Đang sống khỏe từ 4 ha cây cà phê nhưng vì “giặc” sương muối, lão nông Hoàng Văn Chất, bản Củ 2 (xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích sang trồng cây cam lòng vàng. Sau 5 năm làm bạn với cây cam, không những giúp phủ xanh đất trống đồi trọc mà mỗi năm, 4 ha cam còn “đẻ” cho ông Chất cả tỷ bạc.
|
Theo ông Chất, để thành công trong trồng cam, đòi hỏi người trồng phải tâm huyết và thương xuyên cập nhật những bí quyết trồng cam trên các phương tiện truyền thông |
Đến xã Chiềng Ban hỏi bà con về hộ nông dân làm kinh tế giỏi, mọi người đều chỉ đường hướng đến nhà ông Chất. Tìm đến vườn cam rộng 4ha ở bản Củ 2, ông Chất đang tíu tít chuyền trò với hàng chục khách hàng đến tham quan. Nhìn vườn cam rộng ngút tầm mắt của ông Chất, cây nào cây nấy cho quả sai trĩu cành, khách đến tham quan ai cũng trầm trồ, thán phục.
Với tính hiếu khách của người dân tộc Thái ở vùng Tây Bắc, sau khi được ông Lò Văn Sâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Chiềng Ban giới thiệu có phóng viên đến tham vườn, ông Chất tay bắt mặt mừng như người thân xa lâu ngày mới gặp.
Dẫn chúng tôi tham quan một vòng quanh khu vườn, ông Chất kể: Trước kia, toàn bộ khu vườn này được gia đình tôi trồng cây cà phê. Thời điểm đó, giá cà phê cao nên nhà nào trồng càng nhiều, đời sống càng sung túc. Đầu những năm 90, từ trồng cà phê, tôi cũng xây được ngôi nhà cấp 4 khang trang đẹp nhất bản.
Đang sống tốt với cây cà phê thì đột nhiên xuất hiện hiện tượng sương muối làm chết hàng loạt vườn cà phê ở bản Củ 2 và vườn của ông Chất cũng không ngoại lệ. Theo ông Chất, như thường lệ, cứ 3 - 4 năm sương muối lại xuất hiện một lần. Bởi vậy, bà con gọi hiện tượng sương muối là “giặc”.
Không nản chí, sau hiện tượng sương muối, ông Chất lại cặm cụi trồng lại diện tích cà phê đã chết. Nhưng “đến hẹn lại lên”, sau 3 năm cần mẫn chăm sóc, diện tích cà phê trồng mới chuẩn bị cho thu hoạch thì lại chết dần, chết mòn vì sương muối. 3 lần vườn cà phê của mình bị sương muối “hỏi thăm”, ông Chất đành ngậm ngùi từ bỏ cây cà phê và tìm cây trồng khác thay thế.
Ông Chất nhận thấy, ở dọc triền núi sau nhà có giống cam địa phương chống chọi rất tốt với hiện tượng sương muối, nhưng sản lượng quả thấp và chất lượng không ngon. Để tìm được giống cam cho hiệu quả kinh tế cao, ông Chất “khăn gói” đến những vùng trồng cam có tiếng như: Yên Bái, Hòa Bình, Bắc Giang, Nghệ An để học hỏi kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cam.
“Sau khi về nhà, cảm thấy kiến thức trồng cam vẫn chưa đủ, tôi tiếp tục xuống Hà Nội "lùng" tìm mua và đọc sách hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng bệnh cho cây có múi. Tôi phải mất 4 ngày đi bộ ở thủ đô Hà Nội mới gom đủ các sách hướng dẫn kỹ thuật trồng cây có múi...” – ông Chất kể với giọng sang sảng.
Sau khi nắm được bí kíp trong lòng bàn tay, năm 2012, ông Chất xuống Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội, nay là Học viện Nông nghiệp mua 200 giống cam lòng vàng về trồng. Nhờ mua được giống tốt cộng với kỹ thuật, kinh nghiệm chăm cam học hỏi được từ trước nên giống cam lòng vàng được ông Chất trồng đến đâu phát triển xanh tốt tới đó.
Không phụ công chăm bón, đến năm 2015, vườn cam nhà ông Chất cho thu lứa quả đầu tiên, xuất bán được hơn 18 tấn quả. Với giá bán 30.000đ/kg, ông Chất thu hơn 500 triệu đồng. Có vốn trong tay, ông Chất tiếp tục mở rộng diện tích và mua thêm cây giống về trồng.
Chia sẻ bí quyết trồng cam, ông Chất tiết lộ: Quan trọng nhất là phải chọn được giống tốt, có nguồn gốc, xuất xứ. Trước khi trồng, đất phải được cài ải, đào hố rộng 80x80, cây cách cây 3m, hàng cách hàng 4m. Sau khi đào hố xong, bón phân lót rồi để từ 30 đến 45 ngày mới bắt đầu trồng.
Lý giải về việc đào hố, bón lót trước khi trồng từ 1 – 1,5 tháng, ông Chất cho hay: Làm như vậy, đất được phơi khô sẽ tạo điều kiện cho vi sinh vật có lợi hoạt động mạnh, làm cho đất tươi xốp; đồng thời hạn chế sự tồn tại các mầm mống sâu bệnh con lưu trú, tồn dư trong đất. Tiếp đó, dùng chế phầm sinh học ủ phân chuồng cho hoai mục trước khi đem bón cho cây.
Thì thầm bên tai chúng tôi, ông Chất phấn khởi bảo: Năm ngoái, nhà chú xuất bán được hơn 40 tấn quả, với giá trung bình 28.000 đ/kg, thu hơn 1 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, lãi 600 triệu đồng. Dự kiến, năm 2018, sản lượng toàn vườn thu trên 80 tấn.
Thấy một số hộ dân còn có thói quen dùng nhiều thuốc bảo vệ thực vật để kích thích, phun cho cây cam gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, tháng 4.2018, ông Chất đã mạnh dạn đứng lên thành lập hợp tác xã (HTX) Trường Tiến. Hiện tại, HTX đã được cấp chứng nhận VietGAP, với 12 thành viên và diện tích đất canh tác 12 ha, chủ yếu trồng cây cam với bưởi.
“Muốn tạo dựng được thương hiệu và phát triển bền vững, làm gì mình cũng phải có tâm. Việc thành lập HTX sẽ giúp các thành viên trao đổi kinh nghiệm, học hỏi được nhiều điều bổ ích trong sản xuất. Để cung cấp sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng, mỗi thành viên HTX đều có một quyển sổ theo dõi hoạt động hàng ngày như bón phân, làm cỏ. Chúng tôi cũng đã thành lập tổ giám sát của HTX, để vận động, giám sát các thành viên sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP, nói không với thuốc diệt cỏ, trừ sâu, chỉ dùng thuốc sinh học” – ông Chất chia sẻ. |