|
Ảnh minh họa |
Vai trò của rừng trong việc điều tiết nguồn nước, đảm bảo cung cấp nước mùa khô và hạn chế lũ lụt vào mùa mưa đã được thừa nhận. Ở Việt Nam việc điều tiết nguồn nước tại các lưu vực sông suối, hồ chứa để đảm bảo tính ổn định bền vững của môi trường sống và sự hoạt động của các công trình đã đưa chức năng phòng hộ của rừng lên tầm quan trọng mới.
Việc xây dựng các khu rừng phòng hộ đầu nguồn trở thành cấp bách và không thể thiếu đối với mỗi lưu vực. Song để quy hoạch sắp xếp một cách khoa học cần phân cấp xung yếu cho từng diện tích đầu nguồn để xây dựng phương pháp và quy trình quy phạm phục vụ việc quy hoạch các dự án phòng hộ đầu nguồn. Trong những năm qua, nước ta đã triển khai nhiều chương trình nhằm tăng độ che phủ của rừng. Đây là những nỗ lực lớn của ngành lâm nghiệp, khẳng định tính đúng đắn của các giải pháp tác động, khẳng định vai trò quan trọng của rừng đối với sự phát triển bền vững đất nước.
Tuy nhiên ở nhiều nơi, rừng vẫn bị suy giảm, sự suy giảm đó kéo theo sự suy giảm các chức năng phòng hộ, vì nhu cầu bảo vệ nước và đất, đảm bảo an toàn sinh thái ở vùng đầu nguồn, việc rà soát rừng và phân cấp phòng hộ đầu nguồn nhằm đề xuất các biện pháp quản lý và biện pháp tác động đối với từng vùng, ngăn ngừa các quá trình bào mòn, rửa trôi, phục hồi thảm thực vật để bảo vệ tài nguyên đất một cách hiệu quả là cần thiết và đang được quan tâm, đặc biệt ở các mức xung yếu khác nhau diện tích rừng thực sự cần thiết là bao nhiêu, phân bố cụ thể ở những địa điểm nào, cần có những biện pháp tác động nào để đảm bảo an toàn về môi trường, giảm thiểu những thiên tai như hạn hán, lũ lụt, hoang hóa đất đai… gây tổn hại đến đời sống của con người và thiên nhiên đang là những câu hỏi chưa được giải đáp thỏa đáng.
Muốn giải quyết triệt để được những vấn đề đó, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức về quản lý bảo vệ rừng. Xây dựng các chương trình về thông tin - giáo dục - truyền thông, phổ biến kiến thức về pháp luật bảo vệ và phát triển rừng nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng của các chủ rừng, chính quyền các cấp, các ngành và toàn xã hội. Đổi mới phương pháp tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng tiếp nhận thông tin, nhất là đối với đồng bào dân tộc sống ở vùng sâu, vùng xa. Đưa kiến thức cơ bản về bảo vệ tài nguyên rừng vào chương trình giảng dạy ở cấp tiểu học và trung học. In ấn, phát hành các tài liệu tuyên truyền để phân phát cho các cộng đồng, xây dựng các bảng tuyên truyền ở những khu vực công cộng, trên giao lộ, cửa rừng...Vận động các hộ gia đình sống trong và gần rừng ký cam kết bảo vệ rừng; xây dựng và thực hiện các quy ước bảo vệ rừng ở cấp xã.
Hoàn thiện thể chế, chính sách và pháp luật. Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các cấp đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Thiết lập cơ chế, tổ chức quản lý rừng và đất lâm nghiệp theo ngành và liên ngành hợp lý để quản lý, bảo vệ rừng có hiệu quả.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan rà soát, hệ thống hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về bảo vệ và phát triển rừng; sửa đổi, bổ xung, xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ rừng, chính quyền các cấp và người dân trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Trên cơ sở đó, xây dựng chiến lược khung pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng đến năm 2020, tạo hành lang pháp lý ổn định trong hoạt động lâm nghiệp.
Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục rà soát và sắp xếp các lâm trường quốc doanh; đồng thời triển khai ngay các phương án bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp thu hồi từ các lâm trường quốc doanh, không để tình trạng rừng trở thành vô chủ. Trao quyền tự chủ về kinh doanh và tài chính cho các nông, lâm trường quốc doanh sau khi sắp xếp lại.
Nâng cao trách nhiệm của chủ rừng, chính quyền các cấp và sự tham gia của các ngành, các tổ chức xã hội vào bảo vệ rừng. Phối hợp với chính quyền các cấp xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình tuyên truyền, vận động và giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng cho các thành viên; phát hiện, đấu tranh, phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật; tổ chức các phong trào quần chúng tham gia bảo vệ và phát triển rừng.
Củng cố tổ chức, nâng cao năng lực của lực lượng kiểm lâm. Đổi mới tổ chức lực lượng kiểm lâm theo Luật bảo vệ và phát triển rừng để kiểm lâm gắn với chính quyền, với dân, với rừng, thực hiện chức năng tham mưu cho chính quyền địa phương, tổ chức bảo vệ rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, bảo đảm chấp hành pháp luật trong việc bảo vệ và phát triển rừng. Bố trí kiểm lâm địa bàn ở 100% các xã có rừng để tham mưu cho chính quyền cơ sở trong công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp, theo dõi chặt chẽ diễn biến rừng; kịp thời phát hiện, ngăn chặn ngay từ đầu những vụ vi phạm. Từng bước tăng biên chế cho lực lượng kiểm lâm để bảo đảm định mức bình quân 1.000ha rừng có 1 kiểm lâm. Đồng thời, tăng cường trang thiết bị cho kiểm lâm gồm các phương tiện hoạt động phù hợp với địa bàn rừng núi, hệ thống thông tin liên lạc, thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng.