|
Cần áp dụng đồng bộ các giải pháp nhằm bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học bền vững |
Tuy nhiên, nước ta hiện nay đang phải đối mặt tình trạng suy thoái về môi trường, suy giảm HST ảnh hưởng sức thu hút của ngành du lịch.Thực tế hiện nay có nhiều hoạt động phát triển tiềm ẩn nguy cơ làm ô nhiễm, suy thoái môi trường, phá hủy HST tự nhiên và tổn hại nghiêm trọng đến ĐDSH. Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được sử dụng phổ biến như một công cụ hữu hiệu nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu các tác động bất lợi này ngay từ giai đoạn đề xuất và thiết kế dự án phát triển.
Nội dung giảm thiểu đề xuất trong ÐTM là các biện pháp vừa nhằm đạt được các mục tiêu dự án, vừa đảm bảo phòng tránh hoặc giảm nhẹ các tác động tiêu cực đến mức chấp nhận được, tăng cường những lợi ích về môi trường. Mục đích của giảm thiểu trong đánh giá tác động đến ĐDSH là xác định các biện pháp và các phương án bảo vệ ĐDSH và các dịch vụ HST kèm theo, trong đó phòng tránh được ưu tiên và bồi thường (bằng tiền) được sử dụng như một biện pháp cuối cùng.
Việc chuyển mục đích sử dụng rừng, bao gồm rừng tự nhiên, rừng phòng hộ và rừng sản xuất, cho các hoạt động phát triển trong nhiều trường hợp là bất khả kháng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Các dự án triển khai tại vị trí đất rừng được chuyển đổi phải thực hiện quy định về ĐTM, trong đó có nội dung đề xuất các biện pháp giảm thiểu, trước tiên là tránh các tác động đến ĐDSH bằng cách lựa chọn và điều chỉnh thiết kế và tăng cơ hội bảo tồn ĐDSH.
Khai thác rừng tự nhiên bền vững có thể mang lại cơ hội kinh tế, tạo động lực phục hồi và làm giàu rừng ở Việt Nam. Đồng thời góp phần đảm bảo ĐDSH. Tuy nhiên, làm sao để nâng cao giá trị rừng tự nhiên, thúc đẩy và thu hút đầu tư trực tiếp vào các hoạt động kinh doanh liên quan đến rừng tự nhiên lại vẫn đang là vấn đề mà Việt Nam phải giải quyết.
Tính đến cuối năm 2016, độ che phủ của rừng ở Việt Nam đạt khoảng 41%; trong đó, rừng tự nhiên chiếm 71% diện tích rừng hiện có. Dù cách tính hiện nay được cho là vẫn chưa xác định đầy đủ giá trị nhưng rừng tự nhiên vẫn là nền tảng ổn định xã hội, phát triển kinh tế của tất cả các ngành trong nước. Rừng tự nhiên đóng vai trò quan trọng trong việc giữ đất và bảo vệ nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, điện, đô thị; giảm thiểu biến đổi khí hậu bằng cách thu giữ CO2...
Khai thác rừng tự nhiên bền vững có thể mang lại cơ hội kinh tế, tạo động lực phục hồi, đản bảo DĐSH và làm giàu rừng ở Việt Nam bởi rừng tự nhiên cung cấp các lâm sản ngoài gỗ có giá trị. Không chỉ cung cấp gỗ, rừng tự nhiên còn là nguồn cung nhiều loại lâm sản có giá trị như cây dược liệu.
Bên cạnh đó, rừng tự nhiên còn gắn với cảnh quan, đa dạng sinh học vốn là tiềm năng lớn thu hút du lịch. Theo các đánh giá, Việt Nam xếp thứ 33 thế giới về tài nguyên thiên nhiên và văn hóa nhưng hiện nước ta vẫn chưa thành công trong việc biến những tiềm năng này thành cơ hội kinh tế và lợi nhuận từ du lịch, góp phần đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Tiềm năng là vậy nhưng giá trị kinh tế mà rừng tự nhiên mang lại đối với nền kinh tế nước ta hiện còn rất khiêm tốn. Thống kê chính thức cho biết, mức đóng góp trực tiếp của ngành lâm nghiệp chỉ chiếm khoảng 4% GDP nông nghiệp và khoảng 1% tổng GDP quốc gia năm 2010.
Bảo vệ và phát triển rừng là giải pháp quan trọng hàng đầu mà Việt Nam cần phải thực hiện và có thể thực hiện được để đảm bảo nền kinh tế phát triển bền vững. Nhưng bảo vệ và phát triển rừng chỉ có thể bền vững khi nó đảm bảo lợi ích và cuộc sống của người dân. Vì thế nên việc tìm kiếm và khai thác những lợi ích từ rừng để cải thiện đời sống của người dân sinh sống trong rừng và làm nghề rừng là hết sức quan trọng.
Theo Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam đến năm 2020, nước ta đang đặt mục tiêu tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp, bao gồm cả chế biến lâm sản và dịch vụ môi trường rừng, lên khoảng 3,5-4% mỗi năm và GDP từ lâm nghiệp tăng lên khoảng 2 đến 3% GDP quốc gia. Để đạt được mục tiêu này, các đại biểu cho rằng cần xây dựng cơ chế chính sách để phát huy hết tiềm năng của rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên và phát huy các giá trị về môi trường.
Chương trình mục tiêu quốc gia về lâm nghiệp bền vững dự kiến sẽ phải huy động “nguồn lực xã hội hóa” cho hơn 70% tổng nhu cầu tài chính. Mặc dù vậy nhưng theo nhiều chuyên gia, chiến lược huy động đầu tư từ các doanh nghiệp và cá nhân vào lĩnh vực lâm nghiệp nói chung, thu hút đầu tư bền vững vào rừng tự nhiên nói riêng của Việt Nam hiện chưa được thiết kế có hệ thống, toàn diện và cụ thể, kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Song song với việc huy động nguồn lực tài chính vào lĩnh vực lâm sản cũng cần phải xây dựng các quy định về thu/chi để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các mô hình kinh tế dựa trên rừng tự nhiên. Cùng với đó cũng cần cải thiện chính sách và tăng cường hệ thống giám sát, đánh giá về các mô hình kinh tế và lâm sản ở cấp địa phương và quốc gia.
Các cơ chế chia sẻ lợi ích như chi trả dịch vụ môi trường rừng cần tiếp tục cải thiện, đặc biệt trong việc tái đầu tư nguồn tài chính này có hiệu quả, mang lại lợi nhuận cao hơn trong các hoạt động liên quan đến rừng tự nhiên, mở rộng phạm vi dịch vụ và tăng giá trị các dịch vụ cung cấp. Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị xem xét giao hoặc khoán rừng tự nhiên cho một số dịch vụ du lịch sinh thái hoặc thí điểm mô hình sinh kế ngoài gỗ.
Bảo vệ rừng là bảo vệ đa dạng sinh học. Do đó, chúng ta phải cân bằng, tìm ra giải pháp để vẫn có thể đảm bảo lợi ích kinh tế và bảo vệ rừng.