Quảng Ninh: Bảo vệ môi trường bằng những phong trào cụ thể
10:29 - 15/07/2022
(MTNT) – Những năm qua, xác định rõ tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh chỉ đạo các cấp Hội tập trung khai thác từ nhiều nguồn lực nhằm triển khai thực hiện hoạt động này đạt hiệu quả. Thông qua những phong trào, mô hình cụ thể về bảo vệ môi trường do các cấp Hội phát động, triển khai đã thu hút sự tham gia, hưởng ứng của đông đảo hội viên, nông dân và đem lại những kết quả thiết thực.

Tại các cánh đồng sản xuất của bà con nông dân đã không còn tình trạng vứt bỏ bừa bãi vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật độc hại như trước, góp phần thiết thực trong công tác bảo vệ môi trường nông thôn

 
Hội ND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp Hội ở cơ sở tích cực, chủ động phối hợp cùng các ngành chức năng trên địa bàn triển khai nhiều hoạt động phong phú, đa dạng về công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Cụ thể như: Khuyến khích sử dụng công nghệ, sản phẩm thân thiện với môi trường để ít tiêu hao nhiên liệu; hạn chế dần việc sử dụng nguồn nguyên, nhiên liệu có phát sinh khí thải gây ra hiệu ứng nhà kính... Đồng thời, đẩy mạnh việc vận động cán bộ, hội viên, nông dân tích cực tham gia các chương trình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn môi trường xanh- sạch- đẹp ở khu dân cư.

 
Theo đó, công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường luôn được các cấp Hội trong tỉnh quan tâm, đẩy mạnh. Hàng năm, Hội ND tỉnh tích cực phối hợp với ngành chức năng trên địa bàn triển khai thường xuyên các hoạt động thiết thực, cụ thể nhằm hưởng ứng các chiến dịch truyền thông như: Tuần lễ Quốc gia về Nước sạch và Vệ sinh môi trường; Ngày môi trường thế giới 5/6; Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn; Tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam…

 
Hội ND tỉnh còn thường xuyên phối hợp với ngành chức năng tổ chức các buổi tập huấn kĩ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Hội ND cấp huyện và cơ sở. Nội dung tập trung chủ yếu về: Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường; chính sách pháp luật, công tác quản lý của Nhà nước về bảo vệ môi trường; kỹ năng và phương pháp truyền thông vận động hội viên, nông dân nói riêng và nhân dân nói chung tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước sạch nhằm thay đổi hành vi về vệ sinh môi trường…

 
Đồng thời, các cấp Hội tăng cường phối hợp tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức bảo vệ môi trường cho hội viên, nông dân về: Kỹ thuật thu gom, phân loại rác thải tại hộ gia đình, thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật; vận động, hướng dẫn sản xuất theo quy trình trồng trọt, chăn nuôi an toàn vệ sinh thực phẩm, tiêu chuẩn VietGAP... Qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên, nông dân về bảo vệ môi trường, góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường tại địa bàn nông thôn.

 
Đáng chú ý, Hội ND tỉnh đưa chỉ tiêu “Tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và bảo vệ môi trường” trở thành một trong những chỉ tiêu chính để tiến hành việc đánh giá, xếp loại hàng năm. Trên cơ sở đó, các cấp Hội xây dựng kế hoạch, chủ động phối hợp với các ngành để triển khai thực hiện các chương trình, hoạt động. Thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới, các cấp Hội đã huy động được sự tham gia hưởng ứng tích cực của đông đảo hội viên, nông dân trong thực hiện tiêu chí về môi trường.

 
Đến nay, các cấp Hội đã xây dựng và duy trì được gần 100 mô hình bể thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại các khu sản xuất; 215 hầm biogas. Các cấp Hội cũng tập trung chỉ đạo việc xây dựng các mô hình xử lý rác thải, mô hình ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi; xây dựng 638 chi Hội thực hiện tiêu chí “Đẹp nhà, sạch đường, sạch đồng ruộng”...

 
Hàng năm, các cấp Hội trong tỉnh căn cứ theo tình hình thực tế ở địa phương đã mạnh dạn đề xuất, xây dựng những hoạt động và phong trào cụ thể. Đồng thời, tích cực vận động cán bộ, hội viên, nông dân cùng tham gia hưởng ứng nhằm bảo vệ môi trường nông thôn xanh- sạch- đẹp.

 
Tiêu biểu như: Hội ND thành phố Cẩm Phả với trào “TP Cẩm Phả- Thành phố triệu đóa hoa hồng" đã vận động hội viên, nông dân ra quân trồng mới 600 cây hoa hồng; Hội ND thành phố Hạ Long vận động cán bộ, hội viên, nông dân tham gia nạo vét, làm sạch 41.128 m2 kênh mương nội đồng để phục vụ sản xuất; Hội ND thị xã Đông Triều tổ chức tập huấn cho 357 hội viên, nông dân cơ sở về xây dựng mô hình bảo vệ môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với thu gom, xử lý rác thải trong sản xuất nông nghiệp; Hội ND thành phố Uông Bí đang duy trì và phát huy tốt mô hình tái chế rơm rạ sau thu hoạch thành phân bón hữu cơ thân thiện với môi trường...

 
Hội ND huyện Hải Hà đã triển khai phát động xây dựng mô hình “Đẹp nhà, sạch đường, sạch đồng ruộng” từ năm 2014 và nhận được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo hội viên, nông dân cũng như nhân dân trên địa bàn. Hiện, đã có 59 chi Hội ND trong huyện triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình này.

 
Để phong trào có sức lan tỏa sâu rộng, các chi Hội ND thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương tích cực tuyên truyền, vận động giúp người dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn. Đồng thời, tổ chức hướng dẫn các quy trình giữ gìn vệ sinh môi trường sống như: Sử dụng bể biogas thân thiện với môi trường; phân loại rác thải tại nguồn theo quy định; tích cực tham gia “Ngày chủ nhật xanh” và tiến hành làm vệ sinh đồng ruộng đảm bảo các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

 
Đến nay, hầu hết tại các cấp Hội trong tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình, phong trào hội viên, nông dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường bằng những việc làm thiết thực. Tại nhiều cánh đồng sản xuất đang được bà con nông dân hưởng ứng việc xây dựng mô hình thu gom rác thải sinh hoạt gắn với việc thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng.


Một số địa phương đã triển khai tốt hoạt động này như: Huyện Quảng Yên, huyện Đầm Hà, thị xã Đông Triều, thành phố Hạ Long... Các cơ sở Hội đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân xây dựng bể thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, thực hiện mô hình cánh đồng không vỏ thuốc bảo vệ thực vật. Qua đó, từng bước giúp hội viên, nông dân khắc phục thói quen xả thải các phế phẩm nông nghiệp, vỏ chai lọ thuốc bảo vệ thực vật tùy tiện, bừa bãi khắp nơi như trước đây.

 
Năm 2021, trên cơ sở các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao của tỉnh, Hội ND tỉnh cũng đã lựa chọn một số mô hình phù hợp để tập trung chỉ đạo triển khai. Cụ thể như: Xây dựng 638 chi Hội “Đẹp nhà, sạch đường, sạch đồng ruộng”; xây dựng 510 bể thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại các khu sản xuất; 215 hầm biogas; các mô hình xử lý rác thải, ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi...


Đặc biệt, Hội ND tỉnh đã tiến hành rà soát, lựa chọn địa bàn và đăng ký xây dựng mô hình "Xây dựng mô hình cộng đồng quản lý, phân loại, thu gom và xử lý rác thải nhựa vùng ven biển Vịnh Hạ Long”. Mô hình được triển khai tại địa bàn 4 phường của thành phố Hạ Long, gồm các phường: Hồng Hà, Hồng Hải, Tuần Châu, Hà Phong.

 
Cụ thể, Hội ND tỉnh giữ vai trò tổ chức điều phối và thực hiện dự án, Hội Phụ nữ và Hội Nghề cá tỉnh phối hợp thực hiện. Mục tiêu của dự án là giúp nâng cao, chuyển đổi về nhận thức, hành động của người dân sinh sống và ngư dân làm nghề cá tại vùng ven Vịnh Hạ Long trong việc giảm thiểu rác thải nhựa, góp phần gìn giữ, bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác hại của biển đổi khí hậu.

 
Có thể nói, đây là một trong số các mô hình dân vận khéo rất hiệu quả của các cấp Hội, đoàn thể được tập trung triển khai trong năm 2021. Qua đó, giúp nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, nông dân nói riêng cũng như cộng đồng dân cư nói chung trên địa bàn trong việc bảo vệ môi trường nông thôn; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

 
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Hội ND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao kiến thức, kỹ năng, dần thay đổi hành vi và thái độ về bảo vệ môi trường cho hội viên, nông dân. Bên cạnh đó, hướng dẫn và vận động hội viên, nông dân tích cực thu gom, phân loại chất thải ngay tại gia đình; huy động sự tham gia của cả cộng đồng trong hoạt động giám sát, quản lý chất thải nông thôn... Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng về thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý rác thải; nâng cao ý thức bảo quản, giữ gìn nguồn nước sạch, môi trường sinh thái…

Hà Phương
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn