Vĩnh Phúc: Trồng rau khác người, vườn đẹp như phim, người đi ngang nhìn thấy cứ muốn vào xem thế nào
Mạnh dạn đầu tư, thuê lại 3.000 m2 đất ruộng để cải tạo, sản xuất nông sản sạch theo hướng hữu cơ, đến nay, mô hình nông trại “Đào Gia trang” của chị Văn Thị Yến, thị trấn Tứ Trưng, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) đã mang lại hiệu quả kinh tế, cung cấp nhiều loại rau, củ, quả cho thị trường.
|
Chị Văn Thị Yến, thị trấn Tứ Trưng, huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) thường xuyên kiểm tra, theo dõi qua trình tăng trưởng của cây trồng để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Ảnh: Trà Hương |
Xuất phát từ suy nghĩ muốn xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ phục vụ nhu cầu người tiêu dùng, chị Văn Thị Yến, sinh năm 1986 ở thị trấn Tứ Trưng, huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) đã tìm hiểu qua sách báo, trang thông tin để nghiên cứu cách chăm sóc rau vừa đạt năng suất, vừa đảm bảo an toàn.
Chị Yến còn trực tiếp đến các nhà vườn trong và ngoài tỉnh áp mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ học hỏi thêm kinh nghiệm. Từ những kiến thức tích lũy được, ban đầu chị áp dụng trên mảnh vườn nhỏ của gia đình.
Đến năm 2020, được gia đình, bạn bè ủng hộ, động viên, chị Yến thuê lại 3.000 m2 đất ruộng tại khu vực đồng Vĩnh Trưng, thị trấn Tứ Trưng để cải tạo sản xuất nông sản sạch theo hướng hữu cơ.
Trong đó khu trồng rau hữu cơ, chị xây dựng 1.000 m2 khu vực nhà lưới áp dụng theo quy trình khép kín sản xuất công nghệ cao, trồng chủ yếu các loại rau ngắn ngày theo mùa và một số giống rau có giá trị dinh dưỡng cao như cải kobe, cải xoăn, cải cầu vồng...
Với mục tiêu hướng đến phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, chị Yến không sử dụng thuốc diệt cỏ trong quá trình sản xuất mà để cỏ mọc tự nhiên, sau đó nhổ, ủ làm phân bón.
Các nguồn phụ phẩm trong chăn nuôi như phân chuồng, rác thải hữu cơ đều được chị tận dụng, ủ hoai mục để làm phân bón; sử dụng các chế phẩm sinh học từ gừng, ớt, tỏi để diệt, đuổi sâu bệnh...
Trong quá trình trồng và chăm sóc các loại rau, quả, chị Yến sử dụng nước đã được lọc bỏ các tạp chất và hệ thống tưới nước nhỏ giọt để đảm bảo độ ẩm cho cây.
Đến nay, mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ của chị Yến dần đi vào ổn định. Trung bình mỗi tháng thu hoạch 300-400 kg rau, củ, quả các loại; trừ chi phí thu lãi 20 triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho 5 lao động với thu nhập 4-5 triệu đồng/người/ tháng.
Theo chị Văn Thị Yến, các loại rau, củ, quả trồng theo phương pháp hữu cơ không dùng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu thì sản phẩm luôn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và giảm tác động đến môi trường, nhưng hình thức không được bắt mắt và giá thành cũng sẽ cao hơn.
Để khắc phục nhược điểm đó, chị Yến trồng xen canh các loại rau, củ, quả giúp giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.
Tuy nhiên, do chưa đảm bảo sản lượng để cung cấp thường xuyên cho các tiểu thương, nhà hàng, siêu thị, nên thời gian tới, chị Yến tiếp tục mở rộng thêm hơn 1.000 m2 nhà lưới để tăng sản lượng và trồng thêm nhiều loại rau, củ, quả; đồng thời, tận dụng triệt để kênh bán hàng trực tuyến, tuyển cộng tác viên để quảng bá sản phẩm, thu hút khách hàng.
Với quan niệm đặt niềm tin của khách hàng lên hàng đầu, chị Văn Thị Yến đã và đang tiếp tục học hỏi, nghiên cứu những phương thức mới trong sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng hữu cơ để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng.
Tất cả các sản phẩm đều được thực hiện quy trình sơ chế, đóng gói cẩn thận, có tem nhãn thương hiệu “Đào Gia trang” và được bọc bằng các nguyên liệu như lá chuối, túi giấy để bảo vệ môi trường sinh thái.