(MTNT)- Ngày quốc tế bảo vệ tầng ô-dôn được tổ chức vào ngày 16/9 hằng năm nhằm tăng cường sự hiểu biết về Nghị định thư Montreal, nâng cao nhận thức và truyền tải các thông điệp về bảo vệ tầng ô-dôn tới các cấp, các ngành, cộng đồng và toàn xã hội. Chủ đề Ngày quốc tế bảo vệ tầng ô-dôn năm 2021 là “Nghị định thư Montreal: Làm mát thế giới, bảo quản thực phẩm và vắc-xin”.
|
Việt Nam đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động bảo vệ tầng ô-dôn |
Ngày quốc tế bảo vệ tầng ô-dôn năm 2021 nêu bật tầm quan trọng của việc bảo vệ tầng ô-dôn giúp làm chậm lại quá trình biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực làm mát, đảm bảo an ninh lương thực và bảo quản vắc-xin.
Các chất Hydrofluorocarbon (HFC) không phải là các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, nhưng là các chất khí nhà kính có tiềm năng nóng lên toàn cầu cao, được sử dụng để thay thế cho các chất làm suy giảm tầng ô-dôn. Chính vì vậy, các nước thành viên Nghị định thư Montreal đã thống nhất lộ trình kiểm soát và loại trừ các chất HFC.
Trong giai đoạn 2020-2025, Việt Nam cần thực hiện loại trừ 35% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC (tương đương với hạn ngạch nhập khẩu các chất HCFC chỉ còn 2.600 tấn, giảm 1.000 tấn so với giai đoạn trước); giảm dần trong giai đoạn sau đó cho đến khi chấm dứt nhập khẩu các chất HCFC vào năm 2040.
Năm 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 64/NQ-CP chính thức phê duyệt Bản sửa đổi, bổ sung Kigali thuộc Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn.
Kể từ khi tham gia Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal, Việt Nam đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động bảo vệ tầng ô-dôn nhằm thực hiện đúng lộ trình của Nghị định thư Montreal, trong đó có những cam kết về việc cắt giảm, loại trừ hoàn toàn các chất làm suy giảm tầng ô-dôn.
Bằng nhiều hoạt động thực tế, từ năm 2010, Việt Nam đã loại trừ hoàn toàn việc tiêu thụ một số chất làm suy giảm tầng ô-dôn như chất CFC, Halon, CTC. Riêng đối với chất HCFC-141b - nguyên chất được sử dụng trong sản xuất xốp và cấm sử dụng Methyl bromide không phục vụ kiểm dịch và khử trùng được loại bỏ hoàn toàn từ năm 2015. Theo thống kê, đến năm 2017, Việt Nam đã giảm 10% tổng mức tiêu thụ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn.
Năm 2019, Việt Nam là quốc gia thứ 82 trên thế giới phê duyệt Bản sửa đổi, bổ sung Kigali. Việc phê duyệt Bản sửa đổi, bổ sung Kigali có ý nghĩa quan trọng, thể hiện vai trò của Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm, tích cực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, sẵn sàng tăng cường hợp tác với các nước, cộng đồng quốc tế trong việc kiểm soát và loại trừ các chất HFC.
Triển khai thực hiện Bản sửa đổi, bổ sung Kigali loại trừ các chất HFC ở Việt Nam sẽ giúp loại trừ hàng triệu tấn CO2 tương đương, góp phần cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ hệ thống khí hậu Trái Đất, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính gây biến đổi khí hậu, giảm nhẹ các tác hại do biến đổi khí hậu gây ra.
Đồng thời, trong 3 năm 2020, 2021, 2022, Việt Nam nỗ lực giảm tiêu thụ tối đa các chất HFC, cắt giảm các chất này trong giai đoạn 2024 - 2045.
Theo Bộ TN&MT, để triển khai loại trừ các chất HFC, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp có sử dụng các chất HFC cũng như tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của các tổ chứ, cá nhân về sự cần thiết loại trừ các chất HFC, giúp giảm nhẹ biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.