Quảng Nam: Khuyến khích việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ứng phó với biến đổi khí hậu
15:03 - 20/07/2021
(MTNT) – Trước những diễn biến phức tạp khó lường của tình trạng biến đổi khí hậu, thời gian qua, các cấp, các ngành cùng chính quyền địa phương trong tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện nhiều giải pháp để phát triển kinh tế nông nghiệp tương ứng với sự thay đổi của thời tiết. Qua đó, vừa giúp bà con nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất vừa gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Việc khuyến khích bà con nông dân mạnh dạn chuyển đổi những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây rau màu đã và đang khẳng định được giá trị, năng suất và hiệu quả kinh tế


 
Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, tình hình thời tiết khô hạn diễn ra thường xuyên ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Do đó đã dẫn đến việc thiếu nước tưới phục vụ trong sản xuất, đặc biệt là vào thời điểm xuống giống cho vụ Hè Thu thì tình trạng này càng trở nên cấp bách.

 
Trước những khó khăn của bà con nông dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tăng cường sự chỉ đạo đối với các địa phương cần áp dụng những biện pháp cụ thể để sử dụng thật tiết kiệm nguồn nước. Đặc biệt, chỉ đạo các tổ hợp tác dùng nước cần có sự phối hợp sát sao với Chi cục thuỷ lợi, Sở NN&PTNT để nắm bắt kịp thời lịch xả nước của các thủy điện. Từ đó phối hợp sử dụng nguồn nước phục vụ sản xuất đạt hiệu quả.

 
Đồng thời, các địa phương cũng đẩy mạnh việc xây dựng những phương án chuyển đổi đất lúa ở một số khu vực có khả năng nhiễm mặn hoặc ở cuối kênh sang canh tác các loại cây trồng cạn. Năm 2021, các cấp chính quyền tỉnh đã tập trung hướng dẫn và hỗ trợ bà con nông dân chuyển đổi được gần 900 ha đất lúa không chủ động nguồn nước tưới sang các loại cây trồng cạn.

 
Bên cạnh đó, hàng năm, ngành chức năng ở các địa phương cũng thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn về phương thức chuyển đổi cây trồng nhằm giúp cho bà con nông dân biết cách lựa chọn những loại cây trồng phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, cải tạo một số diện tích sản xuất lúa một vụ kém hiệu quả để chuyển đổi sang trồng hoa màu, trồng cỏ nuôi bò hoặc đào ao thả cá. Qua đó, giúp nâng cao năng suất, mang lại hiệu quả kinh tế để ngày càng nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống của người nông dân trên địa bàn.

 
Tại địa bàn huyện Duy Xuyên, các cấp chính quyền huyện đã chủ động hướng dẫn cho các xã vận động người dân tích cực chuyển đổi được hơn 250 ha đất lúa kém hiệu quả, thiếu nước sản xuất sang trồng cây màu. Bước đầu, các mô hình cho thấy đã mang lại tính hiệu quả và giá trị kinh tế rõ rệt.

 
Bên cạnh đó, huyện cũng phát động bà con nông dân tích cực áp dụng các biện pháp tiết kiệm nước và tiến hành tưới theo chu kỳ được hướng dẫn. Ngành nông nghiệp huyện cũng tăng cường việc hỗ trợ bà con kéo điện ra đồng để đóng giếng tưới, hỗ trợ về giống, phân bón…

 
Chính nhờ việc kịp thời chuyển đổi đất lúa không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây có khả năng chịu hạn bước đầu đã giúp người sản xuất có nguồn thu nhập ổn định. Các cấp chính quyền trong huyện cũng thường xuyên khuyến khích các địa phương đẩy mạnh việc chuyển đổi cây trồng, mang lại lợi nhuận cao hơn nhằm tạo điều kiện giúp người dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

 
Đối với huyện Phú Ninh, để kịp thời ứng phó với những điều kiện khí hậu diễn biến ngày càng cực đoan, các cấp chính quyền trong huyện đang tập trung cho chương trình kiên cố hóa kênh mương, thủy lợi đất màu và thủy lợi nhỏ trên địa bàn.

 
Đồng thời, ngành chức năng của huyện cũng sẽ đẩy mạnh việc phát triển các công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng; tăng cường hướng dẫn người dân chủ động ứng dụng các công nghệ tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm nước. Qua đó, giúp hoạt động sản xuất nông nghiệp của bà con được duy trì và đảm bảo nguồn nước tưới ổn định.

 
Đáng chú ý, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền huyện, các cấp, các ngành đã chủ động xây dựng kế hoạch, tăng cường việc lồng ghép các nguồn vốn đầu tư và huy động sự đóng góp của nhân dân trên địa bàn để cùng thực hiện. Đến nay, toàn huyện đã đầu tư hỗ trợ, tiến hành kiên cố hóa được 9,1 km2; nâng tổng số lên hơn 85 km2 kênh mương loại II đã được kiên cố hóa (trên tổng số khoảng 94 km2 kênh mương hiện có của toàn huyện).

 
Cùng với việc huy động nguồn lực đóng góp trong nhân dân và sự đầu tư hỗ trợ từ Nhà nước đạt gần 36 tỷ đồng, huyện Phú Ninh đã tiến hành bê tông hóa được 39,6 km2 kênh loại III, nâng tổng chiều dài kênh kiên cố lên 168,7 km2. Qua đó, phục vụ nguồn nước tưới ổn định cho khoảng 1.750 ha đất sản xuất trên địa bàn toàn huyện; trong đó có 1.500 ha diện tích trồng lúa và 250 ha trồng màu. 

 
Ngoài ra, còn có 16 công trình thủy lợi nhỏ và thủy lợi đất màu cũng đã được huyện quan tâm đầu tư xây dựng nhằm phục vụ hoạt động tưới tiêu ổn định cho khoảng 671 ha đất sản xuất trên địa bàn. Nhờ phục vụ tốt nguồn nước tưới đáp ứng cho sản xuất đã giúp bà con nông dân nâng cao giá trị và thu nhập trên cùng một đơn vị sản xuất; đồng thời, góp phần làm giảm chi phí quản lý cũng như chi phí vận hành các công trình thủy lợi.

 
Toàn huyện Phú Ninh cũng đang tập trung mọi nguồn lực, phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ kênh mương trên địa bàn được kiên cố sẽ đạt hơn 80% trên tổng số kênh mương hiện có; trong đó ưu tiên các kênh đất bức thiết, phù hợp với quy hoạch nông thôn mới. Cụ thể: Sẽ tiến hành kiên cố 8,9 km2 kênh loại II còn lại và 55 km2 kênh loại III; đồng thời, chú trọng mở rộng diện tích tưới chủ động nước tại các địa phương vùng phía Tây kênh chính của huyện với việc đầu tư 122 tỷ đồng để xây dựng 9 công trình thuỷ lợi nhỏ.

 
Có thể thấy, việc khuyến khích bà con nông dân mạnh dạn chuyển đổi những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây màu, cây ăn quả đã và đang khẳng định được giá trị, năng suất và hiệu quả kinh tế. Các mô hình sản xuất mới không chỉ giúp bà con nông dân giải quyết được áp lực lượng nước tưới tiêu trong mùa khô hạn mà còn góp phần tạo thêm được việc làm cho nhiều lao động tại chỗ; gia tăng nguồn thu nhập cho người dân nông thôn trong những tháng nông nhàn.


Thời gian tới, việc các cấp, các ngành trong tỉnh khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi sang nền nông nghiệp thông minh cũng chính là một giải pháp tất yếu và cũng là định hướng phát triển đúng đắn bởi không chỉ giúp giải quyết bài toán về môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu mà còn mở ra hướng đi cho một nền kinh tế xanh, bền vững.

 

Quang Vinh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn