Tỉnh Hà Tĩnh chưa xem xét thay đổi lịch thời vụ sản xuất vụ Xuân 2021. Yêu cầu các địa phương bố trí lúa trỗ tập trung từ 25/4 – 30/4, kết thúc trước 5/5/2021.
“Xem đạo ôn như bệnh cúm ở người”
Ngày 30/11, UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết ngành NN-PTNT năm 2020; bổ cứu sản xuất và khôi phục sản xuất sau lũ lụt. Đồng thời, triển khai kế hoạch sản xuất nông nghiệp năm 2021.
Theo ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, nhiệm vụ trọng tâm cả hệ thống chính trị và người dân cần thực hiện thời điểm này là triển khai hiệu quả kế hoạch sản xuất vụ Đông 2020 để đảm bảo sinh kế trước Tết Nguyên đán; chuẩn bị các điều kiện sản xuất vụ thắng lợi Xuân 2021 và thực hiện các giải pháp khống chế dịch tả lợn châu Phi (DTLCP).
Cụ thể, với vụ Đông 2020, đến thời điểm này, toàn tỉnh gieo trỉa được 6.878/10.831 ha KH (đạt 63,5%); trong đó, ngô lấy hạt hơn 2.600/3.036 ha; ngô sinh khối đạt gần 1.500/2.046 ha; rau các loại 2.440/4.328 ha…
“Sau lũ, mỗi địa phương một cách làm nhưng nhìn chung địa phương nào cũng rất nỗ lực thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch đặt ra. Trong đó, hoan nghênh Hương Khê sản xuất ngô lấy hạt vượt đến 200% (900/450 ha KH); Vũ Quang đạt 100% KH (240/240 ha); Cẩm Xuyên 125/125 ha (đạt 100% KH)…”, ông Đặng Ngọc Sơn nhấn mạnh.
Riêng mũi nhọn vụ Xuân 2021, để thực hiện đạt mục tiêu gieo cấy hơn 59.000 ha; năng suất gần 56 tạ/ha, ngành chuyên môn Hà Tĩnh lưu ý các địa phương khuyến cáo nông dân “xem đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông như bệnh cúm ở người”, năm nào cũng có thể phát sinh, gây hại diện rộng để chủ động phát hiện sớm, có giải pháp phòng bệnh ngay từ đầu vụ, tránh tình trạng “nước đến chân mới nhảy”.
Về kế hoạch sản xuất, cơ cấu bộ giống, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT đề nghị các huyện, TP, thị xã “không phô tô báo cáo của sở nông nghiệp gửi xã dẫn đến xã không nắm được việc của mình làm là việc gì”. Các địa phương phải căn cứ thực tế đất đai, thổ nhưỡng trên địa bàn để cơ cấu nhóm giống phù hợp. Tuy nhiên, về cơ bản chú trọng tăng tỷ lệ giống năng suất, chất lượng để tăng giá trị hàng hóa, góp phần nâng cao chỉ số tăng trưởng; không cơ cấu 1 giống quá 30% diện tích gieo cấy.
Với nhóm giống có năng suất, chất lượng phù hợp thị hiếu người tiêu dùng mà bị nhiễm đạo ôn trong vụ Xuân như VTNA6, J02, Bắc Hương 9, khuyến cáo phải có hợp đồng kinh tế để bảo vệ quyền lợi cho nông dân.
Nhóm giống đặc thù như XT28, Xi23, bố trí ở vùng trũng không chủ động tưới tiêu của huyện Nghi Xuân, Lộc Hà; giống VTNA2 cơ cấu ở vùng đất cao, đất thịt nhẹ, không cơ cấu khu vực đất cát và cát pha; giống P6 gieo cấy ở huyện Đức Thọ, khuyến cáo bắc mạ cấy…
Huyện Thạch Hà là “thủ phủ” sản xuất lúa chất lượng cao của tỉnh Hà Tĩnh theo hướng liên kết với doanh nghiệp. Theo ông Nguyễn Văn Sáu, Phó Chủ tịch UBND huyện, sau 2 năm thực hiện thí điểm phá bờ thửa, hình thành vùng sản xuất cánh đồng lớn cho thấy, đây chương trình có ý nghĩa lớn, làm tiền đề cho việc thay đổi quan hệ sản xuất thời gian tới.
Vụ Xuân 2021 Thạch Hà tiếp tục lấy chương trình này làm mũi nhọn. Hiện huyện đã tham mưu HĐND thông qua Nghị quyết về đề án phá bỏ bờ thửa tích tụ ruộng đất, phấn đấu giai đoạn 2021 – 2025 thực hiện cánh đồng lớn với tổng diện tích hơn 2.000 ha, tiến tới 1/3 diện tích trồng lúa toàn huyện làm cánh đồng lớn.
“Liên quan đến thời vụ vụ Xuân, kiến nghị tỉnh, ngành chuyên môn xây dựng một đề tài khoa học đánh giá lại lịch thời vụ. Bởi lịch thời vụ của Hà Tĩnh đã áp dụng 30 năm nay, trong khi những năm gần đây biến đổi khí hậu thường xuyên. Việc đánh giá lại lịch thời vụ là để khẳng định lịch chúng ta đang tốt hay cần phải thay đổi để phù hợp hơn với tình hình thời tiết hiện nay”, ông Nguyễn Văn Sáu nhấn mạnh.
Đối với sự tham gia của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị sản xuất lúa, bà Võ Thị Hồng Minh, Giám đốc Công ty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh thông tin, vụ xuân sắp tới công ty sẽ liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho nông dân với tổng diện tích khoảng 500 ha. Đồng thời, tham gia phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh, xây dựng 1- 2 mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ trên cánh đồng lớn.
Tạm dừng chính sách hỗ trợ lợn giống để phòng chống DTLCP
Đối với lĩnh vực chăn nuôi, 2 tháng nay DTLCP trên địa bàn Hà Tĩnh luôn ở trong tình trạng báo động “đỏ”, đặc biệt là sau đợt lũ lụt lịch sử hồi giữa tháng 10/2020.
Theo ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, có 3 nguyên nhân chính khiến DTLCP đợt này khó kiểm soát. Trước hết là tổng đàn lợn tăng nhanh ở nông hộ trong thời gian ngắn, từ 320 ngàn con (tháng 4/2020) lên gần 400 ngàn con (tháng 10/2020). Đáng nói, nông hộ tái đàn nhanh nhưng hầu hết không làm tốt công tác đảm bảo an toàn sinh học dẫn đến khó kiểm soát dịch.
Tiếp đến, thời tiết mưa rét, âm u tạo môi trường thuận lợi cho dịch bệnh phát tán. Đặc biệt, sau lũ lụt, nhiều vùng ngập sâu khéo dài, môi trường chăn nuôi bị ô nhiễm nghiêm trọng, tạo điều kiện cho các mầm bệnh lây lan diện rộng.
“Bây giờ lo nhất là việc bảo vệ đàn nái, bởi tổng đàn, tỷ trọng chăn nuôi chủ yếu tập trung ở nhóm này và đây cũng là nơi cung cấp con giống cho cả tỉnh để tái thiết sản xuất sau dịch”, ông Hùng nói. Đồng thời cho biết, hiện toàn tỉnh đang còn 20 xã/7 huyện, thị xã, TP có dịch chưa qua 21 ngày.
Để ngăn chặn dịch lây lan, ngoài thực hiện các giải pháp an toàn sinh học, ngành nông nghiệp đề nghị tỉnh Hà Tĩnh tạm dừng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 214/2020/NQ – HĐND của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19.
Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT thông tin, qua điều tra, khảo sát, lâu nay chăn nuôi an toàn sinh học chỉ những cơ sở lớn mới thực hiện đảm bảo, trong khi dịch truyền nhiễm rơi hoàn toàn vào khối chăn nuôi nông hộ. Hầu hết bà con nuôi lợn chung với nhiều loại vật nuôi khác, sử dụng thức ăn tận dụng; không thực hiện cách ly, vệ sinh chuồng trại trong chăn nuôi; mua giống không có nguồn gốc, thậm chí lợn chết rồi mới báo cáo cơ quan chức năng.
Đáng ngại hơn, hiện 128/184 xã, phường bố trí nhân viên thu ý cấp xã không có trình độ chuyên môn, vấn đề này thực sự rất bất ổn trong bối cảnh dịch bệnh leo thang.
“Hỗ trợ giống lợn tái đàn là cần thiết nhưng không thể làm bằng mọi giá khi mà DTLCP đang diễn biến hết sức phức tạp. Các huyện cần tạm dừng khuyến khích thả lợn giống hỗ trợ theo Nghị quyết 214, tránh tình trạng dân thiệt hại, nhà nước mất tiền”, ông Đặng Ngọc Sơn nói.