Vĩnh Phúc: Tích cực tham gia bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó BĐKH
20:14 - 29/05/2018
(MTNT) - Những năm qua, cùng với các tổ chức chính trị, xã hội đoàn thể khác trong tỉnh, các cấp Hội luôn coi trọng hiệu quả của công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với BĐKH tại địa phương. Tỉnh Hội vừa trực tiếp vừa phối hợp với các Sở, ban, ngành đoàn thể trong tỉnh tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền phong phú, đa dạng nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm cho cán bộ, hội viên, nông dân và nhân dân trong toàn tỉnh về nhiệm vụ bảo vệ, giữ gìn môi trường.

Cán bộ, hội viên, nông dân trong tỉnh tích cực ra quân hưởng ứng ngày Môi trường thế giới 5/6


 
Ngay sau khi Nghị quyết liên tịch số 02 về tăng cường phối hợp hành động trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường giữa Bộ TN&MT với Trung ương Hội NDVN được ký xong; để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết liên tịch nói trên, Hội ND tỉnh đã tổ chức ký kết chương trình phối hợp với Sở TN&MT tỉnh. Đến nay, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tích cực, thường xuyên của Hội ND tỉnh, việc tổ chức thực hiện đã được triển khai rộng rãi tới tất cả các cấp Hội trong tỉnh và đạt được những kết quả quan trọng.

 
Tỉnh Hội đã chỉ đạo các cấp Hội tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến những văn bản, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về nâng cao trách nhiệm của các cấp Hội trong việc tham gia bảo vệ môi trường nông thôn, chủ động ứng phó với BĐKH. Theo đó, bình quân mỗi năm, các cấp Hội trực tiếp và phối hợp tổ chức trên 500 buổi tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật có lồng ghép nội dung tuyên truyền bảo vệ môi trường cho hơn 40.000 lượt hội viên, nông dân tham dự.

 
Công tác thông tin tuyên truyền được các cấp Hội thực hiện thường xuyên và đa dạng. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông như: Đài PT&TH tỉnh; Báo Vĩnh Phúc; bản tin công tác Hội ND... nhiều kiến thức cần thiết về môi trường được phổ biến đầy đủ nhằm cung cấp thông tin và trang bị kiến thức cho hội viên, nông dân. Ngoài ra, từ những phản ánh, bức xúc của bà con về tình trạng ô nhiễm môi trường, đất đai, nguồn nước... để cán bộ, hội viên, nông dân được biết, nhận thấy rõ hậu quả, những tác động tiêu cực cũng như các giải pháp cần thực hiện để giúp hạn chế, giảm nhẹ và thích ứng với tình trạng BĐKH; đồng thời, có tiếng nói mạnh mẽ lên án đối với những hành vi phá hoại môi trường sinh thái... Từ đó, giúp nâng cao nhận thức, kiến thức, làm thay đổi thái độ, hành vi của hội viên, nông dân theo hướng ứng phó thích hợp, có hiệu quả trong đời sống và phát triển sản xuất. 

 
Hội ND tỉnh đã tích cực phối hợp Trung tâm Môi trường- Trung ương Hội NDVN tổ chức lễ ra quân trong các dịp Tết trồng cây- “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, lễ mít tinh môi trường hưởng ứng ngày môi trường thế giới 5/6 với sự tham gia của hơn 500 đại biểu là những điển hình sản xuất kinh doanh giỏi, những người trực tiếp sản xuất ra các nông sản hàng hóa. Tỉnh Hội cũng phối hợp tổ chức 2 lớp tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng truyền thông, phổ biến giáo dục pháp luật về tài nguyên môi trường cho 200 đồng chí là cán bộ phụ trách công tác môi trường của Hội ND cấp tỉnh, huyện; các đồng chí là Chủ tịch, Phó Chủ tịch, báo cáo viên, tuyên truyền viên tiêu biểu ở Hội ND cơ sở.

 
Để tạo sự chuyển biến tích cực trong ý thức và hành động của người dân để cùng chung tay vì một môi trường sống trong sạch, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với các Sở, ngành trong tỉnh tổ chức trên 30 lớp tập huấn tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm cho gần 3.000 hội viên, nông dân ở các huyện: Yên Lạc, Tam Đảo, Vĩnh Tường. Phối hợp tổ chức Hội thi “Nông dân với công tác bảo vệ môi trường” tại huyện Tam Dương đem lại những tín hiệu tích cực khi thu hút được sự quan tâm của đông đảo bà con nông dân tại địa phương.

 
Bên cạnh đó, công tác giám sát của các cấp Hội và hội viên, nông dân trong việc thực thi pháp luật về tài nguyên và môi trường trên địa bàn nông thôn cũng được triển khai nghiêm túc, đúng quy định. Mỗi khi phát hiện vụ việc, Hội ND tỉnh đều kiến nghị tới các ngành chức năng để kịp thời xử lý đối với những trường hợp vi phạm pháp luật về tài nguyên, môi trường của các hộ kinh doanh, làng nghề, chẳng hạn như: Xả nước thải bẩn ra môi trường; khai thác tài nguyên rừng, tài nguyên cát trái phép… Qua đó, góp phần làm giảm thiểu các hành vi có nguy cơ xấu, gây tác hại tới môi trường.

 
Song song với công tác tuyên truyền, hàng năm, các cấp Hội còn tích cực chỉ đạo và phối hợp với ngành chức năng trên địa bàn xây dựng một số mô hình nông dân bảo vệ môi trường. Nhiều mô hình cho thấy tính hiệu quả khi làm điểm và hiện đã được các cấp Hội tích cực tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng tại các địa phương trong tỉnh như: “Câu lạc bộ nói không với túi nilon”; “Hầm Bioga xử lý chất thải trong chăn nuôi”; “xây dựng hơn 100 tổ thu gom và xử lý rác thải ở các chi tổ Hội”; “Đoạn đường nông dân tự quản”… Thông qua việc triển khai, nhân rộng những mô hình như thế đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của hội viên, nông dân đối với vấn đề bảo vệ môi trường.

 
Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 135 chi Hội ND tham gia bảo vệ môi trường theo kế hoạch Trung ương Hội giao. Trong đó, chú trọng mô hình nông dân tham gia thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, làm sạch đồng ruộng, nguồn nước. Đồng thời, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn; mô hình xử lý chất thải trong sinh hoạt góp phần giải quyết ô nhiễm môi trường…

 
Ngoài ra, tỉnh Hội còn xây dựng mô hình hỗ trợ nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn làm điểm tại xã Kim Xá- huyện Vĩnh Tường. Trong đó, Hội hỗ trợ tập huấn nâng cao kiến thức bảo vệ giữ gìn môi trường; hỗ trợ kinh phí để xây dựng các bể chứa vỏ thuốc bảo vệ thực vật, nhà ủ phân hữu cơ từ rác thải hữu cơ nhằm tạo nguồn phân bón cho sản xuất nông nghiệp. Đến nay mô hình đi vào hoạt động ổn định và đem lại hiệu quả.

 
Hội ND tỉnh còn phát động phong trào thi đua “Nông dân Vĩnh Phúc vì một nền nông nghiệp an toàn bền vững, môi trường nông thôn xanh- sạch- đẹp” được thực hiện song song cùng với phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”.

 
Ban điều hành Quỹ HTND tỉnh khi thực hiện việc đưa tiêu chí bảo vệ môi trường vào quy định phê duyệt dự án. Các cấp Hội đã tổ chức ký cam kết áp dụng các biện pháp sản xuất nông nghiệp an toàn, bảo vệ môi trường cho 100% hộ hội viên, nông dân trong tỉnh; coi đây là một trong những tiêu chí để bình xét thi đua cuối năm.

 
Nhiều địa phương còn lấy ngày 25 hàng tháng là ngày ra quân đồng loạt, vận động người dân tích cực làm vệ sinh, bảo vệ môi trường sống.

 
Để có được những kết quả đáng khích lệ như trên, ngoài sự vào cuộc quyết tâm, quyết liệt của các cấp, các ngành còn phải kể đến sự nhiệt tình hưởng ứng, ý thức trách nhiệm của hội viên, nông dân và toàn thể nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - chính trị, xã hội gắn với bảo vệ môi trường. Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, các cấp Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân đối với công tác bảo vệ môi trường; nhân rộng các mô hình hiệu quả; tích cực tham gia giữ gìn vệ sinh, xây dựng cảnh quan môi trường… Từ đó, góp phần xây dựng môi trường nông thôn thực sự xanh- sạch- đẹp.


 

Trọng Bình
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn