Ngoài thanh long, Bình Thuận còn có nhãn, xoài... "đẻ" ra trăm triệu
08:00 - 17/10/2018
Thanh long Bình Thuận đã khẳng định được vị thế của mình không chỉ đối với người tiêu dùng trong nước mà còn cả thị trường quốc tế. Nhưng ngoài thanh long, Bình Thuận cũng còn rất nhiều đặc sản trái cây chất lượng khác mà người tiêu dùng chưa biết đến nhiều.

Trái ngọt vùng đất mặn

Bình Thuận được mệnh danh là thủ phủ của trái thanh long. Hiện nay, diện tích thanh long của toàn tỉnh là 27.757ha. Sản lượng thu hoạch đạt 540.252 tấn và năng suất trung bình đạt 21 tấn/ha. Trong 5 tháng đầu năm 2018, có 5 doanh nghiệp của tỉnh xuất khẩu chính ngạch 2.402 tấn thanh long, đạt kim ngạch 3,5 triệu USD, đơn giá xuất khẩu bình quân đạt 1.458 USD/tấn.
 

Những con số kể trên đã nói lên vị trí của trái thanh long Bình Thuận. Tuy nhiên, vẫn còn những loại trái cây khác với chất lượng cũng không hề thua kém so với những vựa chuyên canh trái cây nổi tiếng khác mà nhiều người chưa biết đến.
 

Đầu tiên có thể kể đến đó là đặc sản nhãn xuồng cơm vàng. Loại nhãn này với đặc tính cơm có màu vàng, dày cùi, giòn và được đánh giá là có vị ngọt, khá thơm. Hiện tại, nhãn hiệu “nhãn xuồng cơm vàng Thắng Hải – Hàm Tân” đã được Hội Nông dân (HND) xã Thắng Hải đăng ký xác nhận nhãn hiệu tập thể với Cục Sở hữu trí tuệ.

Nhãn xuồng cơm vàng Thắng Hải - Hàm Tân đã được đăng ký nhãn hiệu tập thể. Ảnh: IT


Ông Trần Xuân An, Chủ tịch HND xã Thắng Hải cho biết, tại địa phương ngoài diện tích trồng các loại cây ăn trái khác như xoài, mít thì có một diện tích khá lớn trồng nhãn xuồng cơm vàng. Trước đây có thời điểm diện tích lên tới cả ngàn ha, nhưng do chưa làm tốt khâu thị trường, sản phẩm không có đầu ra, nhiều hộ đã chặt bỏ. Hiện diện tích nhãn đang đến tuổi cho thu hoạch khoảng 270ha. Ngoài ra cũng còn nhiều hộ bắt đầu quay lại trồng nhãn do vừa qua HND xã đã đứng ra xây dựng và đăng ký nhãn hiệu tập thể cho bà con. "Trong tương lai, khi đã có thương hiệu, chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều người biết đến sản phẩm đặc sản của địa phương”, ông An nói.
 

Cũng tại xã Thắng Hải, ông Hà Thanh Chánh, người đã 3 lần là nông dân tiêu biểu toàn quốc, là chủ của vườn xoài gần 30ha cho biết, qua nhiều năm gắn bó với mảnh đất này, ông cho rằng đất đai và khí hậu ven biển tương đối thuận lợi để trồng cây ăn trái, năng suất xoài có khi đạt đến 20 tấn/ha, khi giá cả ổn định, mỗi năm cũng thu được khoảng 700 triệu đồng/ha.
 

Nhận định về chất lượng trái cây của địa phương, ông Chánh cho biết: “Tôi đã trồng thử rất nhiều giống xoài như: xoài cát, xoài Thái, xoài Đài Loan tất cả đều phát triển, cho trái tốt, chất lượng thơm ngon, mang hương vị rất đặc trưng của vùng, có lẽ do khí hậu đặc thù vùng ven biển khắc nghiệt nên trái cũng ngon hơn, khách hàng rất ưa thích”.
 

Vựa trái cây "Miền Tây ở Miền Đông"

Tuy chưa có sản phẩm nào được đăng ký “thương hiệu”, nhưng thị trấn Tân Minh, Hàm Tân cũng là một trong những “tiểu khu” cây ăn trái của Bình Thuận. Với vị trí thuận lợi là nguồn nước tưới từ hệ thống sông Dinh, khu vực này đã hình thành những vườn cây ăn trái với quy mô không hề nhỏ. Các loại cây ăn trái phổ biến ở đây là cam, quýt đường, nhãn, xoài, ổi.
 

Ông Nguyễn Văn Lượng, ấp Cây Cày, thị trấn Tân Minh, quê gốc Tiền Giang, đến đây lập vườn cây ăn trái đã gần 20 năm. Hiện ông đang sở hữu 1 vườn cây ăn trái hơn 7ha với các loại cây trồng chủ yếu là xoài cát, cam, nhãn với doanh thu cả tỷ đồng/năm.
 

Theo ông Lượng, qua tìm hiểu, ông biết đất đai khu vực này cũng rất thích hợp để trồng cây ăn trái như ở miền tây quê ông nên ông đã mạnh dạn đầu tư, thử các loại cây ăn trái khác nhau, ông đã trồng cam, quýt, xoài, ổi, đu đủ và gần đây nhất là các loại nhãn từ indo, nhãn Mỹ và Bơ…tất cả đều phát triển rất tốt, loại nào năng suất cũng cao.
 

“Trái cây trồng ở đây có vị rất đặc biệt, ví dụ như xoài, khi trồng giống xoài chua thì nó sẽ rất chua, ngược lại đối với giống ngọt thì lại rất ngọt mà thơm, không như xoài trồng ở những nơi khác cứ chua ngọt lẫn lộn”- ông Lượng so sánh.
 

Đánh giá về khả năng phát triển nghề trồng cây ăn trái tại địa phương, ông Đặng Xuân Hiền, Chủ tịch HND thị trấn Tân Minh, Hàm Tân cho biết: “Khu vực này trước đây bà con chủ yếu trồng mía, thời gian gần đây mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả, các loại cây ăn trái trồng tại địa phương có năng suất và phẩm chất tốt, Hội đã chủ động tìm các loại giống cây trồng mới để bà con trồng thử. Có nhiều gương điển hình trong phát triển cây ăn trái tại địa phương như hộ ông Nguyễn Văn Lượng vừa được vinh danh là nông dân tiêu biểu toàn quốc 2018”.

Nguồn: Danviet.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn