Thái Nguyên: Vùng đất này trồng những cây trám to cao, tới mùa hái trái đặc sản bán đắt tiền
Những năm qua, huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên) đã đẩy mạnh vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Từ đó, nhiều diện tích đất trồng lúa đã được chuyển đổi sang các giống cây trồng phù hợp, có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, nhờ trồng và phát triển cây trám, bà con có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Xã Hà Châu (huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) hiện có gần 400ha đất sản xuất nông nghiệp, chiếm 70% tổng diện tích đất tự nhiên. Dựa vào đặc điểm, điều kiện tự nhiên của từng xóm, xã đã có kế hoạch, định hướng, khuyến khích người dân chuyển đổi giống cây trồng phù hợp với địa hình và thời tiết nơi đây.
Cụ thể, đối với các xóm ven sông Cầu như Đông, Mới, Táo, Núi, xã khuyến khích bà con lưu giữ và phát triển cây trám. Do vậy, đến nay, toàn xã Hà Châu có khoảng 700 cây trám đen, với tổng thu nhập lên tới hàng tỷ đồng mỗi năm. Ngoài bán trám tươi, bà con còn bán các sản phẩm chế biến từ trám như nham trám, trám muối để tăng thêm thu nhập.
|
Quả trám đen Hà Châu có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon khác nhau như nham trám, trám muối... |
Đối với các xóm ít đất nông nghiệp như: Đồn, Chảy, Chùa, Sỏi… xã Hà Châu vận động người dân trồng các loại cây rau màu ngắn ngày, đưa các giống ngô lai, lúa lai vào gieo trồng.
Riêng về cây lúa, trong tổng số gần 500ha lúa 2 vụ của toàn xã, đã có gần 50% diện tích được bà con trồng giống lúa thuần, lúa lai cho năng suất, chất lượng cao như TH3-5, TH3-7, GS9... Năm 2019, năng suất lúa trên địa bàn xã đạt 3.380 tấn, tăng 280 tấn so với kế hoạch đề ra.
Xã Úc Kỳ (huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) là vùng sản xuất lúa tập trung, có cánh đồng mẫu lớn sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao. Trong những năm gần đây, việc đầu tư hệ thống giao thông thủy lợi, tưới tiêu thuận lợi, dồn điền đổi thửa, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân.
Năm 2020, tổng diện tích đất trồng lúa của xã Úc Kỳ là 249,7ha. Trong đó, diện tích cấy lúa nếp Thầu Dầu là 67,5ha với sản lượng ước đạt 310,5 tấn/vụ và năng suất ước đạt 46 tạ/ha.
Ông Dương Văn Tuyến – Chủ tịch UBND xã Úc Kỳ cho biết, trước đây, bà con trong vùng trồng chủ yếu các giống lúa thuần cho năng suất thấp. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, được sự hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên, bà con đã đưa giống nếp Thầu Dầu vào gieo cấy.
Giống lúa này có ưu điểm phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương, chống chịu được sâu bệnh, ngập úng tốt nên hiệu quả kinh tế mang lại tương đối cao. Ngoài ra, đây còn là nguồn nguyên liệu để sản xuất sản phẩm tương nếp Thầu Dầu Úc Kỳ đã có uy tín và thương hiệu trên thị trường, góp phần tăng thu nhập cho bà con nhân dân.
Những kết quả bước đầu
Cùng với việc chuyển đổi các giống cây trồng phù hợp, những năm gần đây, huyện Phú Bình đã quy hoạch lại các vùng sản xuất nông nghiệp, nhằm phát huy thế mạnh của mỗi vùng, từng bước hình thành vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp hàng hóa. Cụ thể, vùng phát triển đồi rừng, cây ăn quả (gồm các xã: Tân Đức, Tân Thành, Tân Khánh, Đào Xá, Bàn Đạt), vùng chuyên canh lúa và rau màu (gồm Điềm Thụy, Nhã Lộng, Thượng Đình, Úc Kỳ...).
Xã Nhã Lộng (huyện Phú Bình) hiện có vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn tập trung ở xóm Náng với diện tích 5ha đạt tiêu chuẩn VietGap.
Chị Nguyễn Thị Hiệp – Giám đốc HTX rau Bình Minh cho biết, hiện HTX có tất cả 58 thành viên tham gia, chủ yếu là những người đã có kinh nghiệm trồng rau lâu năm. Rau của HTX gồm nhiều loại như: Rau cải, mùng tơi, muống, bắp cải, su hào, dưa lê, dưa hấu, mướp đắng…
Từ khi thành lập đến nay, HTX đã xuất bán ra thị trường khoảng 150 tấn rau. Nhờ trồng rau theo quy trình VietGap nên sản lượng và chất lượng tăng hơn hẳn. Nhờ đó, giá trị sản phẩm bán ra cũng cao hơn nhiều, thu nhập cao gấp 5 – 7 lần so với trồng lúa.
Những năm qua, tỉnh Thái Nguyên có chủ trương khuyến khích chuyển đổi đất cấy lúa kém hiệu quả sang trồng các giống cây cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Việc chuyển đổi này được các địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hưởng ứng thực hiện và bước đầu mang lại kết quả tích cực...
Huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên) là một trong những địa phương điển hình trong việc thực hiện chuyển đổi cây trồng có hiệu quả. Nhờ chuyển đổi thành công mà năng suất, giá trị các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện Phú Bình luôn tăng theo các năm.
Tính đến năm 2020, diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa trên địa bàn huyện Phú Bình là 272,56ha. Trong đó, diện tích chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hằng năm là 234,2ha, diện tích chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây lâu năm là 38,36ha.