Ở Đưng K’Nớ, người K’ho quyết giữ rừng bằng mọi giá. Bởi, rừng chính là nguồn sống, sự ấm no và là thể diện của cả gia đình, dòng họ.
Chính vì lẽ đó, những cánh rừng nơi đây quanh năm xanh tốt, độ che phủ cao nhất cả huyện.
|
Rừng Đưng K’Nớ (Lạc Dương, Lâm Đồng) được bảo vệ tốt nên độ che phủ đạt 90%. |
8h sáng, sương dần tan trên vùng cao Đưng K’Nớ và những ngọn núi sừng sững, chót vót dần hiển hiện. Trong bạt ngàn màu xanh của rừng, những con người, những căn nhà bên cung đường Trường Sơn Đông cũng dần lộ dáng. Tất cả đều bình yên, chìm lắng trong một buổi sáng mát lạnh.
Ở chân núi, cán bộ của Trạm Quản lý bảo vệ rừng Đưng K’Nớ đã pha sẵn bình trà nóng, mở rộng cửa trạm để bà con dân làng có thể ghé vào trò chuyện, bắt đầu một ngày làm việc. Một cán bộ chia sẻ rằng, bà con ở buôn làng rất vui, trọng tình, trọng nghĩa nên những người làm công tác nhà nước cũng vui mừng, kết giao.
“Cũng nhờ bà con mà những cánh rừng luôn được giữ gìn, xanh tốt”, ông Hoàng Văn Bang, Phó trưởng Trạm QLBV rừng Đưng K’Nớ chia sẻ.
Rừng xanh tươi, người no đủ
Đưng K’Nớ là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Lạc Dương, Lâm Đồng với 95% là người dân tộc thiểu số K’ho. Hơn chục năm trước, cuộc sống khó khăn nên người dân đã vào rừng săn bắn, hái lượm thậm chí chặt phá rừng, lấn chiếm đất để sản xuất. Trong quá khứ, có người bị lực lượng chức năng khởi tố về hành vi phá rừng.
Thế nhưng bây giờ đã khác xưa. Bà con đã ý thức được tầm quan trọng của rừng trong hệ sinh thái nên không phá hoại. “Hơn nữa, bảo vệ rừng giúp họ có thêm nguồn thu nhập để cải thiện đời sống nên ai cũng chung sức, đồng lòng”, một cán bộ tâm sự.
12h trưa, khi mặt trời chiếu ánh nắng thẳng đứng xuống mặt đất cũng là lúc nhóm tuần tra bảo vệ rừng dừng chân nghỉ ngơi. Dưới tán thông mát rượi, anh Hà Đức Duy (29 tuổi, dân tộc Tày) không chịu ngồi im mà đến bên gốc thông gần 50 tuổi dùng tay vỗ bôm bốp vào thân cây sần sùi rồi sải cánh tay ôm thử.
|
Nhờ ý thức bảo vệ của người dân nên rừng Đưng K’Nớ luôn xanh tươi. |
“Cây này đường kính có khi phải cả mét, phải 2 - 3 người ôm mới hết đấy. Tốt thật! Khu này có đến cả mấy trăm cây như vậy. Trên đỉnh thì số cây to nhiều không kể hết”, anh Duy nhìn về nhóm cán bộ quản lý rừng đang ngồi nghỉ và nói với vẻ đắc ý.
Duy sinh ra ở một tỉnh tận miền Tây Bắc. Cuộc sống xô đẩy nên từ ngày còn bé, anh đã cùng gia đình vào Đưng K’Nớ sinh sống. Những ngày đầu, vì khó khăn, đói khổ nên anh sớm theo cha vào rừng hái măng, săn bắt chim, thú. Mãi về sau, khi có một khoảng nương để trồng cà phê và được cán bộ giao rừng để bảo vệ thì cuộc sống gia đình mới bắt đầu vượt qua vòng xoáy luẩn quẩn.
Anh thổ lộ: “Giờ cán bộ khoán thêm rừng tôi vẫn nhận. Nhận để được tiền, được gạo. Nhờ rừng mà 4 người trong gia đình không đói. Khu vực mình đang quản lý rộng đến 28ha nhưng mấy năm rồi, không một cây nào bị chặt hạ”.
Không riêng gì gia đình anh Duy, hàng trăm hộ dân khác trong vùng cũng nhận rừng và làm tốt công tác quản lý. Ngoài công việc nương rẫy, người Đưng K’Nớ cũng tự sắp xếp thời gian để cùng cán bộ đi tuần tra. Họ quan niệm, rừng là nguồn sống và đó cũng là sự thể diện của gia đình, dòng họ. Nếu một người không làm tốt việc quản lý, có hành vi lấn chiếm, phá cây sẽ bị cả cộng đồng “lên án” hoặc bị Ban quản lý rừng cắt ngay hợp đồng.
Đồng lòng ngăn kẻ xâm lăng
Những bước chân của tổ tuần tra cứ thoăn thoắt dưới những tán cây rậm rạp. Có lúc leo lên dốc cao, lúc lại sải dài men con suối. Một cán bộ vừa bước vừa chia sẻ rằng, có những ngày cả nhóm mang theo cơm, nước uống rồi đi từ cánh rừng này sang quả đồi kia, có hôm ra được bìa rừng thì trời đã tối mù mịt.
Anh thổ lộ: “Mình cũng như con thú, cứ len lỏi khắp nơi trong rừng. Nếu tìm thấy dấu vết lạ là phải lần mò cho ra nhẽ. Có lần, nhờ đi theo dấu vết mà tìm ra một nhóm người di cư bất hợp pháp đang dựng lán trại, có ý định lấn chiếm rừng”.
|
Ở những nơi có cây bị đổ ngã do sạt lở đất, lốc… cán bộ quản lý rừng và người dân tổ chức trồng thay thế ngay. |
Ông Bon Niêng Ha Kai, Tổ trưởng Tổ nhận khoán 2 là một trong những người được cán bộ, người dân tin sủng. Theo ông, việc giữ rừng là thiêng liêng, không phải đứng từ xa thấy rừng xanh mà chủ quan, không đến kiểm tra. Ở Đưng K’Nớ, người nào được giao rừng là người đó phải giữ bằng mọi giá và phải luôn đề cao tính cảnh giác.
Ông thổ lộ: “Chỗ sâu, chỗ hiểm thì người thường không đến nhưng với lâm tặc, với kẻ xâm chiếm thì đó lại là miếng ngon. Vậy nên phải canh giữ chặt”.
Theo cán bộ Trạm QLBV rừng Đưng K’Nớ, hiện nay, người dân địa phương rất thận trọng với người lạ. Chỉ cần ai đó lạ mặt đến làng, vào rừng là đều bị theo dõi sát sao. Và cũng nhờ tính cảnh giác của người dân mà Trạm đã ngăn chặn nhiều nhóm người có hành vi xâm chiếm rừng.
Trạm QLBV rừng Đưng K’Nớ có 8 cán bộ làm việc và được giao quản lý trên 10 nghìn ha rừng thông và gỗ tạp. Trong số này, có gần 9 nghìn ha ở 10 tiểu khu được giao khoán cho 321 hộ dân. Bình quân, mỗi hộ nhận quản lý, bảo vệ gần 28ha với giá 500.000 đồng/ha/năm. Trong số diện tích giao khoán, có 1 nghìn ha đất rừng sản xuất còn lại trên 8 nghìn ha là rừng phòng hộ xung yếu. Hiện độ che phủ rừng ở Đưng K’Nớ là khoảng 90%, đây là tỷ lệ che phủ cao nhất huyện Lạc Dương.
Theo ông Hoàng Văn Tiềm, Trạm trưởng Trạm QLBV rừng Đưng K’Nớ, năm 2016, trên diện tích nhận giao khoán của người dân xảy ra 10 vụ vi phạm. Đến năm 2017 giảm xuống còn 5 vụ và đặc biệt, từ năm 2018 và đến nay không xảy ra vụ vi phạm nào. Không những thế, những nơi giao khoán có cây ngã đổ thì người dân tự trồng cây mới thay thế ngay. |