Nhiều giải pháp hiệu quả bảo vệ vườn cây ăn trái trong mùa nắng nóng
Theo Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung tại vùng ÐBSCL đang được bảo vệ khá tốt.
Ðó là nhờ nông dân chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn được ngành Nông nghiệp khuyến cáo.
|
Nông dân trồng cây ăn trái trên địa bàn TP Cần Thơ thiết kế mương vườn khá lớn, chủ động trữ nước ngọt, thuận lợi tưới cây bằng xuồng máy |
Ðể phòng, tránh nguy cơ vườn cây ăn trái bị thiệt hại do thiếu nước trong mùa nắng nóng và ảnh hưởng của xâm nhập mặn, nông dân tại các địa phương đã chủ động tích trữ nước ngọt bằng nhiều giải pháp như đào ao chứa nước ngọt, gia cố hệ thống đê bao tích trữ nước ngọt trong mương vườn, kênh mương nội đồng, dùng bạt ni lông trải dưới kênh mương và nền đất chứa nước ngọt. Ðồng thời, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả thông qua đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm như tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa, kết hợp cung cấp dinh dưỡng qua hệ thống tưới. Tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ giúp đất trong vườn cây giữ ẩm tốt. Hạn chế bốc thoát hơi nước bằng tủ gốc với các nguồn vật liệu hữu cơ (rơm rạ, lá dừa, cỏ khô và các thực vật khác) hoặc màng phủ nông nghiệp để phủ gốc giữ ẩm cho cây...
Theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, để tránh nguy cơ vườn cây bị thiệt hại do nước mặn, trước khi lấy nước bà con cần kiểm tra độ mặn cẩn thận, tuyệt đối không lấy nước khi độ mặn cao hơn 1 phần nghìn. Ðặc biệt, đối với một số loại cây nhạy cảm với nước mặn như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt… không tưới nước có độ mặn cao hơn 0,5 phần nghìn. Khi vườn cây bị hạn mặn, chú ý bón bổ sung phân Sulphate Kali và vôi bột, khi hạn mặn kéo dài phun thêm phân bón lá và chế phẩm tăng cường khả năng chống chịu mặn. Bón phân vi lượng chứa canxi, magiê, silic giúp tăng khả năng đề kháng của cây. Tưới rửa mặn khi có nguồn nước ngọt.