(MTNT) – Khu vực đồng bằng sông Cửu Long được biết tới là một trong những vùng đồng bằng có diện tích lớn, phì nhiêu nhất Đông Nam Á. Đây cũng là vùng sản xuất, xuất khẩu lương thực, vùng cây ăn trái nhiệt đới lớn nhất của nước ta với diện tích tự nhiên khoảng trên 4,09 triệu ha; trong đó, có 2,57 triệu ha đất đang sản xuất nông nghiệp, chiếm 62,9% tổng diện tích đất tự nhiên của cả vùng.
|
Nhiều địa phương đã sớm triển khai kế hoạch để bà con nông dân xuống giống vụ Đông Xuân sớm, giúp cây trồng “né” thời điểm xảy ra hạn mặn và khô hạn |
Bên cạnh đó, phần lớn diện tích vùng đồng bằng sông Cửu Long hàng năm đều được bồi đắp thêm bởi lượng phù sa lớn rất màu mỡ, nhất là dải đất phù sa ngọt dọc theo tuyến sông Tiền và sông Hậu. Đồng thời, cùng với mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt đan xen đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi trong việc cung cấp nguồn nước tưới cho hoạt động sản xuất lúa.
Nhờ có lợi thế đó, những năm qua, bà con nông dân tại các tỉnh, thành ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã và đang tập trung vào sản xuất lúa, khiến cho nơi này trở thành vựa lúa số một cả nước. Không những thế, toàn vùng còn đang đóng một vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm an ninh lương thực quốc gia cũng như phục vụ cho xuất khẩu. Đặc biệt, chỉ riêng năm 2018, đồng bằng sông Cửu Long đã đứng đầu cả nước về sản lượng lúa, tôm, cá tra và trái cây.
Theo thống kê, diện tích gieo trồng lúa của toàn vùng luôn đứng đầu cả nước, trung bình chiếm 52% diện tích gieo trồng lúa của cả nước. Cùng với đó, ngành lúa gạo của vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng đã không ngừng áp dụng việc cải tiến các giống cây trồng, chuyển đổi từ giống lúa có năng suất thấp (chỉ đạt 2- 3 tấn/ha) sang các giống lúa cao sản có năng suất và chất lượng cao (đạt 6- 8 tấn/ha); mặt khác, còn có sự thay đổi mùa vụ từ 1- 2 vụ/năm sang 3 vụ lúa chính/năm...
Năm 2000, diện tích gieo trồng lúa của toàn vùng đạt 3,94 triệu ha, chiếm 51,5% diện tích trồng lúa của cả nước. Năm 2015 đã tăng lên 4,30 triệu ha, chiếm 55%. Đến năm 2020 đạt 3,96 triệu ha, chiếm 54,5% diện tích trồng lúa của cả nước. |
Nhờ đó, ước tính năng suất lúa của vùng hầu hết qua các năm đều cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Cụ thể: Năng suất lúa vào năm 2020 đạt khoảng 60,1 tạ/ha; đặc biệt, vào vụ Đông Xuân năm 2021 đã đạt tới 72 tạ/ha, cao hơn 3,7 tạ/ha so với năng suất vụ Đông Xuân của cả nước.
Đáng chú ý, một số địa phương còn có năng suất lúa vụ Đông Xuân năm 2021 đạt rất cao. Tiêu biểu như các tỉnh: Hậu Giang (78,2 tạ/ha); Phú Yên (77,9 tạ/ha); Bạc Liêu (77,3 tạ/ha); Kiên Giang (76,2 tạ/ha); An Giang (74,7 tạ/ha); Đồng Tháp (73,2 tạ/ha).
Tuy nhiên, thời gian gần đây, trước các yếu tố cực đoan của tình trạng biến đổi khí hậu, đặc biệt là hạn, mặn ngày càng gia tăng đã tạo thành những áp lực lớn trong việc phát triển ngành nông nghiệp của vùng. Theo dự báo trong thời gian tới, tình trạng biến đổi khí hậu thậm chí sẽ còn tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, gây nên những thiệt hại lớn. Những khó khăn này cũng sẽ khiến cho hoạt động sản xuất nông nghiệp trong toàn vùng giảm dần sự trù phú. Từ đó, việc cải thiện sinh kế và tạo việc làm cho bà con nông dân ở các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long đang ngày càng trở nên khó khăn.
Trước những diễn biến phức tạp của tình trạng biến đổi khí hậu như hiện nay, các địa phương trong vùng đã nhanh chóng lên kế hoạch, đưa ra nhiều giải pháp linh hoạt để kịp thời phát triển kinh tế nông nghiệp tương ứng với sự thay đổi của các yếu tố thời tiết. Từ đó, vừa nâng cao hiệu quả sản xuất vừa gắn với công tác bảo vệ môi trường.
Hiện nay, ngành nông nghiệp của các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhất là các tỉnh gồm: Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang đã lên kế hoạch để người dân xuống giống vụ Đông Xuân sớm. Việc làm này nhằm giúp bà con nông dân có thể “né” thời điểm xảy ra hạn mặn và khô hạn. Theo ước tính, diện tích vụ này đạt khoảng 400.000 ha.
Cùng với đó, các tỉnh như: Tiền Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Long An cũng đã và đang tích cực tiến hành việc nạo vét hệ thống các kênh mương để tranh thủ dự trữ nước ngọt; đồng thời, có kế hoạch đóng kín dần các cửa cống từ phía biển lên thượng lưu vào thời điểm bắt đầu từ tháng 11 của năm 2021. Tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu cũng sẽ tăng cường việc nạo vét kênh, mương sớm trước khi mùa mưa kết thúc nhằm tích trữ và điều tiết nguồn nước hợp lý để bảo vệ hoạt động sản xuất của bà con nông dân, nhất là các mô hình lúa- tôm...
Tại tỉnh Sóc Trăng, để ứng phó với tình trạng hạn mặn đang ngày càng phức tạp, các cấp chính quyền trong tỉnh đã tập trung chỉ đạo ngành chức năng cần phải chủ động vận hành hệ thống cống, ngăn nước mặn trữ ngọt… Nhờ đó, toàn bộ diện tích gieo trồng vụ lúa Đông Xuân năm nay đã an toàn, không lo thiếu nước ngọt như những năm trước.
Mặt khác, tại nhiều địa phương trong tỉnh, ngành chức năng cũng đã đẩy mạnh việc triển khai nghiên cứu những công nghệ tưới tiêu khoa học nhằm hướng dẫn bà con nông dân gia tăng việc tiết kiệm nước tưới, nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng. Cụ thể, tại nhiều địa phương như: Thị xã Vĩnh Châu, huyện Mỹ Xuyên… người dân đã mạnh dạn đầu tư triển khai thực hiện việc lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt trên những diện tích trồng rau màu.
Bên cạnh đó, nhiều dự án khi triển khai tại địa phương đã khuyến khích bà con nông dân phát triển và chọn tạo những giống cây trồng mới, có khả năng chống chịu với những điều kiện bất lợi của thời tiết như: Dưa chuột, dưa hấu, bưởi da xanh … Nhờ đó, các mô hình kinh tế của người dân vừa phát triển tốt giúp gia tăng giá trị sản xuất vừa mang lại lợi nhuận cao.
Tiêu biểu có hộ gia đình anh Nguyễn Văn Đổi ở ấp 2, thị trấn Long Phú, huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng) là một trong số ít nông dân đầu tiên của tỉnh đã mạnh dạn đi đầu trong việc trồng thử nghiệm giống bưởi da xanh chịu mặn. Sau hơn 8 tháng triển khai mô hình, đến nay, tất cả 160 gốc bưởi da xanh của gia đình anh đều đã phát triển xanh tốt, trong khi những cây trồng khác cùng ở khu vực này bị chết khô do nhiễm nước mặn.
Những năm trước, để thích nghi với sự biến đổi bất thường của thời tiết, anh Đổi đã tập trung trồng dừa chuyên canh. Do tình trạng xâm nhập mặn ngày càng khốc liệt trong vài năm gần đây nên vườn dừa của gia đình anh cũng bị ảnh hưởng nặng nề, trái dừa phát triển kém, không đạt yêu cầu. Từ giữa năm 2019, anh Đổi tình nguyện đăng ký tham gia mô hình thử nghiệm trồng giống bưởi chịu mặn. Trải qua đợt mặn khốc liệt vừa rồi (độ mặn cao lên đến trên 10‰) khiến cho không loại cây trồng nào chịu được, thế nhưng vườn bưởi của gia đình anh vẫn sống khỏe.
Để kiếm thêm thu nhập và giữ độ ẩm cho đất, anh Đổi còn trồng xen lẫn cây sả trong vườn dừa. Khi sả phát triển tốt, anh thường cắt và đem bán phần gốc, cứ vài ba ngày thương lái lại tìm tới tận vườn để thu mua khoảng từ 40- 60 kg củ sả, với giá bán 5.000 đồng/kg; còn lại toàn bộ phần lá sả thì được đem ủ vào gốc bưởi dùng làm phân bón hữu cơ. Mô hình đang cho thấy tính hiệu quả rõ nét, hứa hẹn mang lại cho gia đình anh nguồn lợi nhuận cao.
Được biết, hiện Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng cũng đang tích cực phối hợp với Viện Cây ăn quả miền Nam để tập trung triển khai một số mô hình thử nghiệm trồng những giống cây chống chịu hạn, mặn, tiết kiệm nước. Thời gian tới, khi các mô hình điểm đạt được hiệu quả sẽ tiếp tục nhân rộng tại một số địa phương khác trong tỉnh. Qua đó, giúp bà con nông dân thay đổi thói quen canh tác cũ, dần thích nghi với điều kiện thời tiết sản xuất ngày càng khắc nghiệt như hiện nay.
Tương tự, nhiều địa phương trong tỉnh Tiền Giang cũng đang thực hiện việc chuyển đổi nhanh và mạnh về cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa truyền thống. Hiện, với tổng diện tích được chuyển đổi đạt khoảng hơn 12.900 ha; trong đó, đã có 9.850 ha cải tạo xong để chuyển sang trồng cây ăn quả.
Thực tế cho thấy, các giống quả ngon như: Thanh long, bưởi da xanh, sầu riêng… đều là những sản phẩm lợi thế mang tính đặc trưng của vùng. Tất cả những loại trái cây này đều đang mang lại mức lợi nhuận cao gấp 10 lần so với trồng lúa. Thậm chí, ước tính lợi nhuận từ cây sầu riêng mang lại cho các hộ trồng có thể lên đến 1 tỷ đồng/ha/năm, cao gấp 18 lần so với trồng lúa.
Mặt khác, từ việc bà con nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn giúp cải thiện về môi trường canh tác. Theo đó, khi bà con nông dân biết cách áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất sẽ giúp tiết kiệm nguồn nước tưới nhiều hơn so với việc canh tác lúa; đồng thời, hạn chế những thiệt hại do các yếu tố thiên tai gây ra.
Điển hình như hộ gia đình ông Huỳnh Văn Út ở xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) đã có kinh nghiệm trong xử lí ứng phó với tình trạng hạn mặn đạt hiệu quả sau mấy mùa phải gánh chịu những thiệt hại do khô hạn gây ra. Trong khu vườn của gia đình có diện tích rộng trên 1 ha đang được trồng chuyên canh cây sầu riêng từ nhiều năm nay, ông đã mạnh dạn dành ra hơn 1.000 m2 đất đầu tư cải tạo lại và dùng làm nơi dự trữ nước tưới, chuẩn bị ứng phó trong mùa khô hạn năm nay.
Sau nhiều năm trồng sầu riêng, ông Út nhận thấy đây là loại cây trồng rất nhạy cảm với yếu tố nước mặn. Vì vậy, chỉ cần độ mặn ở ngưỡng khoảng 0,5- 1‰ là cây trồng sẽ bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng, thậm chí là chết hết. Để thích ứng, ông bàn bạc với gia đình rồi quyết định đốn bỏ 20 gốc sầu riêng để dùng quỹ đất vào việc đào ao và dự trữ được khoảng hơn 5.000 m3 nước mưa. Dự kiến lượng nước này sẽ đủ để gia đình ông dùng vào việc tưới cho vườn sầu riêng trong khoảng 4 tháng của mùa khô.
Có thể thấy, việc các địa phương khuyến khích bà con nông dân mạnh dạn chuyển đổi những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây màu, cây ăn quả đã và đang khẳng định được giá trị, năng suất và hiệu quả kinh tế. Nhờ đó, các mô hình không chỉ giúp bà con nông dân giải quyết được áp lực về lượng nước tưới tiêu trong mùa hạn, mặn mà còn góp phần tạo thêm được việc làm cho nhiều lao động tại chỗ; tăng thêm thu nhập cho người dân nông thôn trong những tháng nông nhàn. Việc chuyển đổi sang nền nông nghiệp thông minh cũng chính là giải pháp tất yếu, không chỉ giúp giải quyết bài toán về môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn mở ra hướng đi cho một nền kinh tế xanh, bền vững.