Hào hứng trồng rau an toàn
08:51 - 13/04/2018
Mô hình trồng rau an toàn tại phường Ngọc Hà, thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang giúp nông dân nơi đây cải thiện thu nhập cũng như thay đổi nhận thức, tư tưởng, hành động làm nông sản sạch.

Phường Ngọc Hà ở trung tâm thành phố nhưng cuộc sống của bà con nơi đây vẫn dựa vào nông nghiệp, đặc biệt là SX các loại rau củ cung cấp cho các chợ trung tâm. Nông dân trước đây trồng rau theo kiểu truyền thống, manh mún, nhỏ lẻ, năng suất thấp, giá trị hàng hóa không cao. Mọi thứ đã dần thay đổi khi bà con biết áp dụng SX rau an toàn theo mô hình VietGAP từ cuối năm 2013. Rau VietGAP có nghĩa là trồng rau theo những nguyên tắc, trình tự quy định. Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, sức khỏe người SX và người tiêu dùng; đồng thời bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Rau xanh phường Ngọc Hà được trồng theo VietGAP

Ông Nguyễn Danh Ơn ở tổ 9 là một trong những nông dân đang tích cực trồng rau an toàn, cho biết bản thân ông đã có thâm niên trồng rau từ hơn 30 năm nay nhưng theo cách truyền thống, thu nhập chẳng đáng là bao. Nhưng nay nhờ được tiếp thu quy trình VietGAP nên ông cùng nhiều hộ dân ở đây đã thay đổi tư duy SX. Việc áp dụng cơ giới hóa vào SX, đặc biệt là hệ thống tưới tiêu tự động đã giúp giải phóng sức lao động.

"Trước đây để tưới nước đảm bảo đủ độ ẩm cho 1 sào rau thì phải mất nhiều công gánh nước. Nhưng giờ chỉ trong 1 tiếng là xong và giữ được độ ẩm lâu. Từ ngày trồng rau theo mô hình VietGAP, bán được sản phẩm đời sống của gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân trồng rau trong tổ được nâng lên. Sau khi trừ tất cả chi phí, gia đình cũng thu về được khoảng 100 triệu đồng/năm", ông Ơn chia sẻ.
 

Tổ 9, phường Ngọc Hà hiện có 125 hộ thì có đến 60% hộ trồng rau và đều theo mô hình VietGAP. Bà Nguyễn Thị Nguyên, Chủ tịch Hội Nông dân phường Ngọc Hà cho biết: “Tổ 9 có truyền thống trồng rau từ lâu, tuy nhiên đến năm 2013 bà con mới SX rau theo hướng VietGAP, đời sống đã được nâng cao. Hiện với diện tích 6ha rau của bà con đã ký cam kết đảm bảo rau an toàn. Sản phẩm được tiêu thụ ở các quầy bán rau VietGAP tại trung tâm thành phố. Do đã có uy tín nên người mua rất đông không ế bao giờ, điều đó càng thúc đẩy nhiều người SX”.
 

Từ khi triển khai trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, các sản phẩm rau SX của nông dân nơi đây đều được cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát chặt chẽ và định kỳ lấy mẫu phân tích. Sản phẩm rau của phường Ngọc Hà luôn đảm bảo tiêu chuẩn an toàn theo quy định. Tuy nhiên, hiện rau an toàn của phường nói riêng và của thành phố Hà Giang nói chung chưa được xây dựng thương hiệu, người tiêu dùng rất khó để phân biệt giữa rau VietGAP và rau thường.


Bà Nguyễn Thị Út, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Hà Giang cho hay, diện tích SX rau VietGAP của thành phố Hà Giang là gần 13ha, sản lượng ước chừng 1.200 tấn/năm với chất lượng bảo đảm. Nhưng người dân lại gặp khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu chứng nhận rau an toàn.

“Hiện, việc xây dựng nhãn hiệu “Rau an toàn thành phố Hà Giang” để hình thành chuỗi liên kết từ SX đến tiêu thụ, đảm bảo sảm phẩm có chất lượng sạch đến tay người tiêu dùng vẫn chưa hoàn thành. Do kinh phí cấp cho chương trình hạn chế nên chúng tôi mới chỉ thực hiện được một phần kế hoạch dự định. Hy vọng trong thời gian tới sẽ có thêm nguồn vốn để hoàn thành việc xây dựng thương hiệu, giúp nông dân đem sản phẩm uy tín của mình đến bữa cơm của mọi gia đình”, bà Út cho biết.

Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn