các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến của thời tiết; thường xuyên tổ chức kiểm tra tại các công trình hồ thủy lợi. Từ đó, có phương án kịp thời và chủ động triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng chống hạn, giúp bảo vệ sản xuất.
Theo đó, để đảm bảo sinh kế cho bà con trong mùa khô hạn, chính quyền huyện Thuận Bắc đã và đang tăng cường vận động, hỗ trợ vật tư nông nghiệp; trực tiếp xuống tận đồng ruộng tổ chức tập huấn, hướng dẫn bà con nông dân sản xuất theo phương thức mới. Đến nay, toàn huyện đã thực hiện chuyển đổi xong gần 166 ha diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây màu như: Đậu, măng tây xanh… với nhiều tín hiệu khả quan.
Tỉnh Quảng Trị, do địa hình gặp nhiều khó khăn, lại cộng thêm những yếu tố bất lợi của tình trạng BĐKH nên thời gian qua, cứ vào mùa nắng nóng thì hầu hết các địa phương trong tỉnh luôn phải đối diện với tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn. Để đối phó với thực trạng này, ngành nông nghiệp tỉnh đã tập trung hướng dẫn bà con nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, bước đầu mang lại những tín hiệu khả quan.
Để ứng phó với tình trạng hạn mặn đang ngày càng phức tạp, hiện các cấp chính quyền trong tỉnh Sóc Trăng cũng đã triển khai nghiên cứu những công nghệ tưới tiêu khoa học nhằm tiết kiệm nước, nâng cao năng suất cây trồng.
Cụ thể, tại nhiều địa phương như: Thị xã Vĩnh Châu, huyện Mỹ Xuyên hiện đã triển khai thực hiện việc lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt trên những diện tích trồng rau màu. Bên cạnh đó, nhiều dự án triển khai tại địa phương đã khuyến khích bà con nông dân phát triển và chọn tạo những giống cây trồng có khả năng chống chịu với các điều kiện bất lợi của thời tiết như: Dưa chuột, dưa hấu… để gia tăng giá trị sản xuất và lợi nhuận.
Nhiều địa phương trong tỉnh Tiền Giang cũng thực hiện chuyển đổi mạnh về cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa. Hiện với tổng diện tích được chuyển đổi vào khoảng hơn 12.900 ha; trong đó, đã có 9.850 ha cải tạo xong để chuyển sang trồng cây ăn quả.
Thực tế cho thấy, các giống quả ngon như: Thanh long, bưởi da xanh, sầu riêng… đều là những sản phẩm lợi thế đặc trưng của vùng, đang cho lợi nhuận cao gấp 10 lần trồng lúa. Thậm chí, ước tính lợi nhuận từ cây sầu riêng mang lại còn có thể lên đến 1 tỷ đồng/ha/năm, cao gấp 18 lần so với trồng lúa. Mặt khác, từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn giúp cải thiện môi trường canh tác; đó là do khi bà con nông dân biết áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất sẽ giúp tiết kiệm nước hơn so với trồng lúa, đồng thời hạn chế những thiệt hại do thiên tai gây ra.
Có thể thấy, việc khuyến khích bà con nông dân mạnh dạn chuyển đổi những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây màu, cây ăn quả đã và đang khẳng định được giá trị, năng suất và hiệu quả kinh tế. Nhờ đó, các mô hình không chỉ giúp bà con nông dân giải quyết được áp lực lượng nước tưới tiêu trong mùa hạn, mặn mà còn góp phần tạo thêm được nhiều công ăn việc làm cho lao động tại chỗ; tăng thêm thu nhập cho người dân nông thôn trong những tháng nông nhàn. Việc chuyển đổi sang nền nông nghiệp thông minh cũng chính là giải pháp tất yếu, không chỉ giúp giải quyết bài toán về môi trường, thích ứng BĐKH mà còn mở ra hướng đi cho một nền kinh tế xanh, bền vững.
http://baodantoc.vn/ninh-thuan-da-dang-hoa-cay-trong-thich-ung-voi-bien-doi-khi-hau-35365.htm
http://baodantoc.vn/quang-tri-chuyen-doi-cay-trong-chong-han-41054.htm
Nguyễn Tùng