Trong hạn, mặn khốc liệt năm nay, nhiều nông dân vùng ĐBSCL đã nhìn nhận được thực tế, thay đổi tư duy sản xuất, từng bước thích ứng với loại hình thiên tai này.
|
Tại vùng trồng cây ăn trái ở Tiền Giang, Bến Tre nông dân sử dụng túi nhựa để chứa nước phục vụ tưới cây trong mùa hạn mặn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ. |
Ở những khu vực thường xuyên thiếu nước sản xuất vào mùa khô, người dân đã chủ động trữ nước bằng các túi nhựa, đào ao hay chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, từng bước thích nghi với hạn, mặn.
Đây là những biện pháp nông dân miền Tây đang áp dụng không chỉ giảm nước tưới, nhằm giúp cây phát triển vượt qua mùa hạn mặn năm nay.
Những cách trữ nước mùa hạn mặn ở miền Tây
Ông Trương Văn Trinh, Phó chủ tịch UBND xã Hiệp Phước, cho biết: Nhiều tháng qua, trên địa bàn xã không có một giọt mưa, cộng với tình trạng nước mặn xâm nhập nên người dân gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt và sản xuất.
Toàn xã có hơn 610ha trồng sầu riêng đang cho thu hoạch trái, trong mùa khô hạn này đã có hơn 36ha sầu riêng bị chết do thiếu nước.
Chính vì vậy huyện hỗ trợ kinh phí cho xã để thuê sà lang chở nước ngọt từ sông Hậu thuộc địa phận Đồng Tháp mang về cung cấp cho dân để trước mắt cứu cây đặc sản là sầu riêng trên địa bàn.
Ông Lê Văn Tương ở ấp Hiệp Nhơn, xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy – Tiền Giang cho biết: Năm nay tôi gần 62 tuổi, chưa khi nào gặp cảnh tình trạng nắng nóng và xuất hiện mặn trên các con sông rạch kéo dài như hiện nay đã gần 2 tháng, cuộc sống rất vất vả vì thiếu nước ngọt sử dụng. Nhà trồng 5 công sầu riêng, thời điểm này cây đang héo úa, vàng lá khá nặng.
Tính đến thời điểm này có hơn 30% cây trồng vườn đã bị suy cây và chết. Số cây còn lại buộc phải hái trái trên cây bỏ hết để cứu cây sống cho qua thời điểm khắc nhiệt này.
Ông Tương, tâm sự: không còn cách nào hơn, hai tuần trước tôi mua chiếc túi nhựa này giá 2,4 triệu đồng, chứa được 15m3 nước, đủ dùng hơn 10 ngày cho vườn nhà và bên cạnh đó còn phục vụ nước sinh hoạt cho gia đình.
Túi nhựa có hai van, một dùng để cấp nước vào, một để xả nước ra, sau khi sử dụng có thể xếp gọn để dành sử dụng cho những mùa sau. Hàng ngày tôi kéo dây dẫn được đấu nối với chiếc túi nhựa dài 10m, rộng 2,5m chứa đầy nước đặt ở góc vườn, mở vòi tưới vườn sầu riêng.
Theo ông Tương, đợt hạn mặn năm nay đến sớm bất thường, nhiều nông dân không kịp bơm nước vào ao dự trữ.
Nhiều người phải đào ao trong vườn, sau đó trải bạt phía dưới, mua nước ngọt do các sà lan hút từ các con sông chưa bị nhiễm mặn với giá từ 80.000-120.000 đồng/m3 (tùy đường xa gần) đổ vào dự trữ. Tuy nhiên, do đang nắng nóng, nước dễ bốc hơi, không giữ được lâu.
Những ngày qua, trên những cánh đồng khô khốc trồng rau màu ở xã An Lạc Thôn, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) xuất hiện máng nước ngọt dã chiến nằm giữa ruộng nhằm phục vụ nước tưới cho hoa màu.
Anh Trương Văn Yên, nông dân xã An Lạc Thôn cho biết: Nào giờ vùng này ít hạn mặn xâm nhập sâu và lâu như năm nay. Hơn 1 tháng nay nước ngọt trong ao mương không còn nữa, lòng ao khô trơ đáy.
Hơn 3 công dưa hấu trồng được 20 ngày tuổi không còn nước tưới, chính vì vậy anh đã nghĩ ra máng nước dã chiến này được đào sâu 0,5m, bề mặt gần một mét, dài 60m, trải nylon chạy dài giữa ruộng dưa hấu.
Nước ngọt được lấy từ giếng khoan của gia đình cách ruộng khoảng 40m được anh bơm lên dẫn vào ống nhựa đưa vào đây dự trữ.
Tổng chi phí ông Yên bỏ ra khoảng 3 triệu đồng, nếu bơm đầy máng có thể đạt tới 20m3, đủ tưới trong 2-3 ngày. Dưa sẽ cho thu hoạch sau 45-50 ngày xuống giống, năng suất khoảng 5 tấn mỗi công.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng mới
Năm nay do thời tiết bất lợi nhiều nông dân ở vùng Bảy Núi (An Giang) đã mạnh dạng chuyển đổi đất lúa sang trồng các loại hoa màu khác và cây ăn trái nhằm giảm lượng nước tưới mà đem lại hiệu quả kinh tế không thua gì lúa. Trồng các loại rau màu chịu hạn tốt như: đậu xanh, khoai mì, bắp, đậu phộng, đậu bắp, đậu rồng…
Các loại cây này có ưu điểm là dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, ít sâu bệnh, nhu cầu sử dụng nước tưới ít. Đặc biệt là chịu hạn tốt nên mỗi ngày chỉ cần tưới nước 1 lần là đủ, chi phí đầu tư thấp.
Ông Chau Dol, ở xã An Hảo, huyện Tịnh Biên – An Giang cho biết, do diện tích đất nằm ở gò cao, nguồn nước khó khăn nên ngay sau khi thu hoạch xong vụ lúa ruộng trên (ruộng nằm truyền núi), ông tiếp tục gieo trồng 2 công đậu xanh và 3 công đậu phộng.
So với các loại rau màu khác, đậu xanh, đậu phộng là 2 loại cây trồng cần ít nước tưới, nhẹ công chăm sóc, phù hợp với đất, khí hậu và tập quán canh tác của người dân nơi đây. Đậu xanh, đậu phộng rất dễ trồng, mặc dù thời tiết nắng nóng, khô hạn nhưng đậu xanh có thể phát triển, chỉ hơn 2 -2,5 tháng là thu hoạch.
Bên cạnh đó, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Tri Tôn còn tận dụng địa hình đồi núi để phát triển mô hình trồng cây dược liệu, trong đó có cây đinh lăng. Mô hình đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho các hộ nông dân.
Gia đình ông Lê Văn Hai, xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn có 4 công đất vườn tạp trồng xen canh với 4.000 gốc đinh lăng. Theo ông Hai, đinh lăng từ khi trồng đến khi thu hoạch lá và thân khoảng 2 - 3 năm. Hiện, đinh lăng được thu mua với giá 30.000 đồng/kg lá khô.
Riêng phần củ và rễ từ 3 năm trở lên có giá 400.000 đồng/kg. Tổng thu nhập từ dược liệu của gia đình ông mỗi năm đạt trên 100 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn tận dụng đất trống làm vườn ươm giống cây đinh lăng bán cho các hộ dân có nhu cầu, thu nhập 2-3 triệu đồng/tháng.
Ông Nguyễn Tấn Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Ô Lâm cho biết: xã Ô Lâm có đông đồng bào Khmer sinh sống nhất tỉnh, tỷ lệ bà con Khmer sinh sống chiếm 98% trong xã. Xã có gần 2.500 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó chia 3 loại đất như: ruộng bưng, ruộng giữa bưng và ruộng cao.
Ruộng bưng là ruộng nằm dưới đồng bằng có thể sản xuất lúa 3 vụ/năm, ruộng giữa bưng sản xuất năm 2 vụ, còn ruộng trên chỉ sản xuất 1 vụ/năm phụ thuộc vào nước mưa.
Tuy nhiên, năm nay đã chủ động đặt trạm bơm ở các ấp để phục vụ cho ruộng bưng, ruộng giữa bưng khoảng trên 1.000ha đất trồng lúa và hoa màu được xã vận động nông dân chuyển sang cây trồng khác để không bị thiệt hại do khô hạn.
Ông Trần Văn Cường, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tri Tôn, cho biết: Năm nay nắng hạn đến sớm và sẽ kéo dài nên huyện đang khẩn trương lắp 4 trạm bơm phục vụ cho hàng ngàn ha đất nông nghiệp để nông dân xuống giống vụ Hè Thu và hoa màu.
Đến nay 4 trạm bơm này vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu diện tích của nông dân, vì nắng nóng kéo dài, lượng nước bơm bị thất thoát nhiều dẫn đến thiếu nước về các vùng gò cao đặc biệt là xã Lương Phi, Ô Lâm, An Tức, Lê Trì.
Để ứng phó với tình hình hạn, mặn ở ĐBSCL, PGS.TS Lê Anh Tuấn- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ) cho biết: Để sản xuất nông nghiệp hiệu quả trong điều kiện biến đổi khí hậu, trước mắt cần tìm các giống cây trồng, vật nuôi có khả năng chịu đựng với hạn, mặn. Nhất là cần rà soát lại các quy hoạch phát triển xem có thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng để điều chỉnh cho phù hợp.
Hạn, mặn ở ĐBSCL xảy ra nhiều năm nay cho thấy cần phải tăng cường kết hợp ít nhất 3 mô hình bổ trợ lẫn nhau trong khâu quy hoạch thích ứng và các chiến lược khác về nông nghiệp thông minh với khí hậu.
ĐBSCL cần áp dụng quản lý thích ứng, nâng cao năng lực học tập, đổi mới sáng tạo trong các cơ quan nhà nước và khu vực tư nhân, ưu tiên chiến lược thích ứng.