Yên Bái: Tích cực vận động hội viên, nông dân tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu
16:00 - 30/08/2018
(MTNT) - Thời gian qua, Hội ND tỉnh luôn xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cấp Hội trong công tác bảo vệ môi trường. Trong đó, tập trung vận động hội viên, nông dân vừa phát triển các mô hình kinh tế nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, xóa đói giảm nghèo đồng thời gắn với bảo vệ môi trường bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Các cấp Hội tích cực vận động hội viên, nông dân phát triển các mô hình trồng rừng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường bền vững

 

 
Hàng năm, tỉnh Hội phối hợp với Sở Tài nguyên & Môi trường, Trung tâm Nước sạch nông thôn- thuộc Sở Nông nghiệp & PTNT và Trung tâm Môi trường nông thôn- T.Ư Hội NDVN để lên kế hoạch hỗ trợ về kinh phí, in ấn tài liệu, triển khai xây dựng và duy trì các mô hình phối hợp bảo vệ môi trường. Đồng thời, Hội chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng mở nhiều lớp tập huấn về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, thu gom và xử lý rác thải nông nghiệp cho hàng ngàn lượt cán bộ, hội viên, nông dân.
 

Bên cạnh đó, tỉnh Hội còn phối hợp với Sở Tài nguyên & Môi trường tổ chức chiến dịch truyền thông sâu rộng để vận động cán bộ, hội viên và cộng đồng dân cư nông thôn về công tác bảo vệ môi trường; phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn. Nhiều nội dung tuyên truyền đã được phổ biến tới người dân như: Việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2014; Nghị quyết số 35 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; Nghị quyết số 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010- 2020…

 
Các cấp Hội còn quan tâm gắn việc tuyên truyền về các nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, tỉnh Hội còn chỉ đạo kế hoạch xây dựng nội dung và cho in ấn nhiều tờ rơi tuyên truyền nhằm “Phát huy vai trò của hội viên, nông dân trong xây dựng nông thôn mới” để các cấp Hội dùng làm tài liệu sinh hoạt; nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế gắn với công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu của hội viên, nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới.

 
Kết quả, tính đến nay, các cấp Hội đã vận động hội viên, nông dân trong tỉnh đóng góp gần 900 nghìn ngày công tham gia làm mới đường giao thông nông thôn; sửa chữa trên 700 cầu cống; nạo vét hàng trăm km2 kênh mương nội đồng... Qua đó, góp phần bảo vệ môi trường nông thôn ngày càng xanh - sạch - đẹp. 
 

Bám sát các văn bản chỉ đạo của T.Ư Hội NDVN và UBND tỉnh về các ngày như: Tuần lễ quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn, Ngày Môi trường thế giới 05/6… Hàng năm, Hội ND tỉnh đều chủ động lên kế hoạch hưởng ứng thông qua việc phát động các phong trào: Ra quân làm sạch vệ sinh môi trường; tổ chức trồng mới cây xanh; vận động hội viên, nông dân tham gia các hoạt động thu gom rác, nạo vét khơi thông cống rãnh…

 
Đã có 9/9 huyện, thị, thành Hội tích cực tổ chức các hoạt động với trên 56.000 lượt hội viên, nông dân hăng hái tham gia.

 
Tỉnh Hội còn phối hợp với Trung tâm Môi trường nông thôn- T.Ư Hội NDVN tổ chức 14 lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức về bảo vệ môi trường cho trên 1.400 lượt hội viên, nông dân trong tỉnh. Đồng thời, được T.Ư Hội NDVN hỗ trợ về kinh phí, các cấp Hội đã xây dựng được 50 bể biogas phục vụ việc thu gom chất thải trong hoạt động chăn nuôi, đảm bảo vệ sinh môi trường tại các huyện, thị trong tỉnh.

 
Tại thị trấn Cổ Phúc- huyện Trấn Yên, tỉnh Hội đã triển khai xây dựng mô hình “Ứng dụng chế phẩm sinh học E.M2 xử lý chất thải bảo vệ môi trường trong chăn nuôi trang trại của nông dân”. Theo đó, tỉnh Hội đã phối hợp tổ chức tập huấn kỹ thuật sử dụng chế phẩm EM2 cho 90 hộ dân và cung cấp 2.000 lít chế phẩm sinh học EM2 cho 20 hộ tham gia thực hiện dự án.
 

Tỉnh Hội phối hợp với Văn phòng Phát triền bền vững- thuộc Văn phòng T.Ư Hội NDVN tổ chức 01 lớp tập huấn cho 130 cán bộ, hội viên, nông dân trên địa bàn các huyện: Trấn Yên, Yên Bình và thành phố Yên Bái. Các nội dung tuyên truyền tập trung vào: Vai trò, tầm quan trọng của Chiến lược phát triển bền vững và tăng trưởng xanh đối với sản xuất nông nghiệp; vận động, hướng dẫn cán bộ, hội viên, nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi (sử dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất giúp cây trồng, vật nuôi sinh trưởng phát triển tốt; hạn chế tối đa dịch bệnh, ô nhiễm); nâng cao chất lượng nông sản, góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu…

 
Đồng thời, phối hợp với Trung tâm nghiên cứu Khoa học nông vận- T.Ư Hội NDVN tổ chức 03 lớp tập huấn sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý phụ phẩm nông nghiệp và chất thải chăn nuôi cho 270 cán bộ, hội viên, nông dân cơ sở của huyện Trấn Yên, Văn Yên và thành phố Yên Bái. Tham gia lớp tập huấn, các học viên sẽ được hướng dẫn cách sử dụng chế phẩm sinh học để biến phụ phẩm nông nghiệp và chất thải chăn nuôi thành phân bón đem bón trực tiếp cho cây trồng; thông qua đó góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường nông thôn do các chất thải độc hại gây ra, đồng thời có thêm những loại phân bón an toàn giúp cây trồng phát triển tốt, tiết kiệm chi phí mua phân bón hóa học.

 
Các cấp Hội còn tập trung duy trì hoạt động của các mô hình bảo vệ môi trường đã triển khai trên địa bàn như: Mô hình “Thu gom và xử lý rác thải tại cụm dân cư” tại xã Nam Cường- thành phố Yên Bái và thị trấn Yên Bình- huyện Yên Bình cho 10 cụm dân cư với 480 hộ tham gia; mô hình “Nhà tiêu hợp vệ sinh” cho 80 hộ dân là người dân tộc thiểu số tại xã Phúc An- H. Yên Bình. Tại các huyện Trấn Yên, Yên Bình và thành phố Yên Bái hiện vẫn đang duy trì tốt các mô hình đã triển khai tại 6 cơ sở trước đó với trên 700 hộ tham gia; hoạt động chính là truyền thông cho các hộ gia đình về chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn hợp vệ sinh.

 
Đối với công trình sử dụng nguồn nước tự chảy được xây dựng và đưa vào sử dụng cho hơn 30 hộ dân của xã Tân Thịnh- huyện Văn Chấn đã giúp cung cấp nguồn nước sạch cho người dân đảm bảo về sức khỏe. Đây là mô hình thí điểm với phương thức làm là giao cho chính người dân quản lý, tự duy tu và bảo vệ; nhờ đó, mô hình đã được thực hiện trong nhiều năm qua giúp làm tốt công tác bảo vệ, sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên nước trên địa bàn. Hiện, từ hiệu quả thực tiễn đem lại, mô hình cần được các cấp, ban ngành quan tâm nhân rộng.

 
Đặc biệt, với đặc thù của một tỉnh có nhiều diện tích trồng rừng, Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại (FFF) được Ban Hợp tác Quốc tế- T.Ư Hội NDVN triển khai huyện Trấn Yên và Yên Bình đầu năm 2015 đến nay, với 03 hợp phần chính đã đem lại những kết quả đáng kể. Thông qua các hợp phần đã giúp nâng cao năng lực cho cán bộ, hội viên, nông dân trong lĩnh vực quản lý và phát triển rừng bền vững; sản xuất các sản phẩm nông lâm nghiệp hiệu quả; tạo các diễn đàn đưa các chính sách đến với các tổ chức sản xuất rừng và trang trại, đưa tiếng nói của người nông dân đến các cấp, các ngành; tham gia học tập, chia sẻ kinh nghiệm trong và ngoài nước…

 
Sau gần 3 năm triển khai, thông qua các hoạt động của Chương trình, cùng với việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ công tác Hội, tỉnh Hội đã hỗ trợ xây dựng được nhiều mô hình, hình thức kinh tế tập thể hiệu quả và các chứng chỉ, thương hiệu sản phẩm giúp các Hợp tác xã, Tổ hợp tác liên kết tham gia vào thị trường hiệu quả và bền vững. Từ đó, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của toàn tỉnh.

 
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, các cấp Hội trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm khích lệ, động viên hội viên, nông dân thay đổi nếp nghĩ, tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để sản xuất kinh doanh gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường. Tỉnh Hội cũng tập trung xây dựng tổ chức Hội ND ở cơ sở thực sự vững mạnh, làm nòng cốt vững chắc trong việc tuyên truyền, vận động, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác bảo vệ tài nguyên môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với việc thực hiện phong trào “Nông dân Yên Bái chung sức xây dựng nông thôn mới”.


 

Duy Nghĩa
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn