Sau 10 năm thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới (NTM), nông thôn huyện Trực Ninh (Nam Định) đổi mới toàn diện.
Không còn nhà tạm, dột nát; đời sống người dân được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh.
|
Nhờ NTM mà đời sống người dân được nâng lên. |
Ông Lưu Văn Dương, Chủ tịch UBND huyện Trực Ninh cho biết, là huyện trọng điểm về nông nghiệp của tỉnh nên Trực Ninh đã sớm hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp (SXNN) tập trung, tổ chức các mô hình liên kết chuỗi giá trị từ SX đến tiêu thụ nông sản.
Trong những năm gần đây, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ phát triển mạnh, đã thu hút nhiều lao động nông thôn tham gia, góp phần chuyển dịch đáng kể cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của huyện, đồng thời tăng thu nhập và cải thiện đời sống nhân dân.
Theo đó, tốc độ tăng trưởng giá trị SXNN giai đoạn 2010 - 2018 đạt 2,34%/năm. Sản lượng lương thực bình quân đạt 98.000 tấn/năm. Giá trị sản phẩm bình quân trên 1ha canh tác tăng từ 74,42 triệu đồng (năm 2010) lên tới 109,71 triệu đồng (năm 2018).
Chăn nuôi phát triển theo hướng chăn nuôi trang trại tập trung quy mô vừa và nhỏ, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát triển. Giá trị SX công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp tăng trưởng giai đoạn 2010 - 2018 là 12,3%/năm. Tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm năm 2018 đạt 93%, tăng 18% so với năm 2010.
Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 42,5 triệu đồng/người/năm (gấp 3,48 lần so với năm 2010). Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều năm 2019 là 2,29%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo không bao gồm các đối tượng hưởng bảo trợ xã hội là 0,97%.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Trực Ninh không còn nhà tạm, dột nát; tỷ lệ hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn theo quy định đạt 97,4%. Đến nay, có 98,83% số hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh; 70% hộ dân sử dụng nước sạch theo quy định.
Nhiều tuyến đường, công trình thủy lợi, trường học, Trạm y tế…, trên địa bàn các thôn, xóm, xã được tu sửa, nâng cấp, xây mới.
“Sau 10 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt, kinh tế nông thôn phát triển khá. Phần lớn hạ tầng kinh tế xã hội được sửa chữa, cải tạo, nâng cấp và xây mới khá đồng bộ theo quy hoạch.
SXNN từng bước chuyển sang SX hàng hóa theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững…”, ông Dương bộc bạch.
|
Nhiều tuyến đường liên xã được đầu tư cải tạo, nâng cấp mới. |
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo ông Dương, Trực Ninh vẫn còn gặp một số tồn tại, hạn chế như phong trào chung sức xây dựng NTM ở một số địa phương, đơn vị tổ chức thực hiện chưa sâu rộng.
SXNN phát triển chưa bền vững, tỷ trọng nông sản hàng hóa hiệu quả SX chưa cao. Việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức SX trong nông nghiệp còn chậm, chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển SXNN, mô hình liên kết SX theo chuỗi giá trị còn ít…
Trực Ninh phấn đấu đến năm 2020, mỗi xã, thị trấn ngoài việc nâng cao chất lượng toàn diện các tiêu chí xã NTM, phải xây dựng được ít nhất 1 mô hình NTM kiểu mẫu tiêu biểu tại địa phương để tiến tới xây dựng xã NTM kiểu mẫu.
Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo (trừ đối tượng bảo trợ xã hội) còn 0,5%. Tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 95%. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch: 95%. Và, thu nhập bình quân đầu người đạt 55 triệu đồng/người/năm.