|
Thông qua các mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ đã góp phần làm thay đổi nhận thức, chuyển giao các quy trình kỹ thuật, phương thức canh tác theo hướng hữu cơ đến người nông dân đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp |
Những năm gần đây, xu hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang được xem là hướng đi tất yếu của ngành nông nghiệp các quốc gia nói chung cũng như ở Việt Nam nói riêng. Có thể thấy, việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới nhằm tạo ra những sản phẩm nông sản sạch, an toàn, nhiều chất dinh dưỡng, có lợi cho sức khỏe con người, mặt khác lại giúp hạn chế bệnh tật trên cây trồng là rất cần thiết.
Trên cơ sở những lợi ích và hiệu quả đạt được, tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, chính quyền cùng các ngành chức năng đã tập trung đầu tư nguồn lực, chỉ đạo và hướng dẫn bà con nông dân triển khai thực hiện các mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Qua đó, còn nhằm làm thay đổi nhận thức, chuyển giao các quy trình kỹ thuật, phương thức canh tác theo hướng hữu cơ đến người nông dân đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp.
Đáng chú ý, mô hình này cũng đã từng bước hướng người nông dân tiến đến nền nông nghiệp phát triển an toàn, bền vững. Quan trọng hơn cả đó là thông qua các mô hình được triển khai còn góp phần giúp nhiều địa phương xây dựng được thương hiệu lúa, gạo sạch có uy tín và được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn trên thị trường. Cùng với đó, khuyến khích nông dân chuyển đổi sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường, hệ sinh thái đồng ruộng.
Tại tỉnh Nam Định, ngành chức năng đã khảo sát và tiến hành triển khai mô hình “Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ vụ Mùa 2021” ở địa bàn xã Liêm Hải, huyện Trực Ninh. Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ được triển khai thực hiện vừa phù hợp với chủ trương của tỉnh và huyện cũng như phù hợp với định hướng chung của ngành nông nghiệp.
Theo đó, mô hình được triển khai trên quy mô diện tích 1,5 ha canh tác, sử dụng giống lúa ST25, bằng phương thức gieo cấy là máy cấy mạ khay. Khi tham gia vào mô hình, bà con nông dân sẽ cam kết 100% sử dụng phân bón hữu cơ Con én vàng HC 888 của Công ty TNHH ứng dụng và phát triển công nghệ cao HITEDA, thuốc bảo vệ thực vật sinh học do Công ty TNHH Nông Sinh sản xuất; đồng thời, không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật hóa học mà chỉ sử dụng thuốc có nguồn gốc sinh học khi xuất hiện tình trạng có sâu bệnh trên cây lúa.
Qua đánh giá bước đầu, việc sử dụng 100% phân bón hữu cơ theo quy trình cùng với việc sử dụng máy cấy mạ khay đảm bảo về mật độ xuống giống nên cây lúa phát triển tốt, độ đồng đều cao, hạn chế được sâu bệnh. Mô hình từ khâu gieo trồng, chăm sóc đến thu hoạch hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, phân bón hóa học, chất kích thích sinh trưởng… nên bà con nông dân trong quá trình ra đồng ruộng chăm sóc lúa rất an toàn, không lo sợ bị phơi nhiễm các chất độc hại.
Những kết quả của mô hình khá rõ nét, đạt được nhiều lợi ích cùng lúc. Cụ thể: Năng suất bình quân đạt 210 kg/sào, với giá bán trên thị trường khoảng 10.000 đồng/kg cho lợi nhuận 2,1 triệu đồng/sào, cao hơn so với cấy đại trà từ 10-15%. Bên cạnh đó, khi nông dân sử dụng 100% phân bón hữu cơ sẽ tạo môi trường thuận lợi cho các vi sinh vật có lợi hoạt động, giúp đất đai được cải tạo tốt hơn, cây lúa phát triển cân đối, môi trường an toàn, hệ sinh thái đồng ruộng được đảm bảo…
Cũng vào vụ lúa mùa năm 2021, ngành chức năng trong tỉnh Sơn La đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn việc triển khai thí điểm mô hình trồng lúa theo hướng hữu cơ đầu tiên trên địa bàn một số xã của huyện Mai Sơn.
Cụ thể, được thực hiện từ tháng 6/2021, mô hình trồng lúa theo hướng hữu cơ đã triển khai cho 884 hộ dân tham gia sản xuất tại địa bàn các xã gồm: Mường Chanh, Chiềng Mai, Chiềng Mung, Chiềng Dong. Với diện tích canh tác hơn 100 ha, các hộ dân tập trung sử dụng những giống lúa như: Nếp 87, 97; một số giống lúa tẻ BC15, Nhị ưu 838; lúa nếp Tan Nhe của địa phương.
Cùng với việc hỗ trợ về nguồn vốn để triển khai mô hình, các hộ dân còn được tham gia 44 lớp tập huấn. Các kỹ sư nông nghiệp đã tổ chức hướng dẫn nông dân một số nội dung chủ yếu về: Kỹ thuật cấy lúa theo phương pháp cải tiến SRI; hướng dẫn cách mua và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”; hướng dẫn ủ phân bón hữu cơ từ các phế phẩm nông nghiệp sẵn có tại địa phương...
Đặc biệt, các hộ tham gia mô hình còn được cung ứng hỗ trợ gần 131 tấn phân bón. Theo định kỳ, ngành chức năng sẽ cử cán bộ thường xuyên xuống kiểm tra đồng ruộng để kịp thời phát hiện và hướng dẫn bà con nông dân cách xử lý sâu, bệnh hại bằng thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
Sau hơn 5 tháng triển khai, bước đầu mô hình trồng lúa hữu cơ đã có những tác động tích cực, làm thay đổi nhận thức của người nông dân trong canh tác và sản xuất. Nhìn chung, các hộ dân tham gia mô hình đã tự giác tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật cấy lúa theo phương pháp cải tiến, chủ yếu sử dụng phân hữu cơ trong quá trình chăm sóc lúa, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng thuốc, đúng bệnh đã giúp đem lại hiệu quả thiết thực trong sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Đến nay, trên các bờ ruộng triển khai mô hình đã không còn tình trạng những vỏ chai, lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật độc hại bị vứt bỏ tràn lan, bừa bãi như trước nữa.
Qua đánh giá của các chuyên gia, khi đem so sánh trên cùng một diện tích đất sản xuất, cùng mùa vụ và giống cây trồng cho thấy: Năng suất của các giống lúa nếp 87, 97 trồng tại mô hình cho thấy đã tăng 10%; đối với giống lúa nếp Tan Nhe địa phương, năng suất lúa cũng tăng 4% so với năm trước.
Bên cạnh đó, việc sản xuất lúa theo phương pháp canh tác hữu cơ cũng đem lại nhiều lợi ích khác cho người sản xuất. Tiêu biểu như: Hạn chế việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật; tận dụng các loại phế thải trong nông nghiệp để ủ phân hữu cơ giúp tiết kiệm chi phí sản xuất; bảo vệ môi trường, cải tạo đất phục vụ cho quá trình sản xuất lâu dài và bền vững…
Ngay từ đầu năm 2022, các ngành chức năng của thành phố Cần Thơ đã đẩy mạnh việc triển khai thực hiện mô hình “Sản xuất lúa bền vững theo hướng hữu cơ” tại Hợp tác xã Toàn Phát ở xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ.
Mô hình được thực hiện với quy mô diện tích 10 ha. Sau khi lựa chọn xong điểm trình diễn, ngành chức năng trên địa bàn đã phối hợp tiến hành tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật thâm canh lúa theo hướng hữu cơ cho bà con nông dân.
Trong quá trình thực hiện mô hình, các hộ dân đã được hướng dẫn áp dụng đúng quy trình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ như: Sử dụng lượng giống gieo sạ thấp từ 12- 14 kg/công; áp dụng công cụ sạ hàng; tưới ngập- khô xen kẽ; sử dụng 100% phân hữu cơ giúp giảm được từ 2- 3 lần lượng thuốc BVTV cần phun...
Theo chia sẻ của các hộ dân được lựa chọn tham gia mô hình, từ khi bắt tay vào sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, điều làm bà con nông dân thấy vui và yên tâm nhất là được các kỹ sư của ngành nông nghiệp các cấp xuống thăm đồng thường xuyên; được trực tiếp hướng dẫn về kỹ thuật trồng lúa theo phương pháp cải tiến. Cùng với đó, việc áp dụng trồng lúa theo mô hình hướng hữu cơ đã giúp cho cây lúa ít bị nhiễm sâu bệnh, giảm được chi phí khoảng 320.000 đồng/công so với cách sản xuất lúa theo hướng truyền thống (chỉ sử dụng phân bón hóa học).
Thêm lợi ích nữa đó là nông dân đã giảm được lượng giống gieo sạ khá lớn. Cụ thể, nếu như trước đây bà con phải sử dụng 25 kg lúa giống/công thì nay đã giảm xuống chỉ còn 12- 14 kg/công. Từ việc giảm bớt lúa giống, tiến hành sạ thưa nên lượng phân bón cũng giảm xuống; trước đây phải sử dụng 60 kg phân bón/công lúa/vụ thì nay chỉ cần 50 kg phân hữu cơ là đủ, lúa vẫn luôn xanh tốt.
Qua theo dõi mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ trong vụ Hè Thu cho thấy, tính đến thời điểm này, mô hình đã giúp người nông dân giảm được khá lớn các chi phí đầu vào trong sản xuất (nếu đem so với cách sản xuất truyền thống vẫn chỉ dùng phân bón hóa học như trước). Đây có thể xem là mô hình rất phù hợp đối với bà con nông dân khi thời điểm hiện tại giá cả vật tư nông nghiệp đầu vào đều đang tăng cao.
Có thể thấy, từ việc các địa phương khuyến khích bà con nông dân tích cực triển khai thực hiện mô hình trồng lúa theo hướng hữu cơ đã giúp nâng cao nhận thức, dần thay đổi phương thức canh tác trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, góp phần giảm công lao động, nâng cao giá trị cây trồng, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái đồng ruộng, phù hợp với thích ứng biến đổi khí hậu hiện nay.
Thời gian tới, các tỉnh, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc lúa theo hướng hữu cơ; vận động bà con nông dân tích cực hưởng ứng tham gia để từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm lúa nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.