Những người hồi sinh 'vùng đất chết'
14:53 - 04/12/2017
Năm 2004, khi công trình thủy điện Cần Đơn (nằm trên địa bàn xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp và xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) đi vào hoạt động, hàng ngàn heta rừng dọc con sông Đắk Huýt biến mất trong biển nước. 

Hàng chục km rừng vùng bán ngập xác xơ, hoang hoá. Nhưng bây giờ, “vùng đất chết” ấy đã hồi sinh.  
 

Khó không nản

Xuất phát từ Hạt Kiểm lâm huyện Bù Đốp, sau khoảng 15 phút lắc lư trên con đường đất đỏ, phủ kín các loại cây rừng, chiếc xe bán tải dừng lại. Trước mặt chúng tôi là một hồ nước mênh mông, nước trong vắt. Đây là khu lòng hồ thuỷ điện Cần Đơn. Tiếp tục lên chiếc ca nô của lực lượng kiểm lâm, chúng tôi ra một “ốc đảo” nằm giữa lòng hồ, đó là tiểu khu 72, thuộc địa bàn xã Phước Thiện.

Ông Nguyễn Văn Ách, nguyên Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Bù Đốp cho biết: “Tiểu khu 72 là một ốc đảo rộng hơn 50ha. Trước đây khu vực này bị khai thác trắng phục vụ cho thủy điện Cần Đơn. Rất nhiều cá nhân, đơn vị trong ngoài tỉnh muốn lập dự án... trồng cao su, song chúng tôi kiên quyết đề nghị tỉnh giữ lại”.

Ông Nguyễn Văn Ách, nguyên Hạt trưởng Hạt Kiểm Bù Đốp, người có công đầu trong việc hồi sinh vùng rừng bán ngập Bù Đốp

Chiếc ca nô tấp vào bờ. Trước mắt chúng tôi là những cây gáp nước, cây tràm đang phát triển. Phía trên, chỗ cao nhất của ốc đảo là một khu rừng lồ ô xanh mướt. Ông Ách bảo, từ khi có thuỷ điện, ốc đảo này bị “sa mạc hoá” hoàn toàn. Nguyên nhân là do thủy điện mùa mưa thì xả, mùa khô lại tích nước. Lúc tích thì toàn bộ đảo chìm trong nước. Còn khi tích thì đất đã bị rửa trôi hết chất, trở nên cằn cỗi, hầu như không có loài cây nào sống được. Không cam tâm nhìn khu vực này bị hoang hóa, ông Ách cùng đồng đội lặn lội ngược xuôi tìm loài cây trồng phù hợp cho vùng bán ngập. 

“Giai đoạn đầu rất khó khăn, chúng tôi mất gần 6 năm trời đi dọc sông Đắk Huýt để tìm tòi các loại cây có khả năng bám trụ, sinh sống và trồng thí điểm trên vùng đất này. Các loại cây tràm nước, gáo rừng đã được thực nghiệm những đã thất bại do không chịu được nước ngập kéo dài. Trong một lần về miền Tây, tôi thấy cây gáo nước ở vùng này phát triển rất tốt ở vùng bán ngập, nước lợ. Hỏi anh em kiểm lâm dưới đó mới biết, cây này có thể chịu hạn rất tốt”, ông Ách kể.

Năm 2012, các chiến sĩ Hạt Kiểm lâm Bù Đốp bắt đầu ra quân trồng thí điểm 30ha cây gáo nước và cây tràm giống miền Tây tại vùng bán ngập. Tuy nhiên khi triển khai trồng, cây vẫn chết. “Sau khi tìm hiểu, chúng tôi mới biết, nguyên nhân cây chết là do bị ngập lút ngọn quá lâu. Đó là do có thời điểm hồ thủy điện ngập hai đến ba tháng, có lúc lại khô cạn nhiều tháng liền, nên cây không chịu nổi. Cây gáo nước có khả năng chịu hạn, chịu ngập tốt, nhưng khi mới trồng cây còn nhỏ, thấp chỉ cần nước ngập qua ngọn liên tục 2 tuần là chết”, ông Ách nói tiếp.
 

Và thành công

Sau nhiều ngày đau đầu suy nghĩ, cuối cùng, một giải pháp được ông Bảy Ách đưa ra là điều chỉnh vị trí, khu vực trồng cây gáo hợp lý. Đó là chọn chỗ ngập ít trồng trước, khi cây lên cao từ 0,5 đến 0,7m mới mang trồng xuống chỗ ngập sâu. Làm sao cho cây vẫn lú được ngọn lên để “thở”, không bị “chết đuối”. Đúng như dự đoán, cây chết là do ngộp nước. Do đó, khi ngọn còn nhô lên khỏi mặt nước là cây sống. Kết quả là, cây sống đạt 95%.

Ông Lương Văn Bảo, cán bộ Hạt Kiểm lâm Bù Đốp vui mừng nói: "Ban đầu trồng thí điểm do chưa được công nhận của chính quyền nên chúng tôi phải chắt chiu từng đồng trong kinh phí bảo vệ rừng hằng năm để thực hiện. Giai đoạn 2011 - 2012, lực lượng Kiểm lâm huyện từ lãnh đạo đến từng nhân viên đều phải “xắn quần, cởi áo”, lội bùn để trồng từng cây gáo. Năm 2015, UBND tỉnh Bình Phước đã chấp thuận chủ trương cho Hạt Kiểm lâm Bù Đốp lập dự án trồng thêm 182ha cây gáo nước ở tất cả các vùng bán ngập còn lại.

Đến nay diện tích trồng cây gáo nước ở đây đã hoàn thành đúng tiến độ đề ra. Hiệu quả từ rừng bán ngập ở Bù Đốp ngày càng rõ nét. Hiện nay diện tích cây rừng đang phát triển rất tốt, khi khép tán sẽ ngăn chặn hiện tượng rửa trôi phù sa dọc sông Đắk Huýt, góp phần giúp thủy điện tránh được tình trạng bồi lắng lòng hồ. Khi có rừng là hệ động vật có điều kiện phát triển, các loại chim thú, các loài bò sát bắt đầu tìm về sinh sống. Hệ sinh thái bắt đầu đa dạng trở lại. Nơi đây không còn là “vùng đất chết” như cách đây 10 năm nữa".

Nhìn rừng cây đang lớn nhanh như thổi, chiều cao khoảng 5m, ánh mắt ông kiểm lâm Bảy Ách lấp lánh niềm vui. Ông cho biết, sau khi trồng thử nghiệm thành công, hiện diện tích cây gáo nước ở vùng bán ngập đã lên đến khoảng 200ha. “Toàn tỉnh hiện có khoảng 2.000ha vùng bán ngập, nếu diện tích này được phủ xanh toàn bộ bằng cây gáo nước sẽ góp phần rất lớn cho công tác bảo vệ môi trường”, ông Ách nói.

Khi bài báo này đăng tải, thì ông Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Bù Đốp Bảy Ách đã về hưu, nhưng, ông vẫn tiếp tục gắn bó với rừng Bù Đốp. Bởi như ông nói: “Đến khi nhắm mắt xuôi tay, tôi cũng không thể xa rừng”.

Thấy được hiệu quả của cây gáo nước, năm 2014, các đơn vị có vùng bán ngập như thủy điện Cần Đơn nằm trên địa bàn Bù Đốp – Bù Gia Mập; thủy điện Thác Mơ (TX Phước Long, Bình Phước), Chi cục Kiểm lâm các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông cũng tìm về tham quan, học tập kinh nghiệm từ Hạt Kiểm lâm Bù Đốp. Sau khi tham quan, các đơn vị này đã về thực hành, và hiện đã trồng thành công hàng chục ha gáo nước trên vùng đất lâm nghiệp bán ngập do đơn vị quản lý.

Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn