Quảng Ninh: Tác động rõ rệt từ biến đổi khí hậu
10:27 - 28/07/2015
(MTNT)- Là tỉnh ven biển, trong những năm qua, Quảng Ninh đã phải chịu hậu quả nặng nề do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH) như: diễn biến thời tiết bất thường, tình trạng nắng nóng kéo dài, ngập lụt... Hiện tượng bất thường trên đây cũng đã ảnh hưởng đến môi trường sống, hoạt động sản xuất nói chung và cộng đồng cư dân ven biển nói riêng.
Ảnh minh họa

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, thời gian qua Quảng Ninh đã chịu những tác động của BĐKH đến chế độ thuỷ văn sông suối, gây khô hạn vào mùa đông (đặc biệt ở huyện Tiên Yên, TX Đông Triều); gây ngập lụt vào mùa mưa tập trung ở các địa phương Ba Chẽ, Tiên Yên, Hạ Long, Cẩm Phả.
 
Do tác động của BĐKH dẫn đến sự thay đổi thành phần loài các vùng cửa sông như khu vực cửa sông Cầm, sông Uông, sông Diễn Vọng, Ba Chẽ, Tiên Yên, sông Hà Cối và sông Ka Long; gây suy giảm loài và đa dạng sinh thái (diện tích san hô và thảm cỏ biển Vịnh Hạ Long hiện đang bị suy giảm, chỉ còn ở một số đảo phía ngoài khơi)...
 
BĐKH còn tác động đến đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản của tỉnh. Năm 2008 mưa lớn kết hợp với lũ và triều cường đã làm ngập 620ha đầm nuôi thuỷ sản tại xã Hải Lạng (Tiên Yên). Mùa đông rét đậm, rét hại 38 ngày đã làm 80% hộ nuôi trồng thuỷ sản bị mất trắng, ước thiệt hại 50 tỷ đồng. Năm 2010, mưa bão cũng đã làm 140 lồng bè bị vỡ tại các địa phương Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn; cuốn trôi và tàn phá 10ha nuôi nhuyễn thể ở Vân Đồn.
 
Cùng với đó, hiện tượng bão, lũ lụt thường xuyên xảy ra với những diễn biến bất thường có xu hướng gia tăng về số lượng và tần suất gây ảnh hưởng đến hoạt động du lịch - dịch vụ của tỉnh, làm trễ lịch trình nhất là đối với các tàu du lịch, gây tai nạn trong các tour du lịch, ảnh hưởng đến tâm lý của du khách.
 
Những năm gần đây các cơn bão đổ vào Quảng Ninh thường kèm theo mưa lớn, có cơn bão lượng mưa từ 100-200mm, có nơi 500mm. Đây cũng là nguyên nhân chính gây mưa lớn và tạo ra lũ gây xói mòn, sạt lở đất, gây ngập lụt, đổ nhà...
 
Năm 2006, trận lốc xoáy và mưa đá lớn làm 32 tàu, thuyền du lịch bị chìm. Năm 2010 bão đổ bộ vào Quảng Ninh gây đắm tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long làm thiệt mạng du khách. Tại TP. Hạ Long mưa lớn kết hợp gió to khiến hàng trăm cây xanh bị đổ; hất tung mái nhà của hai khu tập thể thuộc Công ty Tuyển than Hòn Gai, phường Bạch Đằng khiến hàng chục người phải sơ tán, thiệt hại nhiều tài sản.
 
Ngày 11-11-2013, sau siêu bão Haiyan, hàng trăm nhà dân thuộc thị trấn Tiên Yên (huyện Tiên Yên) bị lũ ống nhấn chìm, ngập sâu từ 1-3m. Lũ ống bất ngờ dồn về do lũ lớn từ phía thượng nguồn đổ xuống 2 con sông Tiên Yên và sông Phố Cũ. Đây là trận lũ ống có quy mô lớn thứ 2 sau trận ngập lịch sử năm 2008. Lũ đã khiến hàng trăm nhà dân bị nhấn chìm, trong đó 350 ngôi nhà bị ngập. Theo thống kê, sau bão lũ, huyện Tiên Yên có hơn 470 ngôi nhà bị tốc mái, hơn 30 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 464 nhà bếp và công trình phụ bị hư hỏng, một chiếc cầu treo bị đứt và hơn 5.000ha hoa màu bị hư hại. Không chỉ tại Tiên Yên, là địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão Haiyan (cơn bão số 14), mà toàn tỉnh cũng chịu ảnh hưởng nặng nề với tổng thiệt hại về vật chất ước tính khoảng 200 tỷ đồng.
 
Năm 2014 tại Tiên Yên và Đầm Hà diện tích nuôi trồng thuỷ sản bị thiệt hại trên 40,6ha, hư hỏng 20 ô lồng. Vào cuối tháng 10-2014 sự cố vỡ đập Đầm Hà Động (Đầm Hà) đã làm 88 nhà dân bị ngập lụt, toàn bộ thị trấn Đầm Hà (huyện Đầm Hà) chìm trong biển nước. Các đập chính, đập phụ số 1, đập phụ số 4 và đập phụ số 3B bị hư hỏng. Tổng thiệt hại do sự cố đập Đầm Hà Động ước tính 55,4 tỷ đồng. Đồng thời gây hư hỏng và thiệt hại cho tài sản, nhà cửa, hoa màu, ao đầm nuôi trồng thuỷ sản của người dân và một số công trình hạ tầng dân sinh, hạ tầng kỹ thuật.
 
Không chỉ dừng lại ở đó, nhiệt độ đang có dấu hiệu thay đổi bất thường so với nhiều năm trước làm gia tăng nguy cơ cháy rừng, phát triển các loại sâu bệnh hại, dịch bệnh... Theo báo cáo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, những năm gần đây, nền nhiệt độ ở các khu vực trên địa bàn tỉnh đều tăng so với trung bình từ 0,4-0,7oC. Số ngày có nhiệt độ không khí trung bình trên 30oC (thời tiết “oi bức”) xuất hiện nhiều hơn, trung bình tăng 4-6 ngày/năm. Mới đây nhất, do thời tiết nắng nóng bất thường kéo dài đã dẫn đến hiện tượng tôm chết hàng loạt ở Móng Cái và rải rác ở Tiên Yên, Uông Bí. Đáng chú ý là nắng nóng có xu thế xuất hiện sớm và kết thúc muộn, số đợt nắng nóng nhiều hơn, xảy ra cục bộ và diễn biến phức tạp.
 
Tại Quảng Ninh cũng xuất hiện nhiều đợt rét đậm, rét hại đặc biệt nghiêm trọng, trong đó phải kể đến đợt rét đậm rét hại kéo dài 30 ngày (từ 22-1 đến 20-2-2008) trên toàn tỉnh, kéo nền nhiệt độ thấp hơn giá trị trung bình nhiều năm khoảng 3-4oC. Đây là đợt rét đậm rét hại lịch sử, lần đầu tiên xuất hiện sau 40 năm kể từ năm 1968. Rét đậm, nắng nóng kéo dài đã làm giảm 30% số lượng khách đến với Quảng Ninh năm 2008.
 
Ngoài ra, lượng mưa trung bình năm bình quân những năm gần đây của tỉnh đạt khoảng 1.600-2.700mm. Mỗi năm trung bình có khoảng trên dưới 150 ngày có mưa. Mùa mưa thường kéo dài 5 tháng, từ tháng 5 đến tháng 10 với tổng lượng mưa chiếm tới xấp xỉ 83% tổng lượng mưa năm. Đặc biệt, diễn biến mưa cũng phức tạp hơn, xuất hiện nhiều trận mưa bất thường kèm theo mưa đá. Trong 3 năm trở lại đây, hiện tượng sạt lở đất sau các trận mưa lớn thường xuyên xảy ra tại Hạ Long, Bình Liêu, gây nhiều thiệt hại về người, nhà cửa và các tuyến giao thông, cầu đường.
 
Theo “kịch bản” về biến đổi khí hậu thì vào năm 2100, nhiệt độ trung bình ở Việt Nam sẽ tăng 2-3 độ C. Điều này đồng nghĩa với mực nước biển có thể cao lên khoảng 1m so với giai đoạn 1980 đến 1999. Quảng Ninh là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng, sẽ có khoảng 10% diện tích đất ven biển của tỉnh bị ngập lụt (Quảng Ninh có 9 huyện, thị, thành phố ven biển, trong đó có 8 xã dưới mực nước biển); khoảng 5% chiều dài quốc lộ, trên 6% chiều dài tỉnh lộ, gần 4% chiều dài đường sắt, trên 9% dân số bị ảnh hưởng. Dự báo giai đoạn 2020-2100, mực nước biển tỉnh Quảng Ninh sẽ dâng từ 7-64cm so với giai đoạn 1980-1999, khi đó tổng diện tích bị ngập của tỉnh Quảng Ninh là 125,27km2. Địa phương bị ảnh hưởng nhiều nhất là một số khu vực ven biển như Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Vân Đồn, Quảng Yên, Hoành Bồ.
 
Có thể thấy, BĐKH đã ngày càng hiện hữu, những tác động của nó đã ảnh hưởng phần nào đến kinh tế - xã hội của tỉnh trên mọi phương diện. Vì vậy, vấn đề ứng phó với BĐKH và nước biển dâng đòi hỏi sự nỗ lực, vào cuộc rất lớn của các cấp, ngành và cộng đồng dân cư.

Khánh Toàn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn