Biến đổi khí hậu ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp
11:52 - 09/08/2021
(MNTN)- Trong 50 năm qua, nhiệt độ trung bình năm cả nước tăng khoảng 0,62 độ C; thiên tai gia tăng cả về cường độ và tần suất.
Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu

Việt Nam là một trong 5 nước trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Dưới tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, đến năm 2030 nhiệt độ trung bình có thể tăng thêm 0,7 độ C so với nhiệt độ trung bình trong giai đoạn 1980-1999, lượng mưa trung bình hàng năm tăng 2%/năm so với trung bình giai đoạn 1980-1999 và lượng mưa phân bố ngày càng tập trung vào mùa mưa, ít hơn vào mùa khô. Những thay đổi này tạo ra tác động trái chiều lên sản xuất nông nghiệp.
 
 
Tại Việt Nam, vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của cả nước, có vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc gia, chịu tác động nghiêm trọng: Nếu mực nước dâng 1m, thì 38,9% diện tích đất của Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ngập, khoảng 10% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực của Việt Nam và thế giới.

 
Trong đó, các tỉnh có nguy cơ ngập cao nhất là Hậu Giang (hơn 80%), Kiên Giang (gần 77%) và Cà Mau (gần 58%). Ảnh hưởng của nước mặn thường xuyên làm nhiều vùng bảo tồn đất ngập nước như Tràm Chim (Đồng Tháp), U Minh Thượng (Kiên Giang), Láng Sen (Long An), Hà Tiên (Kiên Giang), Bãi Bồi, Đất Mũi (Cà Mau) trở nên kém bền vững hơn.
 
 
Tại Vĩnh Long, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng nhanh hơn liên tiếp các tháng mùa khô năm 2009, 2010, 2011, 2016 và 2019, độ mặn cao nhất trên các sông lớn của địa bàn. Hai huyện Vũng Liêm và Trà Ôn đều xấp xỉ 5%. Đặc biệt, mùa khô 2019, mặn xuất hiện sớm, xâm nhập sâu và lập kỷ lục mới vượt đỉnh năm 2016 và kéo dài đến tháng 5.

 
Năm 2020, tỉnh Cà Mau bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, thiên tai gây ra. Hạn hán kéo dài trong mùa khô, kéo theo tình hình sạt lở, sụt lún đất nghiêm trọng. 14 cơn bão và 1 cơn áp thấp nhiệt đới xuất hiện trong năm tuy không ảnh hưởng trực tiếp, nhưng lại xảy ra tình trạng mưa to trên diện rộng kết hợp triều cường dâng cao làm ngập sâu nhiều nơi, kéo dài nhiều ngày.
 
 
Bên cạnh đó, một số sinh vật có thể bị tiêu diệt, 1/3 “vựa thóc” của cả nước bị ngập, 85% dân cư cần được hỗ trợ về nông nghiệp, đất bị suy thoái, hiện tượng di dân làm xáo trộn quy hoạch đô thị… Cùng với đó, xói lở bờ sông, bờ biển và giảm dòng chảy mùa khô cũng là những vấn đề rất đáng quan tâm.

 
Ngành chăn nuôi cũng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Nhiệt độ tăng ảnh hưởng đến sức đề kháng của vật nuôi, giảm lượng tiêu thụ thức ăn, giảm khả năng sinh sản, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và chất lượng sản phẩm chăn nuôi. Tình trạng hạn hán ảnh hưởng đến trồng trọt, làm giảm nguồn phụ phế phẩm trong chăn nuôi, thức ăn cho vật nuôi trở nên khan hiếm, làm tăng giá thành sản xuất chăn nuôi.


Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1055/QĐ-TTg về Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là cơ sở để Việt Nam sử dụng hiệu quả nguồn lực, tăng cường khả năng quản lý, điều phối về tài chính và kỹ thuật, thúc đẩy quá trình tham gia của cộng đồng, khối doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế trong việc thực hiện các mục tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
 
Thắng Hùng
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn