Tại Điện Biên, hộ nhận khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng, thu nhập bình quân từ dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) 2,3 triệu đồng/hộ/năm, tương đương 2,5 tạ thóc; hộ tham gia bảo vệ rừng cộng đồng thu nhập bình quân 859.339 đồng/hộ/năm (tương đương 0,9 tạ thóc), từ đó giảm hẳn tình trạng phá rừng làm nương rẫy.
Phải khẳng định rằng, chính sách chi trả DVMTR đã góp phần làm tăng thu nhập của người dân vùng cao, góp phần tích cực trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, nhiều hộ nông dân đã có tiền để mua lương thực dự trữ giáp hạt, mua sắm được những vật dụng, đồ dùng sinh hoạt trong gia đình. |
Theo UBND tỉnh Điện Biên, kết quả thấy rõ nhất là ở những khu vực người dân được hưởng lợi từ chính sách chi trả tiền DVMTR. Trong thời gian qua, tại các lâm phần có triển khai chính sách chi trả DVMTR, người dân đã rất tích cực tham gia quản lý bảo vệ rừng. Hiệu quả công tác bảo vệ rừng được nâng lên rõ rệt. Đồng thời, môi trường rừng từng bước được bảo vệ, làm tăng khả năng phòng hộ, điều tiết nguồn nước. Không những dần nâng cao ý thức trách nhiệm của chủ rừng, mà còn huy động được nguồn nhân lực lớn cho công tác tuần tra, bảo vệ rừng một cách thường xuyên.
Điện Biên là tỉnh miền núi biên giới, có diện tích đất lâm nghiệp khoảng 780.000 ha (chiếm 79,5% tổng diện tích tự nhiên). Do vậy rừng có vai trò rất quan trọng trong việc phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ các công trình thủy điện lớn trên sông Đà và điều tiết dòng chảy cho hạ lưu.
Những năm qua, được sự đầu tư của Nhà nước, tỉnh đã xây dựng nhiều dự án đầu tư, phát triển rừng thông qua các Chương trình 327, 661, sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng đã góp phần bảo vệ diện tích rừng hiện có, khoanh nuôi phục hồi và trồng được hàng chục nghìn ha rừng mới, tăng độ che phủ rừng lên trên 40%.
Nhớ lại những năm tháng khó khăn trong công tác bảo vệ, phát triển rừng, ông Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên chia sẻ: “Năm 2009, tỉnh đã xây dựng quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2009 - 2020, trong đó đề ra nhiệm vụ phấn đấu đến năm 2020 đạt khối lượng nhiệm vụ chủ yếu là bảo vệ 530.000 ha rừng; khoanh nuôi tái sinh, phục hồi rừng tự nhiên 185.000 ha; trồng mới hơn 92.000 ha; trồng cây phân tán khoảng 30.000 ha. Nhiệm vụ này hết sức nặng nề, đòi hỏi phải có nguồn lực cần thiết. Bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, cần phải huy động vốn từ nhiều nguồn khác và quản lý có hiệu quả”.
Năm 2011, thực hiện chính sách chi trả DVMTR, tỉnh đã thực hiện quy hoạch 393.344 ha có rừng nằm trong lưu vực chi trả DVMTR, trong đó 7 huyện, thị có hơn 242.000 ha diện tích rừng nằm trong lưu vực sông Mã; 5 huyện, thị có hơn 32.000 ha diện tích rừng nằm trong lưu vực các nhà máy thủy điện, nước sinh hoạt nội bộ tỉnh.
Điện Biên đã tổ chức bộ máy quản lý và vận hành, xây dựng hệ thống chi trả Quỹ bảo vệ và phát triển rừng từ cấp tỉnh; cấp huyện, thị đến cấp xã, trong đó quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cấp.
Kết quả, đến hết năm 2013, tổng nguồn thu các loại dịch vụ như điều tiết và cung ứng nguồn nước; chống bồi lắng đã đạt trên 243 tỷ đồng. Đến tháng 7/2014, Quỹ chi trả DVMTR tỉnh Điện Biên đã giải ngân cho các chủ rừng 101,5 tỷ đồng. Trong đó, chi cho chủ rừng tổ chức 9,5 tỷ đồng; chi cho chủ rừng là hộ gia đình, cộng đồng thôn hơn 89,5 tỷ đồng và chi cho hoạt động, quản lý gần 2,5 tỷ đồng. Hiện nay, tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo Quỹ chi trả DVMTR phối hợp với UBND, các đơn vị chuyên môn các huyện, UBND các xã đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
"Để thực hiện thành công chính sách, cần có sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, đồng thời, phải vào cuộc một cách quyết liệt, kịp thời. Mặt khác, cần chú trọng và làm tốt công tác phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội về chính sách chi trả DVMTR", ông Lò Văn Tiến chia sẻ.
Minh Phúc
Theo NNVN