Các cấp Hội tăng cường xây dựng mô hình bảo vệ môi trường
16:08 - 07/06/2022
(MTNT)- Trong những năm qua, các cấp Hội Nông dân trên cả nước đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường. Bằng các hoạt động cụ thể, thiết thực, nông dân cả nước đã góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm, tạo cảnh quan, môi trường trong lành, sạch đẹp.
Hàng năm, các cấp Hội Nông dân huyện Quảng Trạch, Quảng Bình thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn về kiến thức bảo vệ môi trường nhằm giúp cán bộ, hội viên, nông dân nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình, tích cực tham gia bảo vệ môi trường nông thôn, đô thị và thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, các cấp hội đã hướng dẫn hội viên thu gom, phân loại rác thải của hộ gia đình, xây dựng và duy trì hiệu quả mô hình “Đoạn đường nông dân tự quản”…

 
Năm 2021, Hội đã chăm sóc 350 cây giáng hương trên tuyến đường "Nông dân kiểu mẫu" ở xã Quảng Xuân; chỉ đạo Hội Nông dân xã Cảnh Hóa, Quảng Đông tích cực vận động, hội viên, nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới, góp phần giúp địa phương đạt 19/19 tiêu chí và về đích nông thôn mới năm 2021.

 
Tại TP. Đồng Hới, Quảng Bình các cấp Hội Nông dân đã tích cực tham gia vệ sinh môi trường tuyến biển, thu gom, phân loại, xử lý rác thải theo quy định, xây dựng cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp; tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi làm chuồng trại hợp vệ sinh, hướng dẫn hộ nông dân thu gom rác thải...

 
Đã có 126 mô hình Hội Nông dân tham gia bảo vệ môi trường, tiêu biểu như mô hình: “Đăng ký thu gom rác thải”, “Xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm bằng sinh học.

 
Thực hiện kế hoạch hưởng ứng sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng Chính phủ, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh Quảng Bình đã trồng được hơn 64.000 cây xanh phân tán. Các cấp Hội cũng đã xây dựng mô hình điểm “Nông dân, ngư dân chung tay tham gia bảo vệ và giữ gìn môi trường biển” với nội dung thu gom rác thải ở các xã ven biển, đã hỗ trợ 75 thùng đựng rác cho các tàu đánh bắt xa bờ và đặt ở các điểm công cộng. Các cấp Hội cũng xây dựng được 91 mô hình bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, 1.204 công trình tự quản do các chi hội đảm nhận.
 
 
Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân  tỉnh Thanh Hóa đã tích cực tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của hội viên, nông dân trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT). Qua đó, góp phần hạn chế tình trạng vứt rác thải, vỏ thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp.


Nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng về thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón cho hội viên, Hội ND tỉnh đã thực hiện “Mô hình thu gom, phân loại, xử lý rác thải, ủ rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình” ở xã Xuân Dương (Thường Xuân). Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 206 thùng nhựa phân thành các cặp, để phân loại rác thải vô cơ và hữu cơ.


Sau khi rác được phân loại, rác thải vô cơ sẽ được công ty môi trường thu gom đem đi xử lý, rác thải hữu cơ sẽ được các hộ gia đình đưa vào bể chứa trộn đều với chế phẩm AT-BIO. Sau khoảng 30 - 35 ngày, lớp rác thải sẽ được phân hủy thành phân hữu cơ, có thể sử dụng bón trực tiếp cho cây trồng hoặc phơi khô, cán nhỏ dự trữ trong bao bì lâu dài.


Mô hình “Thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình” khi triển khai đã thu hút sự chú ý của cộng đồng bởi dễ làm, chi phí thấp, góp phần rõ rệt trong việc giảm thiểu 60% lượng rác thải ra môi trường. Không chỉ góp phần tạo cảnh quan, BVMT, phân hữu cơ sau khi ủ được đem vào sử dụng đã giảm đi 20% chi phí cho việc mua các loại phân bón trong sản xuất; đồng thời tăng 20% năng suất lao động, giúp cây trồng phát triển tốt, nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Đến nay, mô hình đã được triển khai rộng rãi tại nhiều địa phương và mang lại hiệu quả cao.


Cùng với mô hình “Thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình”, Hội ND tỉnh còn xây dựng nhiều mô hình BVMT gắn với thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Năm 2021, Hội ND tỉnh đã triển khai 4 tiểu dự án tại các xã Cán Khê (Như Thanh); xã Đông Vinh (TP Thanh Hóa); xã Đa Lộc (Hậu Lộc); thị trấn Triệu Sơn (Triệu Sơn).


Qua việc triển khai dự án đã hỗ trợ thiết bị gồm 600 thùng nhựa đựng rác thải loại 60 lít, có bánh xe, nắp đậy, nhựa HDPE chống mưa nắng; hỗ trợ xây dựng 20 bể ủ rác thải hữu cơ thành phân bón và 152 lít chế phẩm để ủ rác thải hữu cơ. Đồng thời, mở 16 lớp tập huấn hướng dẫn quy trình thu gom, phân loại, xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón; hướng dẫn thành lập 10 tổ tự quản về BVMT trên các dòng kênh, mương, hỗ trợ dụng cụ vớt rác và 12 xe đẩy chuyên dụng để thu gom rác cho các tổ tự quản; khảo sát để hỗ trợ chế phẩm EM trong xử lý rác thải hữu cơ tại một số đơn vị trong tỉnh.


Cũng trong 4 tháng đầu năm 2022, Hội ND tỉnh đã tập huấn và bàn giao thiết bị thực hiện mô hình “Thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón ở hộ gia đình” tại xã Vạn Thiện (Nông Cống) và thị trấn Vân Du (Thạch Thành). Đồng thời, hỗ trợ 292 thùng chứa rác thải, 2 xe chở rác và chế phẩm sinh học để các hộ phân loại và xử lý rác thải ngay tại hộ gia đình. Ra mắt 10 tổ tự quản BVMT tại 10 huyện, thị xã, thành phố.


Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, HND các cấp đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân tham gia BVMT, ứng phó biến đổi khí hậu. Tích cực phối hợp xây dựng và nhân rộng các mô hình về BVMT. Những nỗ lực đó đã góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của cán bộ, hội viên, nông dân về bảo vệ tài nguyên và môi trường, sống thân thiện với môi trường.

 


 



 

Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa và Hội Nông dân huyện Thường Xuân trao thùng đựng rác cho các hộ dân

Ngọc Anh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn