Loài cây lạ gốc gác từ xứ sở Ba Tư mới đưa về trồng ở miền Tây đang gây "sốt" là giống cây gì?
09:34 - 14/07/2021
Trước tác động ngày càng xấu của biến đổi của khí hậu, việc tìm những loại cây trồng phù hợp đang được bà con nông dân miền Tây quan tâm. Gần đây, cây chà là với đặc tính dễ trồng, vùng thích nghi rộng, giá trị kinh tế cao, đang được nhiều nông hộ chú ý, mở ra triển vọng cho loại cây trồng này ở miền Tây. 

Cây chà là chịu được khí hậu khắc nghiệt

Trước đây, cây chà là cũng được trồng tại Việt Nam nhưng gần đây rất hiếm khi thấy được cây và trái chà là tươi. 

Theo ông Nguyễn Trí Nghiệp, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông trang Island (tỉnh Vĩnh Long), trước đây các hiểu biết về cây chà là chưa được đầy đủ, sâu sắc nên hiệu quả kinh tế thấp làm cho loại cây trồng này dần bị lãng quên. 
 

Ông Nguyễn Trí Nghiệp (Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông trang Island (tỉnh Vĩnh Long) đang nhân giống chà là


Gần đây, cây chà là dường như sống lại ở Thái Lan. Tại đây, có nhiều vườn chà là rất đẹp, trái sai, mỗi buồng có thể nặng đến 15kg, màu sắc bắt mắt. 

Người dân trồng chà là chủ yếu để xuất khẩu nên có giá trị kinh tế cao. Trong khi đó, trái chà là sấy khô nhập khẩu rất được ưa chuộng tại thị trường Việt Nam.

Tại Việt Nam, cây chà là chủ yếu được trồng làm cây cảnh trong các resort, công viên, chưa được chú ý trồng cây lấy trái. 

Tuy nhiên trước ảnh hưởng ngày càng gay gắt của biến đổi khí hậu, cây chà là đã được quan tâm trở lại bởi cây dễ trồng, giá trị cao. Vùng sinh thái của chà là rất rộng, cây thích nghi được hầu hết các vùng đất từ phèn mặn, đến khô hạn. 

Ở lĩnh vực làm cây cảnh, cây chà là cũng mang đến rất nhiều lợi thế để phát triển như dáng đẹp, ít bị đổ ngã, lá cây khô không gây ô nhiễm môi trường. 

Trái chà là có chứa nhiều chất sắt, vitamin C, đường. Khi sấy khô, vitamin C bị mất đi, đường cô đặc lại. Trên các trang thương mại điện tử, trái chà là sấy khô được nhập khẩu từ Israel có giá bán khoảng 250.000-500.000 đồng/kg, tùy vào chất lượng trái.
 

Cây chà là bén duyên đất đồng bằng

Gần đây, một số nông dân ở TP Sa Ðéc, tỉnh Ðồng Tháp, đã trồng thành công cây chà là trong vườn hoa kiểng. Ông Nguyễn Văn Xuân, chủ cơ sở cây giống hoa kiểng Xuân Trang, phường Tân Quy Ðông, là một trong những người tiên phong trồng chà là tại TP Sa Ðéc (tỉnh Đồng Tháp). 

Ông Xuân cho biết, giống chà là này ông mua ở Thái Lan. Cây chà là dễ trồng, ít sâu bệnh, chủ yếu phòng tránh con đuông và bệnh xì mủ do nấm Phytophthora gây ra. Sau 2 năm trồng, cây chà là bắt đầu cho trái và kéo dài khoảng hơn 1 tháng. Giống chà là này trái to, nhiều thịt, hạt nhỏ.

Hiện nay, vườn chà là của ông Xuân đã 7 năm tuổi, hằng năm, mỗi cây cho khoảng 70-80kg trái tươi. Trước nhu cầu mua làm kiểng tăng cao, hiện các cây cho trái được ông Xuân bán với giá 60 triệu đồng/cây. 

“Hiện nay, trên thị trường cũng có một số giống chà là chuyên dùng để làm cảnh vì trái nhỏ, hạt to nên ít thịt. Mặc dù quả có thể ăn được nhưng thịt ít, người trồng chà là lấy quả sẽ không chọn giống này. Ðể trồng chà là lấy quả, nhà vườn nên chọn loại giống cho quả to” - ông Xuân chia sẻ.

Theo các nhà vườn, cây chà là dễ trồng vì ít bệnh, thích nghi với nhiều điều kiện khí hậu khác nhau. Tuy nhiên, do đây là loại cây có phân biệt giới tính đực, cái rõ ràng nên việc chọn lựa cây giống sẽ rất khó khăn. 

Ðể nhân giống cây chà là, người ta thường tách cây con từ cây mẹ giâm cành; ươm hạt cho nảy mầm rồi đem trồng và nhân giống vô tính bằng phương pháp nuôi cấy mô. 

Ðối với cách trồng thứ nhất, chắc chắn cho cây cái và thời gian cho trái sẽ sớm hơn trồng bằng phương pháp gieo hạt khoảng 2 năm nhưng phương pháp này sẽ không đủ cây con để tách ra. 

Ðối với cách thứ hai thì số cây đực và cái sẽ có tỷ lệ ngang nhau. Vì cây đực chỉ có giá trị thụ phấn (một cây đực là đã có đủ lượng phấn thụ tinh cho khoảng 100 cây cái) nên cây đực chiếm tỷ lệ cao trong vườn sẽ không mang lại giá trị kinh tế cao. 

Với những vườn cây chà là trồng bằng phương pháp gieo hạt, người ta phải đợi khoảng 3 năm mới biết được cây đực, cái; sau đó những cây đực sẽ được bán để làm cây cảnh. 

Từ khi công nghệ sinh học phát triển, người ta có thể nhân nhanh giống cây chà là bằng phương pháp nuôi cấy mô. Ðây là phương pháp rất ưu việt, vì số lượng cây giống được nhân lên rất nhanh.

Theo một số nhà vườn tại ÐBSCL, đều đặc biệt cần chú ý khi trồng là chà là cũng như cây dừa trước khi ra hoa thì cây phải hình thành hoa cái. 

Nếu khoảng thời gian này, cây chà là thiếu nước, sẽ không hình thành hoa cái được, nên nhà vườn cần quan tâm đến chế độ tưới nước cho cây, nhất là vào mùa khô. Cây chà là cũng không thích bóng râm, vì vậy nên trồng ở nơi nhiều ánh sáng.

Mùa khô năm 2020, ÐBSCL xuất hiện khô hạn và xâm nhập mặn kéo dài, nhiều cây ăn trái bị thiệt hại nặng nề, cây trồng có giá trị kinh tế cao như chà là lại tỏ ra rất phù hợp. 

Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là nguồn cây giống chà là còn khan hiếm nên giá bán mỗi cây từ 3-3,5 triệu đồng. 

Theo PGS.TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả Miền Nam, cây chà là có thể trồng được tại Việt Nam. Tuy nhiên, để phát triển tốt cây trồng này, cần phải tham khảo các mô hình bài bản, từ khoa học kỹ thuật đến cây chà là giống phải chuẩn thì mới đạt hiệu quả cao.

Chà là có tên khoa học là Phoenix dactylifera, thuộc họ cau. Chà là có nguồn gốc từ Trung Đông, Bắc Phi với hàng trăm giống và được trồng phổ biến trên thế giới. 

Cây chà là có chiều cao trung bình từ 15-25m, lá giống như lá dừa nhưng cuống lá có nhiều gai nhọn. Trái chà là có hình bầu dục, khi còn sống có màu xanh, khi già có màu vàng, chín ngả màu nâu sậm, ăn có vị hơi chát. 

Trái chà là chín có mùi thơm dễ chịu, chứa nhiều đường có thể dùng ăn tươi hoặc sấy khô.
 

Cây chà là có thể trồng được ở đất thấp, rồi lên liếp trồng như những liếp xoài, bưởi. Cây chà là cũng có thể trồng ở những nơi đất cao như trồng cây cao su ở miền Đông Nam bộ.
 
Theo PGS.TS Nguyễn Minh Châu, dù là cây sa mạc nhưng cây chà là cần một nguồn nước lớn. Cây chà là có nhu cầu nước cao, thích hợp ở nơi có lượng mưa cao khoảng 2.000mm/năm, nên mùa khô cần phải tuới nước thì cây chà là năng suất mới cao.

Nguồn: Danviet.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn