Quảng Ngãi: Ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu
10:27 - 28/07/2015
(MTNT)- Tỉnh Quảng Ngãi nằm ở vùng duyên hải miền Trung nên chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Các khu vực có nguy cơ chịu nhiều tác động mạnh nhất là vùng đồng bằng ven các cửa sông chính như: Khu Đông huyện Bình Sơn, khu Đông thành phố Quảng Ngãi và huyện Mộ Đức, khu Đông Nam huyện Đức Phổ. 
Ảnh minh họa

Theo số liệu thống kê từ năm 1964 đến nay, đã có hàng chục cơn bão đổ bộ vào Quảng Ngãi. Riêng cơn bão số 9 năm 2009, diễn biến phức tạp và gây tác hại nặng nề trên địa bàn tỉnh. Ngoài bão, Quảng Ngãi cũng chịu ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới  gây mưa. Nhiều nơi trong tỉnh phải đối mặt với cảnh ngập nước, tắc đường, nứt núi và nhiều khu vực đã bị cô lập. Mưa lớn đã gây ra lũ quét, nhiều tuyến đường trên các huyện miền núi bị sạt lở nặng, với khối lượng đất đá lên đến hàng ngàn mét khối, gây ách tắc giao thông. Những năm gần đây, lũ quét thường xuất hiện bất ngờ, khốc liệt, gây thiệt hại về người và tài sản.
 
Tình trạng nước biển xâm nhập đã ảnh hưởng nặng đến khu đông các huyện Bình Sơn, Mộ Đức, Đức Phổ và TP.Quảng Ngãi. Sự bất thường của thiên nhiên đã gây nên hậu quả nặng nề cho tỉnh.
 
Do ảnh hưởng của biến đối khí hậu, tình trạng xói lở ở các xã ven biển đang diễn ra ngày một nghiêm trọng. Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong năm 2012 chiều dài bờ biển bị xói lở gần 30km và có xu hướng tăng nhanh trong năm 2013 và những năm tiếp theo. Hiện tượng xói lở bờ biển xảy ra ở hầu hết các huyện ven biển, dọc hai bên sông và ở khu vực Cửa Đại (sông Trà Khúc), Cửa Lở (sông Vệ), cửa Mỹ Á (sông Trà Câu) với mức độ ngày càng nặng. Một số khu vực đã có kè chắn sóng như Bình Châu, Bình Hải (Bình Sơn), Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi), Phổ Thạnh, Phổ Châu (Đức Phổ) nhưng xói lở vẫn xảy ra.
 
Theo điều tra của Chi cục Biển và Hải đảo, tình trạng xói lở ở một số khu vực cửa sông, ven biển trong giai đoạn 1965 – 2013, có chiều dài trung bình từ 600 – 1.200m, mức độ ăn sâu vào đất liền trung bình từ 20 – 25m. Đặc biệt là năm 2009, do bão lớn kết hợp với áp thấp nhiệt đới, gây ra tình trạng xói lở nghiêm trọng, với chiều dài đến 1.400m và mức độ ăn sâu vào đất liền là 30m. Tại khu vực Sa Cần, cửa Đại bị bồi lấp gây khó khăn cho các tuyến giao thông đường thuỷ, cản trở ghe tàu ra vào tránh gió bão, áp thấp nhiệt đới và nhất là cản trở khả năng tiêu thoát nước lũ trong mùa mưa. Ở phía Nam của tỉnh, khu vực cửa biển Mỹ Á, khu vực biển Sa Huỳnh có nơi chiều dài xói lở 5.000m, chiều rộng từ 30 – 40m. Từ năm 2000 đến 2013, khu vực này bị xói lở trở lại và xu hướng mạnh hơn, chiều dài xói lở khoảng 1.500m. Hằng năm, tốc độ xói lở trung bình từ 5-7m.
 
Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có khoảng 60 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển, trong đó huyện Bình Sơn có chiều dài xói lở bờ biển tương đối lớn, trên 15.000m. Bờ biển các xã Bình Hải, Bình Châu, Bình Đông là những nơi xói lở đặc biệt nguy hiểm. Huyện Đức Phổ cũng rơi vào tình trạng tương tự, với chiều dài xói lở 4.900m, mức độ trung bình từ 5-7m/năm ở các xã Phổ Thạnh, Phổ Châu. Trên địa bàn huyện Tư Nghĩa, Mộ Đức, tình hình xói lở diễn ra cũng hết sức phức tạp. Mức độ xói lở bờ biển hằng năm khoảng 5 – 10m.
 
Đặc biệt là huyện đảo Lý Sơn, mặc dù tỉnh đã đầu tư xây dựng một số công trình kè chống sạt lở, nhưng hiện khu vực phía Bắc đảo lớn đã bị xói lở từ 3 – 4m. Tại xã An Bình, khu vực Mom Tàu dài 200m, hiện nay đã bị xói lở sâu vào bờ từ 7 - 8m, khu vực Đông Nam đảo dài 150m bị xói lở sâu vào bờ từ 5-6m.
 
Chỉ trong vòng 40 năm huyện đảo Lý Sơn đã bị biển xâm thực và diện tích đất trên đảo mất gần 1km2, đến nay chỉ còn hơn 9 km2. Hiện tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, nước biển dâng và diện tích đất ít ỏi trên đảo ngày càng bị biển xâm thực.
 
Biến đổi khí hậu đang tác động ngày càng nghiêm trọng đến cơ sở hạ tầng giao thông của tỉnh. Mưa bão không chỉ làm ngưng trệ các hoạt động giao thông ở Quảng Ngãi mà còn làm xuống cấp nghiêm trọng chất lượng các đoạn đường bị ngập trong thời gian dài, gây sạt lở đất đá khu vực đồi núi hai bên đường, làm ngưng trệ các hoạt động giao thông trong thời gian bảo dưỡng, tu sửa và khắc phục các sự cố.
 
Biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực tự nhiên, kinh tế, xã hội, môi trường của tỉnh. Việc ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra đang là vấn đề cấp bách của tỉnh.
 
Để đối phó với biến đổi khí hậu, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã đề ra Chương trình hành động đến năm 2020 để chủ động ứng phó. Theo đó, tỉnh sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp đối với các lĩnh vực, ngành địa phương bị tác động như: tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, hình thành ý thức chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường; lồng ghép nội dung biến đổi khí hậu vào các chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đối với lĩnh vực nông, lâm nghiệp tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch thủy lợi, lâm nghiệp, nghiên cứu cây trồng mới, đa dạng phù hợp với biến đổi khí hậu; củng cố và nâng cấp hệ thống đê bảo vệ, nâng cấp các công trình thủy lợi; tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy rừng, xây dựng hệ thống cảnh báo sớm và giám sát cháy rừng...

Minh Đức
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn