Quảng Bình: Các cấp Hội nỗ lực trong công tác ứng phó biến đổi khí hậu
12:15 - 28/09/2018
(MTNT) - Nhận thức sâu sắc công tác bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với BĐKH là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm bảo vệ sức khỏe con người cũng như góp phần vào phát triển kinh tế- xã hội, ngay sau khi có Nghị quyết liên tịch số 02 về tăng cường phối hợp hành động trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường giữa Bộ TN&MT với T.Ư Hội NDVN được ký xong; Hội ND tỉnh đã tổ chức ký kết chương trình phối hợp số 902 với Sở TN&MT tỉnh.
|
Phát động hội viên, nông dân tích cực trồng mới rừng để bảo vệ môi trường nông thôn, chủ động ứng phó với BĐKH |
Đến nay, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tích cực, thường xuyên của Hội ND tỉnh, việc tổ chức thực hiện chương trình phối hợp đã được triển khai rộng rãi tới tất cả các cấp Hội trong tỉnh và đạt được những kết quả quan trọng. Theo đó, ngay từ đầu năm, Hội ND tỉnh và Sở TN&MT xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình phối hợp giữa hai ngành, đồng thời triển khai việc thực hiện đến tất cả các cấp Hội. Các cấp Hội trong tỉnh luôn xem hoạt động bảo vệ môi trường là nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Hội trong phong trào xây dựng nông thôn mới và là một trong các chỉ tiêu thi đua hàng năm ở tất cả các cấp.
Công tác thông tin tuyên truyền được các cấp Hội thực hiện thường xuyên và đa dạng. Tỉnh Hội đã chỉ đạo các cấp Hội tích cực thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến những văn bản, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về nâng cao trách nhiệm của các cấp Hội trong việc tham gia bảo vệ môi trường nông thôn, chủ động ứng phó với BĐKH thông qua các cuộc sinh hoạt thường kỳ của tổ chức Hội.
Các cấp Hội cũng tích cực, chủ động phối hợp với ngành chức năng trên địa bàn tổ chức 160 lớp tập huấn kiến thức về Luật Tài nguyên, môi trường Biển và hải đảo; phân loại, thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản với hơn 9.000 lượt cán bộ, hội viên, nông dân tham gia. Qua đó, nhiều kiến thức cần thiết về môi trường đều được phổ biến đầy đủ, cung cấp thông tin và trang bị kiến thức cho hội viên, nông dân.
Nội dung tuyên truyền tập trung chủ yếu vào: Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) “về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”; Luật đất đai; Luật bảo vệ môi trường; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Kế hoạch số 73-KH/HNDT ngày 27 tháng 12 năm 2014 về “Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN (khóa VI) về nâng cao trách nhiệm của Hội NDVN tham gia bảo vệ môi trường nông thôn và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2014- 2020”; các chủ trương, chính sách của cấp uỷ, chính quyền địa phương về công tác bảo vệ môi trường...
Bên cạnh đó, các cấp Hội ND cũng đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền và các ban, ngành có liên quan tổ chức hơn 3.000 cuộc mít tinh hưởng ứng phong trào bảo vệ môi trường. Các cấp Hội còn đẩy mạnh tuyên truyền thông qua các chuyên mục hàng tháng được phát trên sóng của Đài phát thanh và truyền hình tỉnh, qua trang thông tin điện tử của Hội và các phương tiện thông tin đại chúng khác; tổ chức cuộc thi viết “Nông dân tìm hiểu Luật đất đai”, “Nông dân tìm hiểu Pháp luật về bảo vệ môi trường” cho trên 150.000 lượt cán bộ, hội viên, nông dân; tổ chức tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý trong lĩnh vực môi trường và sử dụng đất đai cho 153.369 lượt hội viên, nông dân.
Các cấp Hội tiến hành biên soạn, in ấn, cung cấp 5.268 loại tài liệu được cấp phát cho các chi, tổ Hội ở cơ sở dùng làm tài liệu tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt thường kỳ. Từ những phản ánh, bức xúc của bà con về tình trạng ô nhiễm môi trường, đất đai, nguồn nước... các cấp Hội đều lắng nghe, tiếp thu để có kiến nghị kịp thời tới các ngành chức năng tiếp nhận và giải quyết; có tiếng nói mạnh mẽ lên án đối với những hành vi phá hoại môi trường sinh thái... Thông qua những hoạt động đó đã giúp nâng cao nhận thức, kiến thức, làm thay đổi thái độ, hành vi của hội viên, nông dân theo hướng ứng phó thích hợp, có hiệu quả trong đời sống và phát triển sản xuất.
Đáng chú ý, Hội ND một số huyện còn tích cực, chủ động phối hợp với Phòng TN&MT cùng cấp tổ chức Hội thi “Tuyên truyền viên giỏi Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo” đã thu hút được sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân trong tỉnh tham gia.
Cùng với việc truyền truyền các chủ trương, chính sách về công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường, các cấp Hội còn thường xuyên, tích cực vận động hội viên, nông dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường.
Song song với công tác tuyên truyền, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh cũng đã chỉ đạo các cấp Hội tập trung xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh từ các chương trình, dự án do Hội quản lý, gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Điển hình như: Mô hình điểm “Nông dân, ngư dân chung tay tham gia bảo vệ môi trường biển”; mô hình chi Hội ND đảm nhận thu gom rác thải sinh hoạt tại cộng đồng, thu gom rác thải trên đồng ruộng; mô hình ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; mô hình khu dân cư, thôn, xóm bảo vệ môi trường; mô hình con đường chi Hội ND tự quản; mô hình về chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp hiệu quả, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường gắn với tiêu thụ sản phẩm; Câu lạc bộ nông dân bảo vệ môi trường...
Kết quả, đến nay, Hội ND các cấp trong tỉnh đã xây dựng được 10 Câu lạc bộ nông dân bảo vệ môi trường; 920 con đường do Hội ND tự quản; 302 chi Hội ND đảm nhận việc thu gom rác thải sinh hoạt, rác thải trên đồng ruộng; hàng trăm mô hình ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản đã được triển khai khắp các địa phương trong tỉnh…
Đồng thời, để sự phối hợp giữa hai ngành phát huy hiệu quả, các cấp Hội cũng thường xuyên quan tâm tới công tác tham gia kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường. Công tác giám sát của các cấp Hội và hội viên, nông dân trong việc thực thi pháp luật về tài nguyên và môi trường trên địa bàn nông thôn cũng được triển khai nghiêm túc, đúng quy định.
Đến nay, các cấp Hội đã phối hợp với ngành chức năng thực hiện 115 cuộc giám sát về đất đai, khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường. Hội ND tỉnh phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp & PTNT ký chương trình phối hợp, giám sát thực hiện pháp luật về, sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2020.
Mỗi khi phát hiện vụ việc, Hội ND tỉnh đều kiến nghị tới các ngành chức năng để kịp thời xử lý đối với những trường hợp vi phạm pháp luật về tài nguyên, môi trường của các hộ kinh doanh, làng nghề, chẳng hạn như: Xả nước thải bẩn ra môi trường; khai thác tài nguyên rừng, tài nguyên cát trái phép… Qua đó, góp phần làm giảm thiểu các hành vi có nguy cơ xấu, gây tác hại tới môi trường.
Bên cạnh đó, các cấp Hội tích cực vận động, hướng dẫn người dân nêu cao tinh thần, tham gia giám sát để kịp thời phát hiện các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng, sản phẩm nhập lậu hoặc sử dụng vật tư nông nghiệp không bảo đảm gây mất an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường... Tỉnh Hội cho lập đường dây nóng để người dân tích cực giám sát, có những phản ánh về lĩnh vực vật tư nông nghiệp diễn ra trên địa bàn.
Đặc biệt, từ năm 2016 Hội ND tỉnh tổ chức Hội nghị nhằm đánh giá kết quả phối hợp giữa Hội ND với các sở, ban, ngành trong năm, trên cơ sở đó, có định hướng kế hoạch phối hợp trong những năm tiếp theo, được các ngành quan tâm và đánh giá cao.
Nhờ tính hiệu quả của hoạt động phối hợp giữa hai ngành được triển khai liên tục, thường xuyên; bằng nhiều hoạt động đa dạng, thiết thực trong công tác tham gia bảo vệ môi trường của các cấp Hội và hội viên, nông dân trong toàn tỉnh đã góp phần tích cực vào kết quả công tác bảo vệ môi trường của tỉnh nói chung trong những năm qua. Theo đó, tỷ lệ dân cư thành thị được sử dụng nước sạch đạt 97,2%; tỷ lệ hộ nông thôn được cung cấp nước sạch và hợp vệ sinh đạt 88% (đạt 101% so với kế hoạch); tỷ lệ che phủ rừng đạt 66,6% (Quảng Bình là một trong những tỉnh đứng đầu về tỷ lệ che phủ rừng so với cả nước).
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, các cấp Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân đối với công tác bảo vệ môi trường; nhân rộng các mô hình hiệu quả; tích cực tham gia giữ gìn vệ sinh, xây dựng cảnh quan môi trường… Từ đó, góp phần xây dựng môi trường nông thôn thực sự xanh- sạch- đẹp.
Bảo Châu