VAAS16 trên đường 'chinh phục' các tỉnh miền núi phía Bắc
10:57 - 08/10/2020
Giống lúa VAAS16 là giống lúa thuần thuộc dòng Japonica do Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam nghiên cứu và chọn tạo đang trên đường 'chinh phục' miền núi phía Bắc…
Cánh đồng cấy giống lúa VAAS16 tại xã Đồng Khê. Ảnh: Thái Sinh.


Tác giả của giống lúa VAAS16 là giáo sư Hoàng Tuyết Minh cùng một nhóm nhà khoa học thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam nghiên cứu và chọn tạo. Đây là giống lúa thuần cảm ôn gieo cấy được cả hai vụ xuân và mùa, thích hợp khá rộng trên các vùng sinh thái nông nghiệp khác nhau, nhưng tính ưu việt của giống lúa VAAS16 được phát huy mạnh mẽ ở các tỉnh miền núi phía Bắc.

Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông (Trung tâm) đang tiến hành xây dựng nhiều mô hình SX một số giống lúa Japonica chất lượng theo chuỗi giá trị, nhằm giúp người dân có thu nhập cao.

  Giống lúa VAAS16 đã được Bộ Nông nghiệp-PTNT công nhận là giống lúa quốc gia tại Quyết định số 870/QĐ-BNN-TT ngày 12/3/2018 được Trung tâm tổ chức SX thử mỗi năm từ 8.000 - 12.000 ha tại các tỉnh: Hà Giang, Lào Cai, Phú Thọ, Lai Châu, Nam Định, Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh…Trong đó Hà Giang cấy trên 300 ha, Lào Cai gần 100 ha, Lai Châu trên 100 ha, Hà Nội khoảng 1.000 ha… Tính từ năm 2018 đến nay, tổng diện tích giống lúa VAAS16 đã được Trung tâm tổ chức SX ở nhiều vùng sinh thái khác nhau trên 23.000 ha.

Năng suất trung bình của giống lúa VAAS16 vụ xuân đạt từ 7,5- 8 tấn/ha, vụ mùa từ 5,5- 6 tấn/ha ngang ngửa với nhiều giống lúa lai. Ưu thế vượt trội của giống lúa VAAS16 chống chịu lạnh tốt ở vụ xuân, chất lượng gạo ngon phù hợp SX hàng hóa phục vụ xuất khẩu.

Vụ mùa 2020 Trung tâm tổ chức SX 50 ha tại xã Đồng Khê, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, đây là xã đầu tiên của vùng lúa trọng điểm huyện Văn Chấn cấy giống lúa VAAS16 với diện tích lớn và tập trung như vậy.

Niềm vui của nông dân trước cánh đồng lúa tốt. Ảnh: Thái Sinh

Niềm vui của nông dân trước cánh đồng lúa tốt. Ảnh: Thái Sinh

Tham gia cấy giống lúa VAAS16 có hơn 300 hộ tập trung ở hai thôn: Bản Tạo và Nà Trạm với diện tích 30 ha, ngoài ra còn một số thôn khác. Bà Hà Thị Ven thôn Bản Tạo không giấu được niềm vui cho biết: Gia đình tôi có 1.500m2 ruộng, vụ mùa năm nay gia đình cấy toàn bộ giống lúa này. Từ khi gieo mạ cho đến lúc gặt, lúa phát triển tốt, bông tuy ngắn, nhưng hạt to và xít cầm khá nặng tay. Trước đây gia đình tôi cấy giống HT1, Nghi hương…so với các giống lúa đó thì giống này phát triển không thua kém. Vài ngày nữa gia đình tôi mới gặt, nhưng ước thu khoảng trên 1 tấn gì đó…

Bà Lò Thị Hiêng cho biết, gia đình bà cấy 1.000 m2 lúa phát triển đồng đều, chăm sóc bình thường như các giống lúa khác, cũng phải phun thuốc bảo vệ thực vật 2-3 lần, bà dự tính thu 7-8 tạ, khá hơn một số giống lúa bà đã cấy nhiều vụ trước…

Trưởng Bản Tạo ông Hà Đình Đua thành thật: Bản tôi có 120 hộ cấy giống lúa VAAS16, ngay từ khi nhìn cây mạ đã thấy phát triển nhanh, khỏe bà con rất phấn khởi. Chúng tôi quan sát thấy lúa đẻ nhánh khỏe, lá xanh đậm, lá đòng đứng, trỗ đồng đều. Nay lúa sắp gặt chúng tôi ước khoảng 6-7 lạng/m2, tính ra trung bình mỗi sào thu trên 200kg, như thế cũng tốt lắm rồi. Tuy nhiên, một số thửa lúa không chịu cúi đầu, gặp mưa vỏ trấu thâm đen, nảy mầm trên bông. Chúng tôi rất mong các nhà khoa học giải thích hiện tượng này…

 

Để chứng minh điều đó ông Đua dẫn mọi người tới thửa ruộng của gia đình ông Lò Văn Bảy nằm ngay sát đường, một đám cạnh cột điện có đèn thắp sáng về đêm, một đám ruộng trằm một khoảng rộng chừng 2- 8m2 bông lúa vẫn xanh không chịu cúi đầu…

Ông Hà Đình Đua bên thửa ruộng lúa tốt của gia đình. Ảnh: Thái Sinh.

Ông Hà Đình Đua bên thửa ruộng lúa tốt của gia đình. Ảnh: Thái Sinh.

Giải thích hiện tượng này, ông Nguyễn Xuân Dũng- Phó GĐ Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông cho biết: Thửa ruộng trằm bà con sử dụng phân nén dúi sâu muộn nên lúa kéo dài thời gian sinh trưởng, đến thời điểm này lúa không chịu cúi đầu là đúng, còn chòm lúa cạnh cột điện thắp sáng bông vẫn xanh so với cả đám ruộng và không chịu cúi là do tác động của bóng điện thắp sáng khiến cây lúa trẻ lâu. Cũng như một số ruộng của bà con cách nhau một cái bờ, ruộng nhà này tốt, ruộng nhà bên cạnh xấu hơn, là do quá trình chăm sóc. Đây là yếu tố kỹ thuật về thời gian cấy, bón phân…nếu chỉ lệch nhau vài ngày lúa đã khác rồi.

Ông Hà Văn Nhẫn cho hay: Ruộng gia đình tôi thuộc dạng không tốt cũng không xấu, chăm sóc như mọi nhà nhưng thời gian lúa cúi đầu lâu hơn các giống lúa khác, hạt cuối bông lép và rất dai khi tuốt…

Chủ tịch xã Đồng Khê, ông Nguyễn Xuân Dần nhận xét: Năm đầu tiên người dân Đồng Khê cấy giống lúa này, nhìn chung lúa tốt, cây không bị đổ khi gặp mưa bão, năng suất trên 200kg/sào là chấp nhận được. Với hy vọng của chính quyền địa phương và của người dân cần SX giống lúa chất lượng để cao phục vụ đời sống và làm hàng hóa, nhằm nâng cao thu nhập cho bà con…

Cán bộ Trung tâm CGCN&KN trao đổi về giống lúa với người nông dân. Ảnh: Thái Sinh.

Cán bộ Trung tâm CGCN&KN trao đổi về giống lúa với người nông dân. Ảnh: Thái Sinh.

Đó là tiếng nói trung thực của đại diện chính quyền địa phương và người dân về ưu điểm cũng như nhược điểm giống lúa VAAS16. Trên con đường “chinh phục” các tỉnh miền núi phía Bắc, giống lúa VAAS16 mặc dù đã “đổ bộ” lên nhiều tỉnh, chiếm được khá nhiều tình cảm của người dân, nhưng cũng bộc lộ một số nhược điểm nhất định cần phải khắc phục.

Theo ông Nguyễn Xuân Dũng - Phó GĐ Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông: Trong những năm qua Trung tâm đã đưa một số giống lúa Japonica lên các tỉnh miền núi phía Bắc, nhằm mục đích tạo ra những vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, thúc đẩy việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn để kêu gọi các doanh nghiệp tới thu mua lúa hàng hóa cho nông dân với giá cao, từ đó góp phần nâng cao đời sống của người dân…

Thái Sinh
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn