Sẵn sàng 'né' hạn
10:54 - 18/03/2020
Nam Trung bộ, Tây Nguyên được dự báo là sẽ bị thiếu nước SX nghiêm trọng. Để tiếp tục giành thắng lợi vụ hè thu, các tỉnh phải thật nỗ lực phòng chống hạn. 
Nông dân tích cực chăm sóc lúa ở Quảng Ngãi


Khắp nơi thiếu nước 

Theo bà Đặng Thị Kim Nhung, Trưởng phòng Quy hoạch Thủy lợi Nam Trung bộ và Tây Nguyên (Tổng cục Thủy lợi), lượng mưa từ đầu mùa mưa đến nay trong khu vực thiếu hụt so với trung bình nhiều năm (TBNN) từ 10 – 40%.
 

Đặc biệt, từ đầu mùa khô đến nay lượng mưa trong khu vực rất thấp, thấp hơn từ 60 – 80% so TBNN; dung tích các hồ chứa trong khu vực Nam Trung bộ vào đầu vụ ĐX 2019 – 2020 thiếu hụt so TBNN  từ 10 - 30%.
 

“Hiện nay trong khu vực đã xảy ra hạn hán, thiếu nước cục bộ tại một số địa phương, khả năng hạn hán sẽ mở rộng trong thời gian tới”, bà Nhung khẳng định.
 

Hiện tại, dung tích trữ trung bình tại các hồ chứa trong khu vực chỉ đạt 62% so dung tích thiết kế, thấp hơn năm 2018 – 2019 khoảng 20%, thấp hơn các năm 2015 – 2016 khoảng 6%. Đáng quan ngại là 1 số tỉnh hiện đang có dung tích trữ rất thấp, như Ninh Thuận chỉ 28%, Bình Thuận 36%, Khánh Hòa 47%.
 

Căn cứ lượng nước thực tế, Tổng cục Thủy lợi dự báo tại Quảng Ngãi, trong vụ hè thu tới nguồn nước trong các hồ chứa nhỏ sẽ không đảm bảo cấp nước tưới cho khoảng 2.000ha.
 

Ở Bình Định, đến đầu vụ hè thu nước trong các hồ chứa chỉ còn khoảng 50 – 55%, các hồ thủy điện ở Gia Lai hàng năm thường bổ sung nguồn nước xuống sông Kôn hiện đang có dung tích hữu ích rất thấp, nên Bình Định chẳng thể trông mong được gì. Do đó, vụ hè thu và vụ mùa năm nay, Bình Định cần chuyển đổi SX những diện tích ăn nước sau thủy điện An Khê – Kanak khoảng 226ha và 1.300ha khác "ăn" nước các hồ có dung tích chứa vừa và nhỏ có dung tích trữ thấp.
 

Ở Phú Yên khả năng cao sẽ xảy ra thiếu nước cục bộ, khoảng 1.000ha "ăn" nước các hồ chứa nhỏ và nằm ngoài vùng tưới của các công trình thủy lợi. Ở Khánh Hòa cũng cần chuyển đổi cơ cấu cây trồng hoặc giảm diện tích SX vụ hè thu cho khoảng 6.000 – 8.000ha ở các khu vực hồ chứa có dung tích trữ thấp.
 

Ở Ninh Thuận tình trạng thiếu nước còn nghiêm trọng hơn. Dự báo nguồn nước sẽ không đảm bảo cấp nước cho vụ hè thu. Tổng diện tích được khuyến cáo SX vụ hè thu chỉ là 15.900ha, thấp hơn 7.100ha so với kế hoạch SX hàng năm.
 

Ở Bình Thuận khó khăn chẳng kém, vụ hè thu năm nay nguy cơ thiếu nước đến 16.000ha tại các vùng sử dụng nước sau thủy điện Đại Ninh, hồ Cà Giây, hệ thống sông Quao – Cẩm Hang – Cà Giang và hệ thống Lòng Sông – Phan Dũng – Đá Bạc. Các tỉnh khu vực Tây Nguyên cũng được dự báo sẽ thiếu nước tưới nghiêm trọng trong vụ hè thu và vụ mùa năm 2020.
 

Dừng SX những diện tích không đảm bảo nước tưới

Trước tình hình trên, Bộ NN-PTNT khuyến cáo các địa phương trong khu vực phải kiểm tra nguồn nước thường xuyên để cân đối, bố trí kế hoạch SX, cơ cấu cây trồng hợp lý. Các khu vực nguồn nước không đảm bảo phải dừng SX.
 

Ở những khu vực thiếu nước phải chuyển từ làm lúa sang các loại cây trồng khác ít cần nước hơn. Lịch thời vụ phải được xây dựng theo phương châm “sớm hơn, tập trung hơn và thời gian xuống giống ngắn hơn”.
 

Bộ NN-PTNT cũng quyết liệt chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng trên đất lúa. Những vùng khả năng bị hạn, thiếu nước tưới, cần chuyển đổi cây trồng cạn như: Vừng, sắn… hoặc chuyển dịch mùa vụ gieo trồng để tránh thiệt hại do hạn.
 

Vùng có nước tưới khi chuyển đổi cần đầu tư thâm canh các loại cây trồng hiệu quả cao như: Ngô lai, lạc, đậu tương và rau đậu các loại.
 

Trên đất lúa chuyển đổi cần quy hoạch bố trí gieo trồng tập trung cùng nhóm cây trồng như vùng ngô lai, vùng đậu đỗ để dễ điều tiết nguồn nước.
 

Hiện các địa phương hiện đã chủ động phương án phòng chống hạn cho vụ hè thu năm nay. Ví như tại Bình Định, theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT, nếu tiết Tiểu mãn không mưa thì Bình Định sẽ bị thiếu nước khoảng 4.040ha, trong đó có 2.040ha không SX được, những diện tích này sẽ được chuyển sang cây trồng cạn hoặc không SX. Diện tích dự kiến sẽ không SX trong vụ hè thu này tại Bình Định là 1.200ha.
 

“Nhờ vụ ĐX 2019 – 2020 chúng tôi gieo sạ sớm 20 ngày, với phương châm thu hoạch vụ ĐX đến đâu gieo sạ vụ hè thu đến đó thì vụ hè thu này sẽ gieo sạ sớm được 20 ngày. Như vậy chúng tôi sẽ tiết kiệm được 2 lứa nước.
 

Đồng thời, vụ hè chúng tôi sẽ sạ giống dưới 90 ngày, vụ thu sạ giống dưới 100 ngày, như vậy sẽ né được hạn vào cuối vụ”.
 

Hoặc như tại Ninh Thuận, địa phương được dự báo hạn hán sẽ hoành hành dữ dội trong vụ hè thu năm nay. Ngay từ đầu năm, tỉnh này đã xây dựng phương án chống hạn. Ninh Thuận ưu tiên cho nước sinh hoạt của người dân, nước uống cho gia súc rồi mới đến nước SX.
 

Theo ông Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận, tỉnh này đã xác định năm 2020 hạn sẽ khốc liệt ngang năm 2015, do đó, nếu mùa khô năm nay trên địa bàn không có mưa thì trong vụ hè thu này Ninh Thuận sẽ dừng SX 10.000ha.
 

“UBND tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo kiên quyết dừng SX ở những vùng không có nước, thà hỗ trợ gạo còn hơn để cho nông dân SX rồi lo chống hạn còn tốn kém hơn. Chúng tôi đã xây dựng phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng ít nhất là 1.500ha; trong đó sẽ tăng cường trồng cỏ phục vụ chăn nuôi, để vừa làm tăng hiệu quả SX vừa giải quyết thức ăn cho đàn gia súc trên địa bàn”, ông Phan Quang Thựu cho hay.

Dựa trên cơ sở nguồn nước hiện có tại các hồ chứa, dự báo mưa và nguồn nước tại các con sông, Bộ NN-PTNT đã phối hợp với các tỉnh trong khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên xây dựng phương án SX vụ hè thu cho từng vùng với từng chủng loại cây trồng, diện tích canh tác, thời gian bố trí mùa vụ.

Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn