Tích cực ứng phó biến đổi khí hậu
09:00 - 27/04/2016
(MTNT) - Tại Việt Nam, đợt không khí lạnh kỷ lục trong gần 40 năm qua diễn ra  đã tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội. Rất nhiều nơi ghi nhận nhiệt độ thấp ở mức lịch sử. Tuyết, băng giá đã xuất hiện ở nhiều nơi. Nhiều nơi đã ghi nhận mức nhiệt dưới 8 độ C. Hậu quả, số bệnh nhân nhập viện gia tăng, nhất là trẻ em và người già. Nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng nặng nề, cá chết hàng loạt. 


Mưa bão đã làm hoa màu của nông dân bị ảnh hưởng ảnh minh họa

 
Thời điểm này, các địa phương trên địa bàn tỉnh Hải Dương đang khẩn trương tu bổ đê điều và các công trình thủy lợi để chủ động ứng phó với những diễn biến phức tạp, khó lường của thời tiết.  Việc tu bổ đê điều của địa phương tập trung vào xây dựng cống dưới đê, kè lát mái hộ bờ. Đây là những công trình vừa giúp tăng cường khả năng phòng chống lũ vừa đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp.



 
Những ngày này, công nhân tại các công trường tu bổ đê điều trên địa bàn huyện Kinh Môn đang gấp rút làm việc để hoàn thành các hạng mục công trình vào đầu tháng 5. Sau khi hoàn thành, công trình này sẽ làm nhiệm vụ tiêu, cấp nước cho xã Thái Sơn và các khu vực lân cận. Bên cạnh đó, Công ty CP Thương mại dịch vụ Hưng Phát đang tập trung kè lát mái hộ bờ đê hữu sông Kinh Thầy từ km35+260 đến km35+560 đoạn qua xã Thái Sơn.


 
Trước kia, đây là vùng đất bãi trù phú trồng sắn dây mang lại thu nhập khá cho nông dân. Tuy nhiên, cát tặc đã làm sạt lở nhiều diện tích đất màu mỡ, đe dọa tới hành lang an toàn đê điều. Để khắc phục sự cố này và hạn chế rủi ro trong quá trình thi công, nhà thầu đã tính toán kỹ thời điểm đỉnh triều, tranh thủ lúc nước rút khẩn trương thi công công trình. Đến nay, đã hoàn thành hơn 70% đoạn kè, dự kiến sẽ đưa vào sử dụng trước ngày 30-4.



Để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, năm nay tỉnh sẽ tu bổ, cải tạo và xây mới 4 cống dưới đê, 3 kè lát mái hộ bờ, xây dựng 1 tường chắn nước, 1 điểm khoan phụt vữa gia cố thân đê, 3 công trình hoàn thiện mặt cắt và gia cố mặt đê. Huyện Kinh Môn triển khai các hạng mục tu bổ sớm nhất tỉnh do có nhiều công trình cần phải hoàn thành sớm.


 
Các huyện Tứ Kỳ, Thanh Hà cũng đang bắt đầu thực hiện. Bên cạnh đó, tỉnh cũng xây mới 8 điếm canh đê thay thế các điếm đã xuống cấp ở các huyện Thanh Hà, Kinh Môn, Tứ Kỳ, Cẩm Giàng. Năm nay, tổng mức đầu tư  cho các dự án tu bổ đê điều địa phương là 75 tỷ đồng.


 
Ngoài đẩy nhanh tiến độ thi công thì việc kiểm tra, giám sát cũng được chú trọng. Do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên vấn đề giải phóng mặt bằng thuận lợi. Huyện Thanh Hà vừa đưa vào sử dụng trạm bơm Thanh Thủy với 6 máy bơm, công suất 4.500 m3/giờ/máy. Đây là công trình trọng điểm vừa phục vụ sản xuất và nhu cầu dân sinh, vừa tăng khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.
 


Đến nay, tỉnh Hải Dương đã xây mới 11 trạm bơm, kiên cố hóa 157 km kênh mương và nạo vét hơn 2,2 triệu m3 kênh mương, giúp tăng cường khả năng chống lũ trong mùa mưa bão cũng như chống hạn. Việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng thủy lợi là giải pháp quan trọng góp phần hạn chế tối đa những tác động không mong muốn của biến đổi khí hậu.


 
Vì thế, những năm qua, công tác thủy lợi luôn được quan tâm đầu tư. Nhiều công trình thủy lợi được đưa vào sử dụng mang lại hiệu quả cao như trạm bơm Hồng Phúc (Ninh Giang), trạm bơm An Cư (Ninh Giang). Nhiều công trình vẫn đang tiếp tục được tu bổ, xây mới như các trạm bơm Hàm Hy (Tứ Kỳ), Kênh Than (Kinh Môn), Đò Hàn (TP Hải Dương)... Để cân đối nguồn lực, tránh lãng phí cần ứng dụng các phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm, đồng thời, nâng cao năng lực dự báo, năng lực điều hành hệ thống thủy lợi.


Tu bổ đê điều và khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi là biện pháp hàng đầu để ứng phó với những biến đổi cực đoan của thời tiết. Tuy nhiên, bên cạnh việc chú trọng phòng hộ bằng cơ sở hạ tầng, cần có phương án cụ thể đối với từng vùng, từng trọng điểm ứng cứu.



Nam Định cũng tập trung xây dựng, kiện toàn bộ máy cán bộ, công chức có trình độ năng lực tham mưu và triển khai công tác ứng phó với biến đổi khí hậu. Đến nay, 10 huyện, thành phố của Nam Định có Ban Chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu; thành lập mới Chi cục Bảo vệ môi trường, Chi cục Biển; Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thành phố đều có biên chế chuyên trách về công tác môi trường, biến đổi khí hậu.


 
Cấp xã có 1 đến 2 cán bộ địa chính - xây dựng kiêm nhiệm công tác này. Các cơ quan thông tin truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các hình thức tuyên truyền, giáo dục đa dạng và phù hợp với từng đối tượng.



 
 Các địa phương thường xuyên tổ chức hội thảo, tập huấn cho nông dân kỹ thuật nuôi trồng các giống mới có khả năng chịu mặn, chịu hạn, chịu ngập; tổ chức ngoại khóa cho học sinh trong các trường học để cung cấp kiến thức thực tế và những vấn đề liên quan đến biển đổi khí hậu. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về vai trò, tầm quan trọng, ý thức trách nhiệm đối với công tác bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.



 
Song song với các hoạt động trên, Nam Định cũng tập trung tăng cường hiệu quả quản lý nguồn tài nguyên trong điều kiện biến đổi khí hậu; nâng cao hiệu quả cấp giấy phép về nước cho các tổ chức, doanh nghiệp, cấp 69 giấy phép xả thải vào nguồn nước; 45 giấy phép hoạt động tài nguyên nước; 4 giấy phép hoạt động thăm dò nước, 9 giấy phép khai thác nước); phát huy hiệu quả sử dụng cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước, hệ hống quan trắc dưới đất (10 cụm giếng quan trắc thuộc hệ thống quan trắc quốc gia và 25 giếng quan trắc nước ngầm).



Tỉnh cũng triển khai Dự án “Phục hồi tài nguyên hệ sinh thái bị suy thoái vùng ven bờ tỉnh Nam Định ứng phó với biến đổi khí hậu”, “Kế hoạch xây dựng cơ sở dữ liệu, bản đồ nguy cơ ngập gây ra bởi nước biển dâng do bão và siêu bão”; rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 - 2020, lập kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối 2016 - 2020; đẩy mạnh công tác trồng rừng chắn sóng, giữ bãi. Từ 2007 đến nay, rừng trồng ngập mặn ở Nam Định đạt 3.600ha, phấn đấu đến năm 2020 đạt 5.713ha; đang tiếp tục triển khai Đề án “Bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015 - 2020 tỉnh Nam Định”.




Giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đến môi trường, phòng ngừa các nguồn ô nhiễm là một trong những công tác luôn được Nam Định chú trọng thời gian qua. Đến nay, 100% các dự án đầu tư mới được bố trí phù hợp quy hoạch, 2/3 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động có hệ thống xử lý rác thải đạt quy chuẩn môi trường, 3/18 cụm công nghiệp đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung…



Cơ sở vật chất, năng lực dự báo ứng phó biến đổi khí hậu của Nam Định cũng thường xuyên được tăng cường. Ngân sách chi hằng năm cho công tác bảo vệ tài nguyên môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu được bảo đảm. Trung tâm quan tắc và phân tích tài nguyên môi trường tỉnh đã xây dựng hệ thống quản lý theo quy trình Vilab.




Toàn tỉnh đã nâng cấp, kiên cố hóa 56,8/76,6km đê biển, có khả năng chống bão cấp 10, tần suất 5%; xây mới 8 cống qua đê và 53 mỏ kè giữ bãi bảo vệ đê. Tỉnh cũng đang xây dựng 21 mỏ kè mới; tu bổ, nâng cấp 18,1km đê biển xung yếu ở 3 huyện ven biển; xây mới 30 cống qua đê bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão; nâng cấp hơn 30km đê sông, hơn 20km chiều dài kè bảo vệ đê và bê-tông hóa mặt đê. Xuất phát từ nghiên cứu đánh giá tác động của biến đổi khí hậu tới mô hình bệnh tật, Nam Định đã xây dựng bản đồ các bệnh, bản đồ dịch tễ học một số bệnh truyền nhiễm...




Tác động của biến đổi khí hậu đã và đang hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội. Ứng phó với biến đổi khí hậu không chỉ là trách nhiệm của một quốc gia hay một địa phương mà phải là sự chung tay góp sức của tất cả mọi người.

 

Bùi Vinh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn