Hiệu quả của dự án vay vốn trồng rừng chống biến đổi khí hậu
11:34 - 28/04/2017
(MTNT) – Những năm qua, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia phải hứng chịu tác động nhiều nhất của tình trạng biến đổi khí hậu. Do đó, tăng trưởng xanh chính là phương thức nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu kinh tế theo định hướng sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, góp phần giảm nghèo và tạo động lực tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững.

Tuyên truyền, khuyến khích người dân để có trách nhiệm bảo vệ, bảo tồn và phát triển rừng bền vững

 

Theo thống kê, khoảng 25 triệu người nghèo và người dân tộc thiểu số đang phải sống phụ thuộc vào rừng hàng ngày. Do đó, rừng đóng một vai trò hết sức quan trọng trong đời sống của con người vì rừng vừa cung cấp nguồn sinh kế, năng lượng mà còn là nguồn cứu đói mỗi khi khó khăn cho người dân.


 
Thế nhưng, có một thực trạng đáng buồn khi diện tích rừng của nước ta đang ngày càng bị giảm sút nghiêm trọng. Tính đến cuối năm 2015, nước ta còn có 14.061.856 ha diện tích rừng, trong đó, rừng tự nhiên 10.175.519 ha và rừng trồng 3.886.337 ha. Bên cạnh đó, sau hàng thập kỷ rừng bị tàn phá, hiện cả nước có tới 7- 8 triệu ha đất rừng không được sử dụng, bị thoái hóa và trở thành đồi núi trọc.



 
Cùng với việc đất rừng bị thoái hóa, sự đa dạng sinh học bị mất dần đi thì những đòi hỏi về các sản phẩm lâm nghiệp phục vụ cho sinh hoạt và công nghiệp lại ngày một tăng lên khiến cho nhiều nơi rừng bị khai thác một cách vô tội vạ; thậm chí, nhiều cánh rừng bị xẻ thịt tan hoang. Nguyên nhân thì có nhiều, song phần vì dân số tăng nhanh, mặt khác do các điều kiện kinh tế phát triển, nhu cầu của con người cũng ngày càng nhiều hơn. Đây chính là một trong những nguyên nhân căn bản gây ra các vấn đề về biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt, nghèo đói...


 
Kể từ năm 2005, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã hỗ trợ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) trong việc triển khai dự án phát triển ngành lâm nghiệp. Thông qua đó nhằm giúp đỡ những hộ gia đình ở các tỉnh thuộc khu vực miền Trung nước ta được vay vốn và được hỗ trợ về kỹ thuật để trồng rừng hiệu quả.


 

Có thể thấy, chương trình cho vay trồng rừng của Ngân hàng CSXH là một trong những kênh tín dụng “xanh”, đã tạo điều kiện cho hàng chục nghìn hộ dân trong cả nước tiếp cận được với nguồn vốn vay có lãi suất thấp để đầu tư vào trồng rừng, góp phần bảo tồn thiên nhiên, chống biến đổi khí hậu, cải thiện sinh kế và thoát nghèo bền vững. Đến nay, sau 12 năm triển khai, tổng dư nợ cho vay của dự án đạt gần 500 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt hơn 323 tỷ đồng với hơn 103.000 lượt khách hàng được vay vốn. Dự án cũng đã giúp cho nhiều người dân nâng cao nhận thức, tích cực trồng mới và phủ kín được hơn 76.000 ha rừng trồng sản xuất.


 
Đây là dự án cho vay trồng rừng thương mại đầu tiên tại Việt Nam do WB tài trợ, với hai trọng tâm chính như sau: Thứ nhất, phát triển trồng rừng sản xuất ở một số tỉnh miền Trung Việt Nam; thứ hai, bảo tồn thiên nhiên. Theo đó, dự án được triển khai từ năm 2005 tại 6 tỉnh của nước ta bao gồm: Thừa Thiên- Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Thanh Hóa, Nghệ An.
 



Đánh giá chung cho thấy, dự án có tác động hết sức tích cực về nhiều mặt, đã phát triển đồng bộ cả về kinh tế, xã hội, môi trường cũng như phát triển ngành lâm nghiệp trong cả nước. Mặt khác, dự án đã tạo ra mô hình quản lý và phát triển rừng một cách bền vững, bảo tồn được sự đa dạng của sinh học. Qua đó, đẩy mạnh vấn đề bảo vệ môi trường, cải thiện sinh kế của người dân sống phụ thuộc vào rừng, đẩy mạnh sự đóng góp của ngành lâm nghiệp đối với nền kinh tế chung của đất nước...



 
Là một người dân được hưởng lợi trực tiếp từ dự án, hơn chục năm về trước, gia đình ông Cao Dựa ở xã Xuân Lộc, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên- Huế, thuộc diện hộ nghèo trong tỉnh, quanh năm phải đi làm thuê làm mướn mà cuộc sống vẫn rất khó khăn, chật vật. Từ năm 2005, gia đình ông được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách của Chính phủ thông qua Ngân hàng CSXH, mà cụ thể là chương trình cho vay Dự án phát triển ngành lâm nghiệp để trồng mới 4,2 ha rừng; nhờ đó, ông đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định, khấm khá.
 




Theo đánh giá của bà Victoria Kwakwa- cựu Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam: Hy vọng rằng, từ những bài học kinh nghiệm hay trong thực tế mà dự án này sẽ còn tiếp tục được nhân rộng hơn nữa. Nhờ thế, sẽ có thêm nhiều hộ gia đình ở Việt Nam được tiếp cận đến tín dụng cũng như những phương pháp trồng rừng hiện đại. Mặc dù, thời gian của dự án đã kết thúc vào thời điểm tháng 3/2015, thế nhưng quỹ quay vòng do Ngân hàng CSXH quản lý sẽ còn tiếp tục vận hành thêm trong vòng 20 năm nữa. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc sẽ có rất nhiều hộ gia đình còn được tiếp cận với nguồn tín dụng này.


 
Hiện tại, Ngân hàng CSXH cũng đang bắt đầu triển khai chương trình cho vay hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số trồng rừng sản xuất, phát triển chăn nuôi theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 9/9/2015 của Chính phủ nhằm mục tiêu bảo vệ, phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015- 2020.




 
Theo đó, đối tượng vay vốn trồng rừng sản xuất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số (không phân biệt giàu nghèo), hộ gia đình người Kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn (khu vực II và III) thuộc vùng dân tộc và miền núi theo quy định hiện hành của Thủ tướng Chính phủ có thực hiện một trong các hoạt động bảo vệ rừng và phát triển rừng được vay vốn từ Ngân hàng CSXH để trồng rừng, chăn nuôi với lãi suất 1,2%/năm.


 
Chương trình này sẽ tạo ra bước đột phá nhằm giúp các hộ đồng bào dân tộc thiểu số dược vay vốn, có thêm nguồn lực để phát triển ngành nghề dịch vụ nông- lâm trường. Trong đó, ngoài phần vốn vay, các hộ còn được Nhà nước hỗ trợ phương thức đầu tư, cấp đất để đầu tư và có đầu ra cho sản phẩm.
 

Có thể thấy, chính sách tín dụng “xanh” của Ngân hàng CSXH, góp phần bảo tồn thiên nhiên và phát triển sinh kế cho người dân, hướng nền kinh tế tới mục tiêu tăng trưởng xanh.
 

 

Được biết, kể từ năm 2012, ngày 21/3 hàng năm được Đại hội đồng Liên hợp quốc chọn làm Ngày quốc tế về rừng. Đây cũng là dịp để các quốc gia nâng cao được nhận thức về tầm quan trọng của rừng, từ đó khuyến khích người dân trong nước có trách nhiệm bảo vệ, bảo tồn và phát triển rừng bền vững.

Lê Thu
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn