(MTNT) – Những năm gần đây, tại các tỉnh, thành ven biển khu vực đồng bằng sông Cửu Long xuất hiện ngày càng nhiều mô hình canh tác tôm - lúa và đã cho thấy mang lại hiệu quả rõ nét. Đây được xem là hệ thống canh tác đặc thù của những vùng bị nhiễm mặn theo mùa, vì thông thường vào khoảng thời gian từ tháng 12 đến tháng 5 hàng năm, khu vực này vẫn đang phải gánh chịu hiện tượng nước mặn xâm nhập.
|
Mô hình canh tác một vụ tôm- một vụ lúa được xem là có tiềm năng lớn, giúp mang lại giá trị kinh tế và lợi nhuận cao cho bà con nông dân |
Đến nay, tại hầu hết các địa phương trong vùng đều đã và đang tập trung phát triển mạnh mô hình sản xuất kết hợp tôm - lúa. Đây chính là vụ lúa được sản xuất luân canh trên nền đất nuôi tôm, có thời vụ diễn ra khoảng từ tháng 8- 12 hàng năm.
Mô hình lúa - tôm là hình thức canh tác “một vụ tôm – một vụ lúa” trên vùng đất có 6 tháng nước ngọt và 6 tháng nước mặn. Trong 6 tháng nước ngọt, bà con nông dân tiến hành gieo sạ lúa; trong 6 tháng nước mặn còn lại thì tập trung nuôi tôm. Nhờ vậy, mô hình được đánh giá có tính bền vững hơn về mặt kinh tế và hiệu quả đầu tư, giúp ổn định và tăng thu nhập cho người sản xuất trước những ảnh hưởng tiêu cực mỗi khi có biến động về giá cả, thị trường… |
Theo đó, với hình thức canh tác một vụ tôm- một vụ lúa, đây được xem là mô hình có tiềm năng lớn trong việc áp dụng hệ thống chứng nhận hữu cơ, sinh thái, tạo ra giá trị cao cho cộng đồng. Từ những hiệu quả đạt được cho thấy, ngoài nguồn thu nhập chính là tôm - lúa, hiện bà con nông dân còn sáng tạo và dần nâng tầm mô hình tôm - lúa trở thành mô hình đa cây - đa con, giúp gia tăng giá trị sản xuất và lợi nhuận trên cùng một đơn vị diện tích canh tác.
Ngay từ những năm đầu của thế kỷ 20, khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã được biết đến như “vựa lúa- tôm- cá” của nước ta, góp phần tạo sinh kế ổn định cho hàng triệu hộ gia đình nông dân. Dọc theo các tỉnh, thành ven biển, các hệ sinh thái nhìn chung đã được thay đổi; đồng thời, các địa phương còn cho xây dựng nhiều hệ thống cơ sở hạ tầng nhằm kiểm soát nguồn nước lợ và nước ngọt để hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, nhất là trong sản xuất lúa.
Theo đánh giá của ngành chức năng, những năm gần đây, hình thức nuôi tôm - lúa đang phát triển mạnh ở hầu hết các tỉnh, thành thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Qua thống kê cho thấy, toàn vùng hiện có khoảng 170.000 ha diện tích canh tác tôm - lúa, tạo ra những sản phẩm tôm - lúa an toàn, có giá bán và lợi nhuận cao. Trong đó, nhiều nhất là tỉnh Kiên Giang với diện tích đạt hơn 64.100 ha; Cà Mau 42.600 ha; Bạc Liêu 36.800 ha; Sóc Trăng 11.500 ha...
Ước tính bình quân năng suất tại các diện tích kết hợp nuôi tôm - lúa đạt khoảng 300- 500 kg tôm/ha và 4- 7 tấn lúa. Điều này cũng đồng nghĩa với việc bà con nông dân trong khu vực này đang có mức thu lợi nhuận trung bình đạt từ 35- 50 triệu đồng/ha/năm (tính cả trên con tôm và cây lúa).
Mô hình canh tác tôm - lúa là hình thức nuôi trồng đang được đánh giá là “mô hình canh tác hiệu quả, đầu tư thấp”. Đó là nhờ đạt được những lợi thế như: Tôm nuôi trong ruộng sử dụng chủ yếu thức ăn tự nhiên nên có chi phí thức ăn thấp; ít bị nhiễm dịch bệnh; tôm nuôi thương phẩm có chất lượng tốt (do ít dùng hóa chất, kháng sinh); môi trường sinh thái được bảo vệ (do lúa sử dụng các chất thải từ vụ tôm); quan trọng nhất là mô hình nuôi trồng phù hợp với điều kiện sinh thái ở các vùng ven biển bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn, vốn không thể có khả năng trồng lúa quanh năm.
Nhờ đó, mô hình sản xuất lúa trên đất nuôi tôm đã được các nhà khoa học và ngành chuyên môn đánh giá là mô hình sản xuất hiệu quả, bền vững, thân thiện môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tại tỉnh Bạc Liêu, những năm qua, diện tích sản xuất lúa - tôm không ngừng được mở rộng và gắn với mục tiêu xây dựng thương hiệu “lúa thơm - tôm sạch” của tỉnh. Đồng thời, nhiều địa phương trong tỉnh cũng bắt đầu chuyển dịch việc tái cơ cấu sản xuất trên diện rộng theo hướng phát triển các mô hình nuôi thủy sản.
Cụ thể, ngoài những mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao, hiện trong tỉnh còn có các mô hình kết hợp nuôi tôm - lúa khác như: Tôm càng xanh xen lúa; luân canh tôm sú - lúa; mô hình tôm - rừng; nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến; nuôi kết hợp tôm - cua - cá…
Qua thống kê, toàn tỉnh hiện có hơn 10.000 ha diện tích đang được áp dụng mô hình nuôi tôm càng xanh - lúa, tập trung chủ yếu ở vùng Bắc quốc lộ 1A gồm các huyện: Hồng Dân, Phước Long, thị xã Giá Rai… Bên cạnh đó, mô hình tôm sú - lúa có diện tích đạt khoảng 31.328 ha, đang cho năng suất tôm trung bình đạt 260 kg/ha và lúa từ 4- 4,5 tấn/ha. Lợi nhuận bình quân của các mô hình đạt khoảng 30- 45 triệu đồng/ha/vụ.
Theo định hướng đến năm 2025, toàn tỉnh Bạc Liêu sẽ tiếp tục mở rộng phát triển mô hình trên 43.000 ha (đối với những địa phương có đủ điều kiện).
Tiêu biểu như địa bàn huyện Phước Long, trong năm 2021 sẽ tập trung sản xuất lúa - tôm với diện tích 13.500 ha. Trong đó, đẩy mạnh việc thực hiện Kế hoạch nhân rộng mô hình sản xuất giống lúa ST24 và ST25 trên đất nuôi tôm khoảng hơn 5.000 ha. Huyện sẽ tập trung hướng dẫn bà con nông dân xuống giống lúa mùa đối với các giống chủ lực như: Một bụi đỏ, ST24, ST25, OM18, OM9582…
Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Đông ở thị trấn Phước Long- huyện Phước Long, nhờ áp dụng mô hình kết hợp tôm- lúa trong nhiều năm qua đã giúp mang lại nguồn lợi nhuận cao. Hiện, trên diện tích 1 ha đất luân canh sản xuất kết hợp tôm- lúa, ông luôn đảm bảo tuân thủ đúng các điều kiện kỹ thuật của mô hình đặt ra như: Vụ tôm sú không tiến hành cấy lúa; đến vụ lúa sẽ kết hợp thả nuôi thêm tôm càng xanh. Nhờ đó, bình quân mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình ông khoảng 300 triệu đồng/năm.
Tại tỉnh Sóc Trăng, mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ trên vùng đất nuôi tôm thời gian qua cũng đang phát triển khá mạnh, nhất là ở địa bàn ấp An Hòa, xã Gia Hòa 2- huyện Mỹ Xuyên. Đáng chú ý, từ hiệu quả đạt được của mô hình, 24 hộ nông dân trong ấp đã nâng cao về nhận thức, mạnh dạn thay đổi cách làm theo hướng cùng nhau liên kết lại thành Tổ hợp tác Đoàn Kết để cùng tổ chức sản xuất trên diện tích 14 ha, giúp các hộ gia tăng thu nhập.
Theo đó, khi áp dụng sản xuất theo mô hình, bà con nông dân được hưởng nhiều lợi ích rõ rệt, nhất là nhờ quá trình cải tạo môi trường đất đã giúp các nuôi vụ tôm đạt hiệu quả cao hơn. Mặt khác, bà con còn được một doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ 100% giống lúa ST24; đồng thời, đứng ra bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra với mức giá ổn định, luôn đảm bảo cao hơn bên ngoài từ 1.500- 2.500 đồng/kg. Ngoài ra, mô hình còn được chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh hỗ trợ 30% phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học…
Qua đánh giá cho thấy, mô hình giúp đem lại hiệu quả kinh tế rõ nét khi năng suất lúa giữ ổn định ở mức 6 tấn/ha. Bên cạnh đó, lợi nhuận bình quân thu được gần 3 triệu đồng/ha khi bà con nông dân đảm bảo đúng kỹ thuật và yêu cầu của việc canh tác lúa theo hướng hữu cơ; mức lợi nhuận này đang cao hơn so với mặt bằng chung tại các thửa ruộng không tham gia mô hình.
Tiêu biểu như hộ gia đình ông Phạm Thanh Quang- Tổ trưởng Tổ hợp tác Đoàn Kết và cũng là 1 trong số các hộ dân tham gia thực hiện mô hình kết hợp xen canh lúa - tôm của xã. Với diện tích canh tác của gia đình khoảng 1 ha, ông đã áp dụng thả nuôi tôm thẻ vào thời điểm trước khi tiến hành mùa vụ gieo cấy lúa hàng năm.
Nhờ chăm sóc tốt, đảm bảo đúng kỹ thuật được hướng dẫn, sau khoảng hơn 2 tháng nuôi, gia đình ông thu hoạch được 600 kg tôm thẻ, mang về nguồn lợi nhuận hơn 56 triệu đồng. Từ mô hình tôm thẻ - trồng lúa hữu cơ, tổng nguồn thu nhập của gia đình ông Quang ước đạt gần 90 triệu đồng/năm.
Toàn tỉnh Cà Mau có khoảng 300.000 ha đất nuôi trồng thuỷ sản; trong đó, diện tích xen canh lúa - tôm vào khoảng hơn 36.300 ha. Đây hiện được xem là mô hình sản xuất gắn với chuỗi liên kết giá trị tiêu thụ bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nhờ các cấp chính quyền trong tỉnh tập trung thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, tính đến cuối năm 2020, toàn tỉnh đã xây dựng thành công một số vùng chuyên canh lúa gắn với chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ. Đến nay, tổng diện tích canh tác hiện đạt hơn 15.000 ha, chiếm 19% trên tổng diện tích chuyên canh lúa của toàn tỉnh.
Thông qua mô hình này, tỉnh cũng đã chỉ đạo nhân rộng các vùng sản xuất lúa - tôm chất lượng cao với quy mô trên 5.000 ha. Hiện đã tổ chức kết nối 3 doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo để xây dựng vùng nguyên liệu lúa - tôm đặc sản chất lượng cao có quy mô 2.000 ha tại địa bàn các xã Trí Lực và Trí Phải thuộc huyện Thới Bình.
Đáng chú ý, riêng Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất lúa - tôm Trí Lực đã tiến hành xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất lúa chất lượng cao có diện tích gần 1.000 ha cùng với 200 ha lúa hữu cơ đạt tiêu chuẩn châu Âu.
Hợp tác xã cũng đã chủ động tiến hành việc ký kết hợp đồng bao tiêu lúa hàng hóa với 3 Công ty gồm: Công ty Cỏ Mây (tỉnh Đồng Tháp); Công ty Gạo Ông Thọ (thành phố Hồ Chí Minh); Công ty Tấn Vương (tỉnh An Giang). Vụ mùa năm 2019- 2020, sau khi đã bán hết lúa cho công ty, các thành viên của Hợp tác xã giữ lại 17 tấn lúa để tiến hành việc làm sạch, đóng gói nhằm xây dựng thương hiệu gạo hữu cơ Trí Lực.
Theo ước tính của bà con nông dân, năng suất bình quân của lúa từ 3 - 3,5 tấn/ha; tôm đạt từ 250 - 300 kg/ha. Trung bình mỗi năm bà con sản xuất 02 vụ tôm và 01 vụ lúa; sau khi trừ hết mọi chi phí ban đầu, lợi nhuận bình quân đạt từ 50 - 60 triệu đồng/ha/năm.
Đặc biệt, để tận dụng hết lợi thế đất đai, ngoài 2 vụ nuôi luân canh tôm sú, Hợp tác xã còn thử nghiệm việc xen canh nuôi tôm càng xanh và cua trong vụ lúa. Theo đó, năng suất bình quân của tôm càng xanh khoảng 250 kg/ha/năm; cua đạt từ 180- 200 kg/ha/năm. Nhờ đó, sau khi trừ chi phí, tổng lợi nhuận bình quân đạt từ 80- 90 triệu/ha/năm.
Theo kế hoạch, đến cuối năm 2025, tỉnh Cà Mau phấn đấu chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa - tôm đạt từ 30 - 50% trong tổng diện tích lúa - tôm của toàn tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh việc hình thành vùng sản xuất gắn với chuỗi liên kết giá trị để tiến tới sản xuất hàng hoá lớn nhằm tối ưu hoá được năng suất, chất lượng và lợi nhuận. Tất cả để hướng tới mục tiêu nông - thuỷ sản của tỉnh sẽ có nhiều hơn các chứng nhận quốc tế đạt tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu như: USDA của Mỹ, EU của châu Âu và JAS của Nhật Bản.
Thời gian tới, để phát triển bền vững mô hình xen canh tôm - lúa ở các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long, các địa phương cần chủ động phát huy tốt những lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội. Đồng thời, cần đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển tôm nước lợ vùng đồng bằng sông Cửu Long trong năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Ngày 23/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 885/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020- 2030. Theo đó phát triển nền nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ của khu vực và thế giới; đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt khoảng 0,5- 1,5% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản (trong đó có các loài thủy đặc sản có giá trị kinh tế như: Tôm nước lợ, tôm càng xanh, thủy sản bản địa...); nâng cao hiệu quả của sản xuất hữu cơ trên một đơn vị diện tích; giá trị sản phẩm trên 01 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản hữu cơ cao gấp 1,3- 1,5 lần so với sản xuất phi hữu cơ.
Đến năm 2030, diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt khoảng 1,5- 3% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản (trong đó có các loài thủy đặc sản có giá trị kinh tế như: Tôm nước lợ, tôm càng xanh, thủy sản bản địa...); giá trị sản phẩm trên 01 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản hữu cơ cao gấp 1,5- 1,8 lần so với sản xuất phi hữu cơ. |