Trồng rừng gỗ lớn - hướng phát triển bền vững thích ứng biến đổi khí hậu
(MTNT)- Nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, tăng hấp thụ các-bon và thu nhập cho người dân, thời gian qua, nhiều địa phương và ngành lâm nghiệp đã phát triển trồng rừng gỗ lớn, tiến tới cấp chứng chỉ Quản lý rừng bền vững (FSC-tiêu chuẩn rừng quốc tế do Hội đồng quản trị rừng thế giới cấp).
|
Trồng rừng gỗ lớn hiện vẫn chưa phát triển tương xứng với lợi thế. |
Năm 2019, Việt Nam đã ký đàm phán hiệp định VPA/FLEGT và hiệp định thương mại EVFTA với Liên minh Châu Âu (EU). Gỗ, đồ mộc và đồ gia dụng của Việt Nam đã vào được thị trường khó tính này là điều kiện để nâng giá gỗ lên cao trong thời gian tới. Do vậy, bắt buộc người dân phải trồng rừng gỗ lớn và được cấp chứng chỉ FSC, khi đó giá bán gỗ sẽ cao hơn từ 18 - 20% so với giá thị trường.
Thực tế cho thấy, trồng rừng gỗ nhỏ chỉ sau 5-7 năm là cho thu hoạch, nhưng gỗ chỉ đem bán làm gỗ dăm hoặc làm nguyên liệu giấy nên giá trị thấp (chỉ đạt khoảng 1 triệu đồng/tấn). Khi chuyển sang trồng rừng gỗ lớn với thời gian trồng từ 10-12 năm thì sẽ bán với giá rất cao (từ 2,2- 3triệu đồng/m3); do gỗ lớn có đường kính lớn, có thể chế biến làm gỗ xẻ, gỗ thanh, ván ép nên bán được giá.
Bên cạnh đó, việc trồng rừng gỗ nhỏ cũng đòi hỏi phải tái đầu tư chi phí giống, vật tư, công trồng, chăm sóc và bảo vệ ban đầu, rừng lại có nguy cơ cháy cao hơn so với rừng gỗ lớn. Trồng rừng gỗ lớn không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cao hơn mà còn giúp giảm xói mòn, rửa trôi đất. Hơn nữa, chi phí đầu tư thấp hơn so với trồng rừng gỗ nhỏ do giai đoạn về sau chủ yếu là chi phí bảo vệ rừng thay vì phải tái đầu tư chi phí...
Tại Bắc Giang, Tổng cục Lâm nghiệp đã phối hợp với Chi cục Lâm nghiệp tỉnh thực hiện dự án khuyến nông Trung ương “Xây dựng mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn (keo lai, keo tai tượng) và chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn”. Đến nay, tỉnh đã trồng được 120ha rừng thâm canh gỗ lớn keo tai tượng, với 65 hộ gia đình tham gia; chuyển hóa 175ha rừng trồng kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn với 85 hộ gia đình tham gia tại các xã: An Lạc, Hữu Sản, Dương Hưu, Long Sơn (huyện Sơn Động); Phong Minh, Xa Lý, Tân Sơn, Cấm Sơn, Sơn Hải, Kiên Lao (huyện Lục Ngạn); các xã Đông Hưng, Vô Tranh (huyện Lục Nam) và các xã Đồng Vương, Xuân Lương (huyện Yên Thế).
Theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh đến năm 2020, sẽ thực hiện 29.000ha rừng trồng, trong đó diện tích trồng rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn khoảng 4.200ha; phấn đấu đến hết năm 2020 diện tích kinh doanh rừng gỗ lớn đạt 7.200ha và nâng cao năng suất rừng trồng bình quân đạt 20 m3/ha/năm.
Triển khai dự án Xây dựng mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển hóa rừng cung cấp gỗ nhỏ sang gỗ lớn do Bộ NN&PTNT chủ trì, từ năm 2014-2019 tỉnh Quảng Ninh đã trồng mới 120ha rừng trồng thâm canh gỗ lớn cây keo tai tượng xuất xứ Pongakii (huyện Ba Chẽ 70ha, Tiên Yên 50ha); chuyển hóa được 210ha rừng cung cấp gỗ nhỏ thành gỗ lớn (huyện Hải Hà 60ha, Đầm Hà 32ha, Ba Chẽ 45ha, Vân Đồn 33ha, Hoành Bồ 40ha).
Mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn phần lớn được thực hiện trên đất rừng trồng sau khai thác, lập địa tương đối tốt (tầng đất trung bình 0,5m), khí hậu thuận lợi, phù hợp với với đặc điểm sinh thái của cây keo tai tượng. Thời vụ trồng rừng là vụ xuân hoặc vụ xuân - hè.
Tham gia dự án chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn đối với cây keo tai tượng, bà con được tiếp cận tiến bộ khoa học trong trồng, chăm sóc, thâm canh gỗ lớn; góp phần làm thay đổi tư duy trong trồng và chăm sóc cây keo. Nhờ trồng với mật độ thưa (từ 1.200-1.300 cây/ha), bước đầu cho thấy phần diện tích chuyển đổi trồng rừng thâm canh gỗ lớn sinh trưởng tốt, tăng sinh khối một cách rõ rệt, từ 2-3 lần so với rừng trồng của nhiều người dân địa phương đang làm.
Qua đánh giá 2 mô hình tham gia dự án rừng trồng thâm canh gỗ lớn keo tai tượng tại các xã: Phong Dụ, Điền Xá (huyện Tiên Yên), mật độ 1.220 cây/ha, đến nay tỷ lệ sống trên 91%, chiều cao vút ngọn 9,87m, đường kính ngang ngực 10,96cm. So sánh với rừng trồng gỗ nhỏ mật độ là 1.620 cây/ha, chiều cao cao hơn không đáng kể 0,67m (gỗ nhỏ 9,20m), nhưng đường kính ngang ngực lớn hơn 2,31cm (gỗ nhỏ 8,65cm). Bước đầu mô hình mang lại hiệu quả, tăng năng suất, chất lượng gỗ.
Từ năm 2016, UBND tỉnh Nghệ An đã có cơ chế chính sách hỗ trợ 50% giá cây giống keo lá tràm, keo tai tượng, sao đen (ươm bằng hạt hoặc nuôi cấy mô) đạt tiêu chuẩn cho hộ nông dân trồng rừng trên diện tích đất lâm nghiệp được giao, hoặc cho thuê trong vùng quy hoạch sản xuất kinh doanh rừng gỗ lớn được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tỉnh cũng có cơ chế hỗ trợ 50% giá cây giống cây bản địa (lim xanh, lát hoa, trám) cho các hộ dân trồng rừng trên đất lâm nghiệp được giao, hoặc cho thuê trong quy hoạch vùng sản xuất kinh doanh rừng gỗ lớn được phê duyệt. Nhờ đó, tổng diện tích rừng trồng kinh doanh gỗ lớn trên toàn tỉnh ước đạt hơn 9.000ha. Theo quy hoạch, đến năm 2025, tỉnh sẽ có 18 huyện trồng 148.000ha gỗ lớn, trong đó diện tích chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ 19.000ha, rừng trồng mới 72.000ha, trồng lại 57.000ha.
Tại Quảng Trị, nhờ sự giúp đỡ về mặt kỹ thuật và kinh phí của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) Việt Nam, Tổng cục Lâm nghiệp, Sở NN-PTNT tỉnh đã chỉ đạo Chi cục Lâm nghiệp tỉnh triển khai thực hiện mô hình quản lý rừng trồng bền vững để cấp chứng chỉ FSC cho nhóm hộ gia đình nông dân đã tham gia dự án trồng rừng Việt - Đức tại địa bàn 2 xã Trung Sơn (huyện Gio Linh) và Vĩnh Thủy (huyện Vĩnh Linh). Từ đó đến nay, nhóm hộ trồng rừng FSC trên địa bàn tiếp tục phát triển với quy mô lên tới 30 chi Hội tại 51 thôn với hơn 22.000 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC.
Tuy nhiên loại rừng này hiện vẫn chưa phát triển tương xứng với lợi thế, người trồng rừng nhiều nơi vẫn chưa mặn mà. Bên cạnh đó, trồng rừng gỗ lớn thường có chu kỳ kinh doanh dài, đòi hỏi phải có vốn, trong khi điều kiện kinh tế của các hộ dân còn khó khăn, khó tiếp cận vốn vay ngân hàng nên nhiều doanh nghiệp và gia đình vẫn chọn việc trồng rừng gỗ nhỏ để xoay vòng vốn nhanh.
Thời gian tới, để đẩy mạnh việc trồng rừng gỗ lớn, các địa phương cần tuyên truyền về hiệu quả kinh tế, môi trường của rừng gỗ lớn; khuyến khích sử dụng các loại giống mới có năng suất cao, giống tiến bộ kỹ thuật cũng như hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển hóa từ rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn; đa dạng hóa cây trồng (lim, lát hoa, giổi xanh, vối thuốc, thông mã vĩ...) và các loại cây gỗ lớn sinh trưởng nhanh (keo lai, keo tai tượng, bạch đàn lai). Đồng thời, ứng dụng khoa học kỹ thuật, tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật sản xuất giống cây lâm nghiệp theo phương pháp nuôi cấy mô; khuyến khích các doanh nghiệp, hộ gia đình liên kết đầu tư kinh phí trồng rừng thâm canh gỗ lớn, tiến tới cấp chứng chỉ Quản lý rừng bền vững (FSC) nhằm tăng thu nhập cho người dân và bảo vệ môi trường sinh thái.
Theo kế hoạch hành động nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng sản xuất đến hết năm 2020, cả nước dự kiến chuyển hóa 110.000ha rừng trồng hiện có sang kinh doanh gỗ lớn; trồng mới 100.000ha và trồng lại 165.000ha với mục đích kinh doanh gỗ lớn để cung cấp nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ. |