Miền Trung ứng phó với tình trạng khan hiếm nguồn nước tưới vào mùa khô
15:06 - 03/08/2021
(MTNT) – Những năm gần đây, trước tình trạng biến đổi khí hậu có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là ở địa bàn các tỉnh, thành khu vực miền Trung đã làm cho nguồn nước tưới phục vụ sản xuất ngày càng bị thiếu hụt trầm trọng. Vì thế, đã có hàng chục nghìn ha đất canh tác của người dân không thể gieo cấy hoặc buộc phải tạm ngừng sản xuất. Điều này đã khiến cho nhiều địa phương đang phải gánh chịu thiệt hại nặng nề, đồng thời, còn gây tổn thất lớn đối với bà con nông dân.

Nhờ áp dụng các mô hình tưới tiết kiệm đã giúp bà con nông dân giảm thiểu các chi phí sản xuất, gia tăng lợi nhuận


 
Thực tế tại nhiều địa phương trong thời gian qua đã và đang xảy ra tình trạng ruộng đồng khô rạn nứt nẻ, ao hồ trở nên cạn kiệt, các loại cây trồng của bà con nông dân bị héo rũ, chết khô, năng suất cũng giảm sút mạnh do “khát” nước tưới. Thậm chí, rất nhiều người dân sinh sống trong những vùng hạn còn đang lâm vào hoàn cảnh thiếu hụt cả nguồn nước sạch phục vụ cho sinh hoạt và đời sống.

 
Theo tính toán của Viện Khoa học thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại các tỉnh, thành thuộc miền Trung nước ta, tình trạng thiếu nước và hạn hán xảy ra ngày càng thường xuyên hơn. Ước tính lượng mưa trong khu vực đang bị thiếu hụt từ 30 - 50% so với mức trung bình nhiều năm.

 
Cùng với đó, hiện tượng nắng nóng liên tục và kéo dài nhiều ngày cũng làm cho một lượng lớn nước trên bề mặt bị bốc hơi, gây ra cạn kiệt nguồn nước mặt và cả lượng nước ngầm. Từ nhiều năm nay, mỗi khi vào mùa khô, trung bình hàng năm có thể xuất hiện tới 60 - 90 ngày nắng nóng liên tục, không có mưa, sông suối khô hạn…

 
Trước thực trạng trên, để kịp thời ứng phó với tình hình hạn hán khắc nghiệt, chính quyền các tỉnh, thành ở miền Trung đã tập trung đầu tư xây dựng một số công trình hồ chứa nước, đào ao trữ nước, kiên cố hóa kênh mương… Đáng chú ý, nhiều địa phương đã mạnh dạn hướng dẫn và khuyến khích người dân chuyển đổi để đầu tư áp dụng các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng. Phương pháp này vừa giúp đảm bảo cung cấp đủ độ ẩm cho sự phát triển của cây trồng, vừa hạn chế được sự rò rỉ, thất thoát nguồn nước quý. Đây hiện cũng đang được xem là giải pháp có tính đột phá, mang lại hiệu quả thiết thực để phòng, chống hạn hán.

 
Qua đánh giá của các nhà khoa học cho thấy, việc ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đã và đang mang lại hiệu quả rõ rệt và thiết thực. Cụ thể: Thông qua các mô hình đã giúp tăng năng suất cây trồng cạn trung bình từ 10- 30% (tùy theo từng loại cây trồng); giảm từ 20- 50% chi phí nhân công lao động để tưới và chăm sóc; giúp tiết kiệm từ 20- 40% lượng nước tưới so với phương thức tưới truyền thống…

 
Đối với công tác ứng phó với hạn hán, thiếu nước, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, việc áp dụng các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước sẽ giúp giảm thiểu việc làm ảnh hưởng đến năng suất cũng như chất lượng sản phẩm mỗi khi xảy ra thời tiết bất lợi; giảm nguy cơ thiếu nước khi nắng nóng kéo dài; giảm rủi ro, thiệt hại trong sản xuất.

 
Bên cạnh đó, về mặt môi trường, áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cũng sẽ giúp giảm tình trạng ô nhiễm môi trường nhờ sử dụng hợp lý và tiết kiệm lượng phân bón trong quá trình canh tác. Từ đó, góp phần làm tăng hiệu quả kinh tế cho diện tích cây trồng, tăng thu nhập cho người dân và doanh nghiệp.

 
Nhờ có những lợi thế vùng, nước ta vốn có nhiều tiềm năng để phát triển mạnh lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nhất là các loại cây trồng cạn (cây ăn quả, cây công nghiệp…). Tuy nhiên, hiện quá trình phát triển nông nghiệp tại nước ta lại đang gặp phải rất nhiều khó khăn như: Tài nguyên đất và nước đang dần bị suy thoái; các hệ thống công trình thủy lợi vốn chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu tưới, lại đang gây quá nhiều tình trạng lãng phí trong việc sử dụng nguồn nước… 

 

Công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đã được áp dụng thành công tại rất nhiều quốc gia trên thế giới; đặc biệt là ở những vùng khô hạn có nguồn nước khó khăn. Điển hình là Israel- một quốc gia đi đầu trong công nghệ tưới tiết kiệm.

Để nâng cao hiệu quả sử dụng nước, giảm suy thoái đất cũng như nâng cao năng suất trong nông nghiệp thì vấn đề áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước là giải pháp không thể thiếu. Tại Việt Nam hiện cũng đã có rất nhiều các nghiên cứu ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến tiết kiệm nước vào sản xuất nông nghiệp và bước đầu đạt được những kết quả thiết thực và khả quan.

 
Tại tỉnh Thanh Hóa, thời gian qua, các cấp chính quyền đã đưa ứng dụng công nghệ cao vào phát triển nền nông nghiệp hiện đại, tập trung sản xuất định hướng theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng, ứng phó với hạn hán, biến đổi khí hậu.

 
Hiện, trên địa bàn đã có nhiều trang trại sản xuất nông nghiệp cũng áp dụng một số phương thức tưới nhỏ giọt tiên tiến như: Tưới quấn quanh gốc, tưới cục bộ, phun mưa… nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất đa dạng các loại cây trồng cũng như đặc thù riêng về địa hình của từng vùng miền. Kinh phí để lắp đặt công nghệ trong khoảng từ 30- 50 triệu đồng/ha.


Ưu điểm lớn nhất của phương pháp tưới nước tiết kiệm này là người dân không phải tốn công đào mương dẫn nước, đồng thời điều chỉnh lượng nước tưới theo nhu cầu của từng loại cây trồng nên g íup tiết kiệm đáng kể nguồn nước tưới. Ngoài ra, người dân còn có thể hòa lẫn các loại phân bón dễ hòa tan (đạm, kali, các loại phân bón dạng nước...) thông qua bồn pha chế gắn tại van điều chỉnh tổng. Nhờ đó, phân bón được hòa lẫn vào nước tưới nên giúp cây trồng hấp thụ tốt hơn; năng suất và hiệu quả kinh tế đạt được cao hơn so với cách tưới truyền thống.

 
Với những hiệu quả thiết thực đạt được trong sản xuất nông nghiệp như vậy nên hiện công nghệ tưới nhỏ giọt đã được chính quyền các địa phương trong tỉnh quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn áp dụng rộng rãi. Đồng thời, đem áp dụng đối với nhiều loại cây trồng đa dạng như: Ớt, bí xanh, mía, cây ăn quả, cây rau màu các loại...

 
Là một trong những hình thức ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, công nghệ tưới nhỏ giọt đang được xem là giải pháp hữu hiệu trong việc nâng cao năng suất, chất lượng cho sản phẩm nông nghiệp với nhiều ưu điểm vượt trội như: Tiết kiệm nước, giảm công lao động, giảm chi phí sản xuất... Hiện, công nghệ tưới này đang được người dân các địa phương trên địa bàn tỉnh ứng dụng rộng rãi, góp phần nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.

 
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, đến nay toàn tỉnh có khoảng 2.580 ha cây trồng cạn được ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm. Trong đó, theo loại hình công nghệ tưới, trên địa bàn tỉnh chủ yếu tưới bằng công nghệ tưới nhỏ giọt, chiếm gần 64% diện tích tưới tiên tiến, tiết kiệm. Phần lớn công nghệ, thiết bị tưới có xuất xứ của Israel và sản xuất trong nước thông qua việc cải tiến, tích hợp công nghệ của nước ngoài.

 
Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng ngày càng được các doanh nghiệp, Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh quan tâm, ứng dụng. Tiêu biểu như: Áp dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, đầu tư xây dựng khu nhà màng, nhà lưới… Vì thế, việc đầu tư công nghệ tưới tiên tiến tiết kiệm nước cũng là mối quan tâm, ưu tiên lựa chọn của các doanh nghiệp, Hợp tác xã để ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp sạch, thông minh trong quá trình sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.
 

Có thể thấy, sự tham gia hưởng ứng của các doanh nghiệp, Hợp tác xã trong việc áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn ngày càng phát triển mạnh qua từng năm. Nếu như thời điểm năm 2015 mới có 02 doanh nghiệp, 03 Hợp tác xã áp dụng thì đến năm 2020, đã có 24 doanh nghiệp, 33 Hợp tác xã thực hiện áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước và đã mang lại hiệu quả rõ rệt.

 
Mô hình trồng dưa Kim Hoàng hậu trong nhà màng của gia đình anh Lê Văn Long ở xã Minh Sơn (huyện Triệu Sơn) là một điển hình thành công và mang lại giá trị kinh tế cao. Bên cạnh việc áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel thì anh còn đầu tư lắp đặt thêm hệ thống nông nghiệp thông minh, sử dụng cảm biến đo nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng và tự động điều khiển máy bơm hoạt động theo nhu cầu sinh trưởng, phát triển của cây trồng.

 
Ngoài cơ chế tự động, hệ thống có thể cài đặt theo cơ chế điều khiển máy bơm vận hành tự tưới thông qua việc điều khiển từ chiếc điện thoại thông minh. Như vậy, chỉ cần có kết nối Internet thì cho dù ở bất cứ đâu, bất kỳ thời gian nào, anh Long cũng có thể điều khiển hệ thống tự động tưới đồng loạt cho cây trồng. Công nghệ này đang cho thấy nhiều tiện ích nhờ rất thuận tiện đối với người sản xuất mỗi khi có công việc bận không thể trực tiếp ra đồng ruộng.

 
Anh Long cho biết, sau một thời gian gia đình anh áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt sử dụng công nghệ hiện đại đã cho thấy đạt được rất nhiều ưu điểm, phù hợp với xu hướng phát triển sản xuất hàng hóa tập trung. Cụ thể như: Giúp tiết kiệm 70% khối lượng nước tưới so với cách tưới truyền thống; giảm 90% sức lao động; chi phí rẻ hơn rất nhiều nếu tính về mặt lâu dài.

 
Mặt khác, cùng với lợi ích nhờ tiết kiệm nhân công, tiết kiệm nước, hệ thống tưới nhỏ giọt không tạo thành dòng chảy nên tránh được việc xói mòn đất; đồng thời giảm thiểu đáng kể bệnh thối rễ ở cây, hạn chế sự lây lan dịch bệnh, giúp cây trồng không bị cháy lá, phát triển đều ngay cả trong thời tiết khắc nghiệt và thiếu nước. Đặc biệt, đối với những loại cây trồng ra hoa và quả, nếu tưới phun trực tiếp sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ đậu quả, tuy nhiên việc áp dụng tưới nhỏ giọt đã giúp khắc phục được những hạn chế này, nâng cao hiệu quả sản xuất của cây trồng.

 
Tỉnh Ninh Thuận thời gian qua cũng đang phải đối mặt với tình trạng hạn hán diễn biến ngày càng khốc liệt. Tuy nhiên, tại một số địa phương đã kịp thời có những cách làm hay trong việc ứng dụng công nghệ tiên tiến để tưới nước cho cây trồng giúp đem lại hiệu quả và giá trị kinh tế.

 
Thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm vào sản xuất đã và đang được các cơ quan chuyên môn đánh giá có nhiều ưu điểm vượt trội so với cách tưới truyền thống. Để ứng phó với tình trạng khan hiếm nguồn nước tưới, nhất là vào mùa khô, ngành nông nghiệp địa phương luôn khuyến khích và tích cực tư vấn, hỗ trợ bà con nông dân về kỹ thuật lắp đặt các mô hình tưới nước tiết kiệm trên diện tích các loại cây trồng khác nhau.

 
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có khoảng 1.500 ha đất sản xuất gồm các loại cây như: Nho, táo, mía, mãng cầu, bưởi, mít, cây rau màu, cỏ chăn nuôi… được áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm. Mô hình tưới nước tiết kiệm được chôn ngầm dưới đất và tưới phun mưa tự động giúp giữ được độ ẩm của đất theo nhu cầu sinh trưởng, sự phát triển của cây trồng giúp cây không bị kiệt sức do thiếu nước tưới.

 
Anh Phạm Văn Thu, một người dân ở địa bàn xã Vĩnh Hải- huyện Ninh Hải có 4 sào trồng nho đỏ. Vào những năm trước, cứ mỗi khi đến mùa hạn hán thì cả trăm cây nho của gia đình anh đều bị chết khô vì thiếu hụt nguồn nước để tưới.

 
Để có thể tự chủ động về nguồn nước tưới, anh Thu đã quyết định đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước gồm đường ống dẫn nước và bét phun sương. Hệ thống này hoạt động theo phương thức tưới cách nhật, thời gian tưới khoảng 7giờ/ngày, nhờ đó cây trồng vẫn đủ nước ướt đẫm cành lá và độ ẩm cho gốc. Đáng chú ý, cái hay của kỹ thuật tưới này chính là giúp bà con tiết kiệm đến hơn 50% lượng nước tưới; đồng thời, cả thời gian và công lao động cũng đã giảm bớt.

 
Gia đình anh Nguyễn Thành Quang cùng ở xã Vĩnh Hải- huyện Ninh Hải có 5 sào trồng giống nho đỏ (khoảng 5.000 m2). Những năm trước đây, cứ vào mùa khô hạn, có khá nhiều cây nho trong vườn bị chết khô do không đủ nước tưới. Trăn trở mãi, từ tháng 10/2019, anh mạnh dạn đầu tư gần 30 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới nước phun mưa cho toàn bộ vườn nho. Nhờ đó, vào mùa khô năm nay, gia đình anh đã không còn nỗi lo vì thiếu nước tưới trên cây trồng nữa.

 
Theo chia sẻ của bà con nông dân, công nghệ tưới nước tiết kiệm giúp giữ được độ ẩm của đất theo nhu cầu sinh trưởng, phát triển của cây nho cũng như giúp cây không bị kiệt sức do thiếu nước tưới. Bên cạnh đó, tưới tiết kiệm không gây ra hiện tượng úng cục bộ như tưới tràn, giúp bộ rễ cây nho phát triển khoẻ mạnh; đồng thời có thể đưa phân bón trực tiếp vào nguồn nước tưới, góp phần giảm thiểu lượng phân bón bị thất thoát do bốc hơi hoặc bị rửa trôi do tưới tràn quá nhiều.

 
Mô hình tưới nước tiết kiệm đã thành công trên vùng đất khô hạn của xã Vĩnh Hải. Hiện nay, với trên 182 ha trồng nho và 46 ha cây hoa màu mà bà con nông dân đang canh tác đã luôn xanh mát quanh năm. Tất cả là nhờ vào việc đầu tư lắp đặt và áp dụng công nghệ tưới hiện đại.

 
Nhờ hiệu quả mang lại kể trên, hiện nay, cùng với áp dụng tưới tiết kiệm cho cây nho, nhiều nông hộ trên địa bàn cũng đang tích cực nhân rộng mô hình tưới tiết kiệm trên một số loại cây trồng khác như: Măng tây xanh, nha đam, hành, mùi, đậu phộng, một số cây hoa màu khác... Đặc biệt, nhờ áp dụng tưới nước tiết kiệm, bà con nông dân có thể mở rộng sản xuất ngay cả trên các vùng đất cát bạc màu, góp phần hạn chế quá trình hoang mạc hóa đất đai.

 
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, các tỉnh, thành phố rất cần có những chính sách khuyến khích, ưu đãi về vốn để khuyến khích các nông hộ mạnh dạn đầu tư và lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm cho các loại cây trồng. Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng cần phối hợp với các đơn vị tổ chức cung ứng vật tư, thiết bị tưới nước tiết kiệm, tăng cường các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm cho người nông dân. Từ đó, giúp bà con nông dân đẩy mạnh sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trúc Hà
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn