|
Hiện, hàng chục HTX nông nghiệp ở các tỉnh ĐBSCL hướng dẫn nông dân chuyển đổi mô hình sản xuất từ hai vụ lúa sang mô hình lúa tôm |
Tại các địa phương như: An Giang, Ðồng Tháp, Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, các mô hình HTX nông nghiệp đang ứng dụng nông nghiệp thông minh vào sản xuất lúa gạo (sử dụng phân bón vi sinh, phân bón thông minh) trên quy mô hàng chục nghìn ha đã giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả sản phẩm.
Huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) đưa vào thực hiện mô hình canh tác lúa lý tưởng, các hộ trồng lúa đã sử dụng 2 loại giống là OM 5451 và Đài thơm 8, áp dụng kỹ thuật sạ thưa bằng máy, sử dụng phân bón thông minh bón vùi 1 lần cho cả vụ. Do sản xuất theo mô hình đảm bảo chất lượng lúa đáp ứng nhu cầu xuất khẩu nên được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra.
Bên cạnh đó, với chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng BÐKH, nhiều HTX nông nghiệp vùng Ðồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên đang hỗ trợ hiệu quả nông dân chuyển đổi đất lúa sang cây trồng cạn, cây ăn trái; các mô hình HTX lúa - gạo - cơm lý tưởng ở Trà Vinh; mô hình làng thông minh ở Bạc Liêu... Ðây là các mô hình HTX ứng dụng công nghệ quan trắc mực nước, độ mặn, dinh dưỡng đất để cảnh báo và vận hành tự động hệ thống tưới tiêu; kết hợp sản xuất lúa gạo với chăn nuôi vịt và chế biến sản phẩm tại chỗ cung ứng ra thị trường.
Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tân Cường, xã Phú Cường, huyện Tam Nông (Đồng Tháp) đã xây dựng mô hình chuỗi liên kết giá trị sản xuất lúa gạo theo hướng bền vững, đem lại hiệu quả thiết thực cho nông dân. Đó là việc đưa vào sản xuất lúa tím than. Đây là giống lúa mới, có thời gian sinh trưởng ngắn khoảng 85 ngày, rất dễ chăm sóc, có tính kháng sâu bệnh tốt và cho năng suất đạt 5 tấn/ha. Đây là loại gạo có hàm lượng vitamin nhóm B, Canxi, Magie, Omega 3-6-9 cao, có lợi cho sức khỏe, giảm các bệnh về tim mạch, xương khớp, béo phì, đặc biệt giống lúa này kháng bệnh đạo ôn, rầy nâu, ít nhiễm bệnh cháy bìa lúa
Hiện, hàng chục HTX nông nghiệp ở các tỉnh: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang hướng dẫn nông dân chuyển đổi mô hình sản xuất từ hai vụ lúa sang mô hình lúa tôm, mô hình nuôi tôm dưới tán rừng. Trong đó, mô hình thích ứng tôm lúa có lợi nhuận ròng là 52,2 triệu đồng/ha/năm, cao hơn hàng chục triệu đồng so với canh tác thuần lúa. Mô hình mang lại thu nhập thêm 41,2 triệu đồng/ha so với chỉ trồng và bảo vệ rừng.
Tại Bến Tre, mô hình sản xuất thích ứng với BĐKH tại tỉnh đang được nhân rộng. Qua đó, diện tích canh tác lúa giảm hơn 10.000ha để chuyển sang nuôi trồng thủy sản ở vùng mặn, trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao hơn, trồng cỏ phục vụ chăn nuôi.
Để nâng cao năng lực trong việc ứng phó và thích ứng với BĐKH, từ các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương vay vốn ODA, Bến Tre đã triển khai nhiều dự án như: Thích ứng với BĐKH vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Bến Tre (vốn IFAD); hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre giai đoạn 1; hệ thống thủy lợi Nam Bến Tre; dự án quản lý nước tỉnh Bến Tre; dự án cung cấp nước cho dân cư Cù Lao Minh trong điều kiện BĐKH và nước biển dâng...
Tại 2 xã điểm An Hiệp và Phú Ngãi, huyện Ba Tri đã tăng trưởng mạnh đàn bò thịt, bò sữa trên 100.000 con, hơn 400ha đất kém hiệu quả được người dân chuyển đổi sang trồng cỏ nuôi bò mang lại hiệu quả gấp 2 - 3 lần so với trồng lúa. Hiện tất cả hộ chăn nuôi bò sữa tại địa phương đều ký hợp đồng tiêu thụ với giá bán trung bình từ 12 - 14 nghìn đồng/kg, tùy chất lượng sữa. Mỗi ngày 2 lần, nông dân thu hoạch sữa rồi vận chuyển đến trạm thu mua đặt tại xã An Bình Tây (huyện Ba Tri) để bán cho doanh nghiệp.
Từ hiệu quả ban đầu của Dự án phát triển đàn bò sữa tỉnh Bến Tre, một số hộ chăn nuôi tại Ba Tri đã mạnh dạn đầu tư phát triển đàn bò sữa với quy mô trang trại. Điều này đã góp phần đáng kể trong việc tăng thu nhập cho người dân ở những vùng khó khăn, chịu ảnh hưởng của BĐKH trên địa bàn tỉnh. Hộ ông Nguyễn Thành Nam, ở ấp An Hòa, xã An Phú Trung đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng chuồng trại nuôi bò sữa. Hiện, đàn bò sữa đã phát triển lên 34 con, trong đó, 10 con đang cho sữa. Trung bình mỗi ngày, gia đình thu hoạch từ 140 - 150kg sữa, thu hơn 2 triệu đồng.
Ðể phát triển sản xuất thích ứng BÐKH, Bộ NN&PTNT đã nghiên cứu phát triển và chuyển giao các giống cây trồng mới cho năng suất, chất lượng cao thích nghi điều kiện canh tác, chế độ canh tác phục vụ sản xuất hàng hóa theo mô hình canh tác nông nghiệp thông minh với khí hậu (CSA) được chú trọng để vẫn duy trì được năng suất cây trồng; tập trung triển khai nhân rộng các mô hình, biện pháp canh tác tiên tiến như thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP), quản lý cây trồng tổng hợp (ICM), kỹ thuật canh tác 3 giảm 3 tăng (3G3T), kỹ thuật canh tác 1 phải 5 giảm (1P5G), quản lý dịch bệnh tổng hợp (EPM), hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI), làm đất tối thiểu, che phủ bằng thảm thực vật, hình thành các chuỗi liên kết nông sản bền vững…
Năm 2019, diện tích được chứng nhận VietGAP là 39,3 nghìn ha, trong đó, quả 22,66 nghìn ha; rau 5,99 nghìn ha; lúa 5,27 nghìn ha; chè 5,12 nghìn ha; cà phê 101 ha; cây khác 105 ha. Trên địa bàn cả nước đã triển khai xây dựng và phát triển mô hình chuỗi với 1.484 chuỗi, 2.374 sản phẩm và 3.267 địa điểm bán sản phẩm đã kiểm soát theo chuỗi nông sản ATTP theo chuỗi.
Đồng thời, Bộ đã cùng các địa phương, doanh nghiệp đang tiến hành xây dựng các chuỗi liên kết một số sản phẩm chủ lực như: Chuỗi liên kết cá tra ba cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL; chuỗi liên kết ngành hàng lâm sản chủ lực; chuỗi liên kết ngành hàng lúa gạo của 10.000 hộ trồng lúa ở vùng ĐBSCL.
Thời gian tới, theo Bộ NN&PTNT, các địa phương vùng ÐBSCL cần tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường; chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng. Ðồng thời, mở rộng quy mô, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của các HTX; xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; chia sẻ kinh nghiệm và tiếp thu những sáng kiến của người dân về ứng phó với BÐKH; bố trí lại mùa vụ, cơ cấu cây trồng, lựa chọn và cung ứng vật tư, phân bón, cây con giống thích hợp; ứng dụng công nghệ thông tin và cung cấp thông tin về thị trường vật tư, nông sản và thông tin thời tiết, khí hậu, điều hành sản xuất; phát huy tốt vai trò của các HTX tham gia chuỗi và ứng phó với BÐKH.
Mặt khác, cần tổ chức quan trắc, đo đạc và thu thập dữ liệu về ngập nước, tình trạng xâm nhập mặn, dinh dưỡng đất, sâu, bệnh gây hại và vận hành hệ thống thủy lợi nhằm giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao hiệu quả sản xuất…